Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bất ổn nguồn nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

Từ câu chuyện bóng đá Việt Nam người ta có thể dễ dàng nhận ra một kết quả đáng buồn cho quan niệm "có tiền là có tất cả”. Công bằng mà nói, bóng đá Việt Nam ngày nay về đại thể có khá hơn hai thập niên trước kể từ sau khi các "đại gia” bắt đầu tham gia "sân cỏ” và mạnh tay chi tiền hơn các ông bầu quốc doanh. Nhưng sự đầu tư đó cũng chỉ đưa bóng đá Việt Nam tới một cái ngưỡng nhất định như ngày hôm nay, chưa làm cho người hâm mộ có thể "ngước nhìn” và sảng khoái.
Chúng ta vẫn phải chấp nhận nhân công giá rẻ. Ảnh: THÁI AN
Với những người yêu bóng đá, bên cạnh một vài mùa giải sôi động là những ngày tháng thất vọng não nề với cái nhìn chưa lạc quan về tương lai. Tiền đã không thể vực bóng đá Việt Nam lên như kỳ vọng và không đủ để mang lại một tương lai tươi sáng cho cuộc chơi làm say mê phần lớn hành tinh này. Chưa kể, nó còn mang lại nhiều hệ lụy khiến các cơ quan pháp luật phải vào cuộc, không ít cầu thủ vướng vòng lao lý, không ít ông bầu thất vọng với cách cư xử thực dụng quá đáng của những học trò cưng, những người thầy tâm huyết từng gắn bó nhiều năm với bóng đá Việt Nam cũng buộc lòng dứt áo ra đi tìm hạnh phúc trong tình yêu bóng đá ở những phương trời khác… Có thể nói, đó chính là hậu quả của tình trạng đầu tư "thừa tiền nhưng lại thiếu chất xám”.
Câu chuyện bóng đá thực ra cũng chỉ là một trong rất nhiều điển hình của thực trạng nền kinh tế – xã hội Việt Nam ngày nay. Sau hơn hai thập niên đổi mới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên khoảng 5-6 lần (từ 180 USD năm 1986 lên 1115 USD năm 2010). Thực đáng mừng vì dân ta đã sống tốt hơn trước, nhưng so với thế giới xung quanh thì thực ra đời sống của dân ta còn ở mức khiêm tốn. Hơn nữa nếu nhìn sâu vào trong bản chất của sự tăng trưởng ta có đủ lý do để quan ngại về tính thiếu bền vững của cấu trúc nền kinh tế hiện tại.
Để nâng cao gấp 5-6 lần tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người, Việt Nam cần tới 25 năm. Trong khi một số nước xung quanh ta chỉ cần từ 10 – 15 năm hoặc còn ít hơn như thế. Điều đáng nói là giai đoạn phát triển trước của những quốc gia này đã tạo điều kiện vững chắc cho sự phát triển rất năng động trong giai đoạn tiếp theo. Trong khi ở Việt Nam, những năm gần đây đã bắt đầu đi vào các khó khăn kinh tế mang tính cơ cấu khiến nhà chức trách đang phải quyết liệt tìm kiếm lối ra. Từ năm 2007 đến nay (trừ năm 2009) lạm phát liên tục ở mức hai con số. Hiệu quả kinh tế cũng ngày càng thấp hơn so với tiền của và công sức đầu tư. Cụ thể là chỉ số ICOR (Incremental Capital – Output Ratio: Hệ số sử dụng vốn) từ nhiều năm nay là trên 6 (trong khi ở các nước xung quanh chỉ số này là 2-3). Có thể nói, kinh tế Việt Nam trong thời gian qua tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư mới, lao động chất lượng thấp, khai thác quá mức tài nguyên và môi trường, tỷ lệ tổn thất, thất thoát nhiều tới mức khó kiểm soát.
Một trong những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ đầu phát triển nay đã không còn phù hợp nữa, đó là "nhân công giá rẻ”. Việt Nam đang bước qua giai đoạn thuận lợi nhất trong việc tận dụng yếu tố "dân số vàng” để phát triển, khi mà phần đông những người lao động Việt Nam đang trong độ tuổi sung sức nhất lại không được đào tạo, không có nghề chuyên môn cần và đủ cho nhu cầu phát triển. Họ phải luôn chấp nhận một sự cạnh tranh đáng buồn và nghiệt ngã với giá cả cho loại hàng hoá đặc biệt là sức lao động bằng một cái giá rẻ mạt. Các chương trình đô thị hoá, công nghiệp hóa ngày càng phát triển theo diện rộng mỗi năm ngốn mất hàng chục nghìn héc-ta đất nông nghiệp cũng khiến cho hàng vạn thanh niên lao động nông thôn không còn việc làm theo truyền thống. Song các chương trình và giải pháp tương xứng để đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp thích hợp cho số lao động khổng lồ này lại chưa đi vào cuộc sống. Tất nhiên, phần đông trong số họ, lại tiếp tục bán sức lao động của mình với những cái giá rẻ mạt cho các công ty mọc lên ngay chính trên mảnh đất mà xưa kia gia đình, hay bạn bè họ từng canh tác; tệ hơn nữa là họ buộc phải "tha phương cầu thực” tại các thành phố đang phát triển như vũ bão nhưng lại rất thiếu quy hoạch.
Việt Nam được xem là đất nước của nhiều nghìn năm Văn Hiến, từng đứng vững vàng trước mọi thử thách trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước phần lớn là nhờ vào tố chất đặc biệt của con người Việt Nam, "Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có” (Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi). Các nhà nghiên cứu quốc tế, các công ty hàng đầu thế giới khi tiếp xúc với lao động Việt Nam cũng đều đánh giá cao phẩm chất, năng lực tiềm tàng của con người Việt Nam. Không ít trí tuệ Việt Nam đã và đang đóng góp cho những công trình khoa học, những viện nghiên cứu mang tầm vóc quốc tế. Thế nhưng, sau nhiều thập kỷ phát triển chúng ta vẫn cứ phải chấp nhận yếu tố "nhân công giá rẻ” trong danh sách các lợi thế về cạnh tranh, vì sao?
Có thể nói rằng chất lượng giáo dục của Việt Nam đang là một trong những yếu tố quan trọng hạn chế sự phát triển của đất nước. Không một nhà hoạch định chính sách quốc gia nào lại không hiểu giáo dục là một trong những nhân tố đầu tiên và chủ lực, quyết định cho mọi sự thành công của tất cả các kế hoạch phát triển. Giáo dục bao gồm chính sách đào tạo nguồn nhân lực đồng thời với chính sách sử dụng nhân tài là một hệ thống tổng hòa cùng kích thích nhau để phát triển. Trong một nền kinh tế lấy con số tăng trưởng làm thành tích và cũng là đích đến thì tất yếu sẽ sản sinh ra một hệ thống đào tạo cũng sính thành tích tương tự.
Chuyên gia cao cấp của Liên Hiệp Quốc ông Vũ Quang Việt nhiều năm trước đã từng cảnh báo giáo dục Việt Nam yếu kém không phải vì thiếu tiền. Ông Việt đã sử dụng các con số thống kê để cho thấy ngoài việc hàng năm ngân sách quốc gia phải chi cho giáo dục khoảng 20% GDP, giáo dục Việt Nam còn nhận từ xã hội với tinh thần "tôn sự trọng đạo”, hiếu học của người Việt cũng với một khoản tương tự. Như vậy, khoảng 30-40% nguồn lực của đất nước hàng năm là chi cho giáo dục, con số này vượt xa cả những nước có nền giáo dục hàng đầu trên thế giới (chỉ vào khoảng 12-15% GDP hàng năm). Thế nhưng đáng buồn là giáo dục Việt Nam vẫn cứ mãi "lẹt đẹt” chạy theo nhu cầu của phát triển, nếu không muốn nói là đang trở thành một lực cản đáng kể trước yêu cầu bức thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu phát triển.
Đáng buồn thay, trong lúc "nhân tài như lá mùa thu”, tình hình "chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư, có vốn đầu tư nước ngoài hay ra hẳn nước ngoài lại đang ngày càng trở nên phổ biến. Điều đó chứng tỏ, không chỉ chính sách đào tạo, phát triển nhân tài của ta đang bất cập mà ngay cả chính sách tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ nhân tài cũng đang có vấn đề.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, rừng vàng biển bạc ngày mai rồi cũng sẽ cạn kiệt, thế nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao (mà đặc biệt là những tài năng đỉnh cao) là một dạng tài nguyên không bao giờ vơi cạn. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện đang còn rất thấp so với khả năng cho phép và tiềm lực của dân tộc ta. Đây chính là một trong các bất ổn khiến cho nền kinh tế của chúng ta phát triển không bền vững và kém hiệu quả từ nhiều năm qua. Có thể nói, giờ đây con tàu Việt Nam càng không thể thiếu vắng đội ngũ tinh hoa của dân tộc khi đang vận hành trên đại dương đầy sóng gió và cũng nhiều bất trắc của thế giới ngày nay.
Theo Hữu Nguyên
(daidoanket)

Bình luận (0)