Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bất ổn trong đề thi học sinh giỏi quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2019 mới diễn ra khiến giới chuyên môn thất vọng về chất lượng của đề.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) 	 /// Ảnh: Ngọc Dương
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Ảnh: Ngọc Dương
Nhiều người cho rằng những đề thi đó tiếp tục biến kỳ thi thành cuộc chạy đua vô bổ của những học trò được xem là tinh hoa.
Trong các ngày 13, 14, 15.1, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia THPT cho hơn 4.500 HS trên cả nước, ở 12 môn thi. Sau cuộc thi, giới chuyên môn đã dấy lên nhiều cuộc bàn tán về đề thi các môn học, mà phần lớn chưa hài lòng về chất lượng đề thi. Trong đó đề thi môn toán nhận nhiều chỉ trích nhất.
Kiểu học thực dụng, nhồi nhét lấn lướt
Một đề toán được gọi là hay phải thỏa mãn 3 điều kiện: mới, hình thức giản dị, nội dung sâu sắc
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, giáo viên Trường THPT chuyên Sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Theo tiến sĩ Trần Nam Dũng, Khoa Toán tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, với vai trò là một kỳ thi có tính dẫn dắt, là kim chỉ nam định hướng cho việc dạy và học với đối tượng HSG ở trường phổ thông, việc ra đề thi phải được đầu tư hết sức kỹ lưỡng, nhưng thực tế cho thấy việc ra đề môn toán năm nay thiếu sự đầu tư, chăm chút. “Xét trên góc độ tính mới thì đề VMO (kỳ thi HSG quốc gia môn toán – PV) 2019 quá chán, hay nói thật hơn: đề VMO 2019 sao chép quá nhiều”, tiến sĩ Trần Nam Dũng nhận xét.

Tiến sĩ Dũng phân tích, học toán nói riêng và học các môn khoa học nói chung, nhất là ở mức HSG, là học khám phá, sáng tạo, chứ không phải để nhớ hay thuộc thật nhiều bài. Vì thế mà đề thi chọn HSG cần phải có những bài toán mới, có tính chất gợi mở, chưa từng được sử dụng (bên cạnh các yêu cầu phải đảm bảo tính chính xác khoa học, tính sư phạm). Khi đề thi sao chép lại những đề cũ, một mặt sẽ tạo lợi thế cho các bạn “biết nhiều”, mặt khác sẽ tiếp tục tạo ra các cuộc đua “giải bài càng nhiều càng tốt”, một cách học thực sự là rất phản sư phạm.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, giáo viên Trường THPT chuyên Sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng đồng tình quan điểm trên khi phân tích: “Với HS, trong khi thời gian làm bài thi hạn chế thì những bài toán khó mà không hay kiểu như bài 4 trong đề không tạo được cảm hứng để HS làm bài”. Tiến sĩ Hà nhận xét thêm: “Một đề toán được gọi là hay phải thỏa mãn 3 điều kiện: mới, hình thức giản dị, nội dung sâu sắc”.
Thế giới đã khác nhưng đề thi vẫn như cũ
Không chỉ đề toán mà đề thi các môn sử, vật lý… cũng bị giới chuyên môn than phiền. Ông Nguyễn Quốc Vương, một chuyên gia độc lập nghiên cứu về giáo dục lịch sử, nhận xét: “20 năm qua học trò và thế giới đã khác nhưng tư duy người ra đề ở ta vẫn thế. Một đề thi HSG tầm cỡ quốc gia mà không có lấy một câu hỏi yêu cầu HS phân tích, xử lý, giải mã tư liệu gốc thì làm sao có thể nói nó chọn được người có năng lực tư duy sử học?”.
Theo ông Vương, điều này phản ánh một sự thật là ở ta giáo viên dạy sử ở phổ thông và nhiều người có liên quan đến giáo dục lịch sử có tư duy coi dạy sử là truyền đạt tri thức và HSG sử là người nhớ tốt, liên hệ tốt. Vì vậy kỳ thi chọn HSG quốc gia thành cuộc so tài xem ai học thuộc và có cách trình bày khéo hơn mà thôi. Ai viết khỏe hơn thì được.
GS Hà Huy Bằng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, cũng cho biết: “Đề thi HSG môn vật lý quá dài, không có nhiều ý tưởng sáng tạo. Để được điểm cao cần ôn luyện nhiều dạng bài và khi thi tính toán nhanh, chính xác, trình bày khẩn trương. Không hiểu tại sao những năm gần đây đề thi đều theo xu hướng này!”.
Thậm chí đề thi văn, một trong những đề thi ít ỏi nhận được nhiều lời khen thì từ góc độ chuyên môn, nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra những bất cập. Tiến sĩ Chu Văn Sơn, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng một câu của đề bất ổn vì không hợp đối tượng thi và diễn đạt mâu thuẫn khiến thí sinh phải “ăn ốc nói mò” và chỉ có thể “chém gió”.
Quý Hiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)