Sau thời hoàng kim đầu những năm 2000, gần đây điểm chuẩn các ngành xây dựng, kiến trúc, giao thông vẫn loanh quanh mốc 20 điểm. Đề thi năm nay được cho là dễ, nhưng điểm chuẩn các trường nhóm ngành nói trên nhiều ngành chỉ lấy mức sàn.
Thí sinh nộp giấy chứng nhận điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 tại một trường thuộc khối kỹ thuật ở Hà Nội. ẢNH: TÙNG VŨ
Điểm chuẩn chạm sàn
Theo thông báo điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 ĐH chính quy năm 2017 của Trường ĐH Xây dựng, trong số 19 ngành của trường, chỉ có 4 ngành có điểm chuẩn trên mốc 20, còn lại là dưới mốc này. Trong khi đó, theo ký ức của những cựu sinh viên Trường ĐH Xây dựng, giai đoạn hoàng kim (1998 – 2012), điểm chuẩn của trường này luôn ngang ngửa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. “Tôi thi vào Trường ĐH Xây dựng năm 1998, điểm chuẩn ngành cầu đường hồi ấy là 25 (năm nay 18,75 điểm – PV). Cho tới khoảng mười năm về sau, điểm sàn vào trường ít nhất vẫn phải là 20 – 21, các ngành "hot" phải là 26 – 27”, ông Nguyễn Nghĩa Lâm, cựu sinh viên Trường ĐH Xây dựng (K44), hiện là chủ một doanh nghiệp chia sẻ.
Các ngành khối A Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội còn tệ hơn, đều lấy điểm chuẩn ngang mức sàn. Các ngành khối V trường này điểm chuẩn khá hơn một chút, nhưng lại thấp hơn Trường ĐH Xây dựng (ngành kiến trúc 17,5 điểm và quy hoạch đô thị là 15,5 điểm).
Các trường ĐH đào tạo kỹ thuật công nghệ khối phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia như: Giao thông vận tải, Công nghệ giao thông vận tải, Thủy lợi… điểm chuẩn nhìn chung cũng không cao. Trường ĐH Giao thông vận tải, cơ sở phía bắc, điểm vẫn chỉ 16 – 19 (trong 19 ngành, chỉ có 5 ngành điểm chuẩn từ 20 trở lên, ngành cao nhất cũng chỉ 23 điểm). Hoặc Trường ĐH Hàng hải có khoảng 40 ngành thì quá nửa số ngành lấy điểm chuẩn ngang sàn. Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, cơ sở Hà Nội tuy không có điểm chuẩn ngành nào ngang sàn, nhưng điểm chuẩn ngành cao nhất năm nay cũng chỉ bằng năm 2016 (19 điểm). Điểm chuẩn một loạt chuyên ngành của các ngành kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật hạ tầng của Trường ĐH Thủy lợi cũng 15,5 điểm.
Các vấn đề quy hoạch đô thị, chất lượng công trình, cấp thoát nước, giao thông… trong tương lai sẽ gặp vấn đề lớn với đầu vào ĐH thế này
|
Ông Đỗ Hoàng Sơn, thành viên đại diện Liên minh STEM
|
|
Theo ông Đỗ Hoàng Sơn, thành viên đại diện Liên minh STEM, điểm chuẩn vào các ngành kỹ thuật phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia của các trường công lập chỉ ở mức sàn trong tương quan là đề thi năm nay dễ, là có vấn đề. “Chạm đáy 15,5 điểm trong khi 27 điểm vẫn trượt nhiều ngành ở những ĐH khác, thì có gì đó không ổn trong câu chuyện tuyển sinh năm nay”, ông Sơn nói.
Kém hấp dẫn vì xã hội thiếu thông tin
PGS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, cũng cho rằng các ngành nhóm kỹ thuật công nghệ phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng của quốc gia đang ngày càng khó thu hút thí sinh. “Có thể thí sinh và phụ huynh thấy những ngành nghề này vất vả hơn những ngành nghề làm việc văn phòng, kiểu như kỹ thuật thì phải công nghệ thông tin, còn không thì phải là khối ngành kinh tế”, PGS Đông lý giải.
Theo PGS Đông, với những quốc gia đang phát triển như VN, việc phát triển kết cấu xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, như xây dựng cầu, đường, sân bay, bến cảng, đường sắt, quy hoạch và xây dựng đô thị, xây dựng dân dụng công nghiệp, xử lý môi trường… luôn cần nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao. Dù muốn hay không, việc xây dựng đường bộ – đường sắt cao tốc ở VN vẫn sẽ phải triển khai trong những năm tới, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho các trường đào tạo kỹ thuật công nghệ phát triển kết cấu hạ tầng.
Cũng theo PGS Đông, các ngành kỹ thuật công nghệ kết cấu hạ tầng chưa hấp dẫn xã hội là do phụ huynh và thí sinh có quan điểm thiếu tích cực về lao động, việc làm. “Đúng là học các ngành này có vẻ vất vả, nhưng thu nhập khá tốt. Hiện nay, chúng tôi nhận được khá nhiều đơn đặt hàng đào tạo của các doanh nghiệp, thậm chí họ sẵn sàng trả lương cho các em tầm 5 – 7 triệu đồng/tháng ngay trong thời gian thực tập”, PGS Đông nói.
KTS Hoàng Thúc Hào, giảng viên Trường ĐH Xây dựng, người vừa nhận giải thưởng kiến trúc danh giá Vassilis Sgoutas 2017 của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế, cũng khẳng định kiến trúc sư là một trong những nghề sống rất tốt hiện nay. “Làm giàu thì khó, nhưng sau khi ra trường dăm năm có thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/tháng là bình thường”, ông Hào nói.
Tín hiệu báo động cho nguồn nhân lực
Trước hiện tượng trên, ông Hào bày tỏ lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực của nhóm ngành này: “Đối với các ngành kỹ thuật trong nhóm ngành phát triển kết cấu hạ tầng, nếu người học có điểm đầu vào các môn khoa học tự nhiên quá thấp thì việc theo học ĐH sau này rất khó khăn. Với ngành kiến trúc thì càng cần những em có khả năng học toán tốt, bởi nó rất cần trí tưởng tượng, tư duy logic của người học”.
Ông Đỗ Hoàng Sơn cho hay: “Nhìn vào điểm chuẩn của các trường này, liệu chúng ta có thể lạc quan khi dự báo tương lai của đô thị VN? Theo tôi, các vấn đề quy hoạch đô thị, chất lượng công trình, cấp thoát nước, giao thông… trong tương lai sẽ gặp vấn đề lớn với đầu vào ĐH thế này”.
Phía nam, điểm chuẩn ngành kỹ thuật thấp nhất
Theo mức điểm trúng tuyển các trường ĐH đã công bố đợt 1, nhiều ngành kỹ thuật có điểm thuộc nhóm thấp nhất trong số các ngành.
Tại Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, ngành kỹ thuật xây dựng 17,5 điểm; kỹ thuật môi trường 18; kỹ thuật không gian 18,5… So với ngành có điểm chuẩn cao nhất là quản trị kinh doanh (26 điểm) thì mức chênh lệch này lên tới 7,5 – 8,5 điểm.
Tại một trường trọng điểm về kỹ thuật như Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, ngành kỹ thuật cơ sở hạ tầng chỉ 18 điểm cho cơ sở chính tại TP.HCM. Với cơ sở đào tạo tại Đà Lạt, điểm chuẩn ngành kỹ thuật xây dựng chỉ bằng sàn (15,5) và tại cơ sở Cần Thơ chỉ cao hơn sàn 1 điểm (16,5).
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có 2 chuyên ngành điểm trúng tuyển chỉ trên sàn 0,5 – 1 điểm: khoa học hàng hải chuyên ngành điều khiển tàu biển (chất lượng cao) 16 điểm, kỹ thuật tàu thủy 16,5 điểm. Một số ngành điểm chuẩn chỉ trên dưới 6 điểm/môn như: khoa học hàng hải chuyên ngành điều khiển tàu biển (hệ đại trà), kỹ thuật môi trường…
Chương trình đại trà Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có nhiều ngành điểm chuẩn chỉ trên sàn từ 1,5 – 2 điểm như: nhóm ngành kỹ thuật xây dựng (17); công nghệ kỹ thuật nhiệt (17,5); nhóm ngành công nghệ điện tử (17,5)… Tương tự, điểm chuẩn các ngành nhóm kỹ thuật tại Trường ĐH Mở TP.HCM cũng thuộc nhóm ngành điểm thấp nhất: quản lý xây dựng 17,5; công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng 18,25…
Hà Ánh
|
Điểm chuẩn chưa phải quyết định chất lượng đầu ra
Đề cập hiện tượng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Những thí sinh (TS) có kết quả thi trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đều có khả năng học ĐH. Điểm sàn đã được nâng lên trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi Bộ bắt đầu thực hiện đổi mới thi/tuyển sinh. Năm nay cũng là năm điểm sàn ở mức cao nhất (15,5 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển) tương ứng với phổ điểm chung các môn thi có nhích lên về phía điểm cao”.
Theo ông Ga, sự phân bố TS giỏi vào các ngành khác nhau rõ ràng không thể đồng đều. Những ngành có tính cạnh tranh cao (quân đội, công an, y dược) thu hút những TS điểm cao nhất, các ngành công nghệ thông tin, luật, tiếng Anh, một số ngành kỹ thuật – công nghệ… đang có nhu cầu lao động cũng thu hút được nhiều TS giỏi. Thị trường lao động có tác động mạnh mẽ đến sự lựa chọn của TS. Những năm trước, ngành xây dựng, cầu đường… luôn có điểm chuẩn ở mức cao thì nay giảm dần. Những ngành năm nay điểm cao, vài năm sau khi lao động bão hòa, ít TS lựa chọn thì điểm chuẩn cũng sẽ giảm. Vì thế, trừ những ngành đặc thù, thông thường không có ngành nào giữ mãi điểm chuẩn cao. Thị trường lao động là yếu tố quan trọng điều tiết điểm chuẩn vào các trường.
Điểm chuẩn giảm không có nghĩa chất lượng đào tạo của ngành giảm theo mà đôi khi ngược lại, do đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của ngành không thay đổi nhưng số lượng TS giảm, ngành có nhiều điều kiện tăng cường chất lượng đào tạo. Mặt khác, điểm chuẩn đầu vào chỉ là một yếu tố ảnh hưởng chứ chưa phải quyết định đến chất lượng đầu ra. Trong quá trình đào tạo, những sinh viên có quyết tâm, nghị lực và năng động, yêu nghề đều có thể trở thành sinh viên giỏi và thành đạt trong công việc.
Q.H (ghi)
|
Quý Hiên/TNO
Tin liên quan
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng yêu cầu các địa phương, nhà trường trong và ngoài công lập báo...
6 ngành mới mà Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dự kiến tuyển trong năm nay được cho là đáp ứng...
Ngày 5-1, Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH-CĐ “Cùng bạn quyết định tương lai” năm nay chính thức chào...
Sự ra đời của các ngành mới khiến cho những ngành truyền thống tưởng chừng bị mờ nhạt, không còn được quan...
Bình luận (0)