Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Bất thường đăng ký xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM

Tạp Chí Giáo Dục

Dù số lượng thí sinh dự thi tăng cao nhưng số đăng ký xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM lại thấp đột biến so với năm trước khiến ĐHQG TPHCM phải gia hạn thêm gần 1,5 tháng để tuyên truyền đến học sinh.

Theo thông tin từ ĐHQG TPHCM, ở đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực có đến hơn 88.000 thí sinh dự thi. Kết quả này sẽ được hơn 90 trường ĐH-CĐ sử dụng để xét tuyển năm 2023.

Bất thường đăng ký xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM ảnh 1

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐHQG TPHCM tổ chức tại TPHCM năm 2023

Ngay sau kỳ thi, ĐHQG TPHCM đã mở cổng thông tin để thí sinh đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, sau gần một tháng mở cổng đăng ký xét tuyển, số lượng thí sinh đăng ký trên hệ thống khá ít, chỉ đạt khoảng 25% (tính đến ngày cuối cùng đăng ký 28/4- PV) khiến đơn vị này phải gia hạn thời gian đăng ký đến ngày 10/6 (tức kéo dài thêm 1,5 tháng).

Theo ĐHQG TPHCM, trong thời gian gia hạn đăng ký xét tuyển, các bước đăng ký xét tuyển vẫn thực hiện như hướng dẫn từ trước. Cụ thể, từ nay đến 10/6, thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng theo mong muốn nhưng cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giảm dần vì thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất. Lệ phí đăng ký là 300.000 đồng/thí sinh.

Ngày 5/5, trao đổi với PV, TS Nguyễn Quốc Chính- Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo thuộc ĐHQG TPHCM cho biết, đến thời điểm hiện tại, hệ thống đăng ký xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM ghi nhận khoảng 150.000 nguyện vọng vào gần 90 trường ĐH, CĐ. Số nguyện vọng này chỉ bằng 50% so với năm trước (năm 2022 có khoảng 300.000 nguyện vọng- PV).

Bất thường đăng ký xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM ảnh 2

Theo ông Chính, qua khảo sát từ thí sinh, nguyên do có thể do thí sinh hiểu nhầm việc đăng ký xét tuyển sớm bằng điểm thi đánh giá năng lực này cùng với đăng ký xét tuyển chung trên hệ thống của Bộ GD&ĐT sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo cho rằng việc hiểu nhầm này là rất nguy hiểm bởi với phương thức xét tuyển sớm, nếu thí sinh không đăng ký xem như không tham gia và sẽ không được các trường nhập kết quả lên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Đồng nghĩa với việc sau này các em đăng ký xét tuyển bằng hình thức này sẽ không còn tác dụng.

Cũng theo ông Chính, dù đợt 2 của kỳ thi đánh giá năng lực chưa thi nhưng khi thí sinh đăng ký xét tuyển, hệ thống xét tuyển sẽ tự động lấy điểm thi đợt nào cao hơn để sử dụng để xét tuyển vào ĐH-CĐ (nếu thí sinh thi cả 2 đợt). “Do đó, thí sinh cần cân nhắc sớm đăng ký xét tuyển sớm bằng phương thức đánh giá năng lực”, ông Chính khuyên.

Được biết, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 do ĐHQG TPHCM tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 28/5, tại bốn tỉnh/thành, gồm TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang.

Bài thi vẫn gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Thang điểm tối đa của bài thi là 1.200.

Theo Nguyễn Dũng/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)