Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

“Bắt tay” tăng tỷ lệ nội địa hóa: Sau hai năm, thành quả vẫn khiêm tốn

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù đánh giá cao lợi ích từ việc "bắt tay" giữa các tập đoàn, tổng công ty nhằm thúc đẩy sản xuất và khơi thông thị trường, nhưng nhiều ý kiến cho rằng để tránh hình thức cũng như đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm thì bản thân doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cần phải chú trọng cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành và quan trọng hơn là dựa trên nguyên tắc thị trường.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thỏa thuận hợp tác giữa các tập đoàn, tổng công ty trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau do Bộ Công Thương tổ chức sáng 19/8, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, hiện nhiều sản phẩm của các tập đoàn khác đã được ưu tiên sử dụng trong các công trình kỹ thuật của nhau.

Nhiều sản phẩm thép trong nước đã từng bước thay thế được hàng nhập khẩu (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đơn cử như PVN đã cùng EVN xây dựng các nhà máy điện và tiêu thụ điện của nhau; xác định rõ giá khí, giá điện trong các thỏa thuận hợp tác đồng thời giải quyết nguồn than cho các nhà máy điện của PVN…

Ngoài ra, PVN cũng phối hợp với Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) sản xuất các sản phẩm sơ sợi, hoặc ký với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng chỉ ra những khó khăn trong quá trình hợp tác nhất là những trở ngại để nâng dần tỷ lệ nội địa hóa. Cụ thể, theo lãnh đạo PVN thì ngành dầu khí mỗi năm cần sử dụng cả triệu tấn thép thành phẩm, nhưng hầu hết lại phải nhập khẩu. Bởi lẽ, chất lượng thép trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cho các công trình kỹ thuật cao. Thậm chí, nhiều chi tiết đơn giản như ốc vít phục vụ giàn khoan cũng phải ra nước ngoài để mua, bởi độ ăn mòn của thép trong nước chưa đảm bảo phục vụ các công trình dầu khí.

"Dầu khí vẫn chưa sử dụng được hết quỹ để ưu tiên dùng hàng của các doanh nghiệp khác do nhiều mặt hàng trong nước sản xuất ra chưa đạt tiêu chuẩn," ông Sơn nói.

Cùng ý kiến với PVN, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex cũng nhấn mạnh, trong danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được, Bộ Công Thương cần có đánh giá về khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, từng nhóm sản phẩm để có thể thấy được sự phù hợp về giá giữa sản phẩm trong nước sản xuất so với hàng nhập khẩu? nếu tương đương về giá và chất lượng thì cần ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước..

"Quá trình sử dụng sản phẩm của nhau rất cần có sự giám sát của Bộ Công Thương nhằm đánh giá nội lực của từng công ty và sản phẩm, nếu có thể cùng hợp tác thì lãnh đạo các tập đoàn phải ngồi với nhau để có bước đi phù hợp cho nhóm sản phẩm trên tinh thần đảm bảo khả năng cạnh tranh," ông Nghị nêu ý kiến.

Thực tế cho thấy, sau 2 năm triển khai thỏa thuận hợp tác ưu tiên dùng sản phẩm của nhau, nhiều doanh nghiệp đã tạo ra được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần giải phóng hàng tồn kho cũng như tiết giảm chi phí.

Đơn cử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2012, tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị vật tư nguyên liệu trong nước đạt 42% trên tổng giá trị máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu với giá trị 35.391,7 tỉ đồng và ước 9 tháng đầu năm 2013 đạt tỷ lệ là 48,7%, với giá trị 32.192 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam năm 2012 đạt tỷ lệ sử dụng hàng hóa trong nước là 68% với giá trị 30.430 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2013 đạt tỷ lệ là 88% với giá trị là 26.428 tỷ đồng…

Đáng chú ý, nền sản xuất trong nước hiện đáp ứng được 35% các nhu cầu về sản phẩm xăng dầu, 50% nhu cầu LPG; 30% nhu cầu về thép phế; 100% nhu cầu về vật liệu xây dựng (xi măng, đá xây dựng, gạch nung); 50% nhu cầu về hóa chất cơ bản; 30% nhu cầu về vải; 50,3% nhu cầu về bột giấy và 40% nhu cầu về cơ khí…

Tuy vậy, nhiều nhận xét chung cho thấy, do tính đồng bộ chưa cao, nhiều sản phẩm trong nước sản xuất ra chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ các yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất khác nên việc bắt tay hợp tác vẫn còn ở chừng mực nhất định.

Cụ thể, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hàng hóa được sản xuất trong nước chưa đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Thậm chí chất lượng chưa đảm bảo nên khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Một số tập đoàn, tổng công ty cần các loại hàng hóa đặc chủng có tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhưng doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được.

Trước thực tế trên, để việc thỏa thuận hợp tác đi vào chiều sâu cũng như giúp các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh được chuỗi liên kết sản xuất, nâng được tính cạnh trạnh của sản phẩm, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Bộ Công Thương đang xem xét đưa 20 nhóm sản phẩm về khả năng cạnh tranh cao nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước ưu tiên sử dụng, đồng thời bộ sẽ nghiên cứu và đề xuất các cơ chế phù hợp thúc đẩy cho công nghiệp hỗ trợ phát triển và tạo chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty.

"Để các thỏa thuận hợp tác đi vào thực chất, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương cần ý thức đầu tư tốt hơn cho sản phẩm, nghiên cứu để giảm giá thành và đảm bảo tính cạnh tranh cho hàng hóa," thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh./.

Đức Duy (Vietnam+)

Bình luận (0)