Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bắt tro tàn… lên tiếng

Tạp Chí Giáo Dục

Điều tra cháy, nổ là công tác không dễ bởi hiện trường rất nguy hiểm, độc hại và phức tạp. Những gì còn lại tại hiện trường thường là đống tro tàn, đổ nát. Nhưng làm sao để tìm ra nguyên nhân vụ cháy, nổ từ đống tro tàn đó?

Cảnh sát PCCC chữa cháy tại Công ty cổ phần Kho vận miền Nam Sotrans, quận 4

Cảnh sát PCCC chữa cháy tại Công ty cổ phần Kho vận miền Nam Sotrans, quận 4

Gầy dựng đội ngũ

Từ khi thành lập đến nay, Cảnh sát PCCC TPHCM luôn quan tâm công tác điều tra – xử lý về cháy, nổ.  Những năm đầu mới thành lập, việc điều tra – xử lý cháy, nổ chưa có đơn vị chuyên trách độc lập mà chỉ là một đội thuộc Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy. Ngày 1-11-2010, Tổng cục Xây dựng lực lượng (Bộ Công an) mới thành lập Phòng Pháp chế, điều tra – xử lý về cháy, nổ thuộc Cảnh sát PCCC TPHCM. Đây là phòng chuyên môn điều tra về cháy, nổ đầu tiên của Cảnh sát PCCC trong cả nước.

Điều đáng chú ý đó là, cùng với thành lập đơn vị độc lập, lực lượng điều tra cháy, nổ được tách ra làm 2 bộ phận: khám nghiệm hiện trường và điều tra – xử lý. Cả 2 bộ phận đều đã đầu tư chuyên sâu cả về con người và trang thiết bị, chuyên môn. Đội khám nghiệm hiện trường được bố trí nhiều kỹ sư điện, kỹ sư hóa cùng những cán bộ tốt nghiệp chuyên ngành điều tra; đặc biệt là chuyên ngành kỹ thuật hình sự. Tiếp đến là đầu tư công cụ, phương tiện chuyên dùng, hiện đại phục vụ khám nghiệm hiện trường. Đội ngũ cán bộ khám nghiệm hiện trường luôn được quan tâm, tạo điều kiện tham gia các lớp học nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước. Vì thế, chất lượng khám nghiệm hiện trường ngày càng được nâng cao, hiệu quả.

Đội Điều tra – xử lý tập trung chuyên sâu về công tác lấy lời khai, đánh giá, phân tích, tổng hợp các thông tin, tài liệu, chứng cứ để đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân cháy, nổ; xử lý các trường hợp vi phạm. CB-CS hầu hết tốt nghiệp chuyên ngành điều tra tội phạm nên việc nắm bắt và vận dụng các chiến thuật điều tra, cũng như áp dụng các quy phạm pháp luật vào công tác luôn nhuần nhuyễn, hiệu quả. Qua đó, ngày một đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ công tác.

Vào cuộc ngay

Điều tra cháy, nổ là công tác khó khăn, phụ thuộc vào hiện trường. Tuy nhiên, hiện trường rất phức tạp. Những dấu vết, vật chứng hầu như đã bị biến dạng, phá hủy do cháy, nổ và quá trình chữa cháy nên rất khó phát hiện và thu giữ. Quá trình điều tra tại hiện trường luôn phải đối mặt với những nguy cơ mất an toàn do kết cấu xây dựng (đổ, vỡ), khói, khí độc, hóa chất độc hại và tiềm ẩn cả những nguy cơ tái cháy, nổ. Trong khi đó, lời khai của người làm chứng, người bị hại, người gây ra cháy, nổ; người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan rất khó đánh giá, kiểm chứng, bởi cơ sở đánh giá lời khai đó cũng chủ yếu dựa vào hiện trường. Điều tra là công tác nghiệp vụ của ngành công an, song khác với nhiều loại điều tra khác; điều tra cháy, nổ có những đặc thù riêng, quyết định đến hiệu quả của công tác này. Đó chính là công tác khám nghiệm hiện trường và việc sử dụng, vận dụng các kiến thức khoa học tự nhiên (như hóa học, vật lý, sinh học) trong hoạt động.

Để khám nghiệm hiện trường hiệu quả, việc lấy lời khai, nắm tình hình ban đầu phải tốt, phải định hướng được cho công tác khám nghiệm. Vì thế, lời khai của người chứng kiến ban đầu, người tham gia chữa cháy ban đầu rất quan trọng. Ý thức được vấn đề này, Cảnh sát PCCC thành phố đã đổi mới phương pháp tiếp cận, xử lý thông tin ban đầu vụ cháy, nổ. Đó là ngay từ khi nhận được tin báo cháy, cùng với lực lượng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, thì lực lượng điều tra – xử lý cũng có mặt ngay tại hiện trường, phát hiện và lấy lời khai của những người biết thông tin về vụ cháy, nổ; nhất là những người phát hiện, chữa cháy ban đầu. Đây là thời điểm công tác lấy lời khai chính xác nhất, khách quan nhất, động cơ khai báo trung thực nhất. Quá trình lấy lời khai phải “bóc, tách” từng đối tượng, từng con người để khai thác; không để tình trạng thỏa thuận, thông đồng trong khai báo.

Cùng với việc lấy lời khai, công tác khám nghiệm hiện trường cũng được đổi mới. Khi tới hiện trường, lực lượng khám nghiệm không vội vàng khám nghiệm ngay mà phải dựa trên các thông tin thu thập ban đầu, mô phỏng (dựng lại) hiện trường trước khi cháy, nổ. Từ đó, phải đưa ra các giả thuyết về nguyên nhân cháy, nổ để áp dụng phương pháp, chiến thuật khám nghiệm và phân công lực lượng phù hợp. Công tác khám nghiệm hiện trường thực hiện khách quan, tỉ mỉ, toàn diện, khoa học; đảm bảo thu thập được các dấu vết, tài liệu để đánh giá các giả thuyết, phục vụ tốt công tác điều tra, tạo điều kiện cho các biện pháp điều tra tiếp theo có trọng tâm, trọng điểm. Khám nghiệm hiện trường, điều tra – xử lý tuy 1 nhưng là 2, tuy 2 nhưng là 1. Mỗi bộ phận đều chuyên sâu trong công tác của mình. Dựa trên mối quan hệ phân công phối hợp đã kết hợp nhịp nhàng, hỗ trợ, bổ sung cho nhau để kết luận nguyên nhân cháy, nổ thực sự khách quan, khoa học, toàn diện và đạt kết quả cao nhất.

Liên tục đổi mới

Đối với những vụ cháy, nổ nghiêm trọng, phức tạp, trước khi kết thúc điều tra, đưa ra kết luận, Cảnh sát PCCC TPHCM đều tổ chức họp liên ngành, liên cơ quan để báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường, điều tra để tất cả các cơ quan, thành viên tham gia cùng đánh giá, thảo luận, cung cấp thêm thông tin tài liệu và đi đến thống nhất cuối cùng về nguyên nhân vụ cháy. Việc tham gia đóng góp của nhiều lực lượng chức năng như Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát, Viện Khoa học kỹ thuật hình sự… có ý nghĩa quan trọng giúp Cảnh sát PCCC TPHCM khắc phục những sơ hở, thiếu sót, hoàn chỉnh công tác điều tra một cách chặt chẽ và có sự thuyết phục cao.

Đặc biệt, ngày 16-7-2015, Cảnh sát PCCC TPHCM đã tổ chức báo cáo kết quả điều tra bằng phần mềm trình chiếu Powerpoint kết hợp đồ họa 3D đối với vụ cháy tại Công ty TNHH Shamho (tỉnh lộ 8, xã Trung An, huyện Củ Chi, TPHCM). Bằng hình ảnh cụ thể, rõ ràng, kết hợp với hình ảnh không gian 3 chiều, các chi tiết về hiện trường trước và sau khi cháy được tái hiện lại một cách khách quan, đầy đủ. Đặc biệt quy luật phát sinh, phát triển, hướng lan truyền và tác động nhiệt của ngọn lửa cũng được tái tạo hết sức sống động. Với đồ họa không gian cùng lập luận khoa học, chặt chẽ, quá trình chứng minh diễn biến và nguyên nhân vụ cháy đã thuyết phục được mọi người, kể cả những điều tra viên khó tính nhất. Từ đây, việc báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường, điều tra cháy, nổ được diễn ra thường xuyên và ngày một chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả và chất lượng cho công tác điều tra, kết luận nguyên nhân vụ cháy, nổ.

Và để công tác điều tra cháy, nổ ngày một đi vào chuyên nghiệp, nhịp nhàng, đồng bộ; để những tri thức, kinh nghiệm trong quá trình công tác được đúc kết lại thành tài liệu, thành cẩm nang, Cảnh sát PCCC TPHCM đã xây dựng và ban hành các quy trình, quy chế công tác. Với những cách làm đổi mới như trên, Cảnh sát PCCC TPHCM đã có những bước phát triển vượt bậc trong điều tra cháy, nổ; đủ khả năng điều tra và kết luận nguyên nhân các vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn thành phố, kể cả những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng về tài sản thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Công tác điều tra – xử lý về cháy, nổ của lực lượng Cảnh sát PCCC, xét cho cùng không phải dừng lại ở việc tìm ra lỗi, trách nhiệm để xử lý ai đó, mà mục đích cốt lõi là để chỉ ra những tồn tại, sơ hở, thiếu sót đã để xảy ra cháy, nổ. Từ đó, đưa ra các bài học kinh nghiệm cùng giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả PCCC và tổ chức tuyên truyền đến đông đảo quần chúng nhân dân, cơ quan, tổ chức trên khắp địa bàn thành phố. 
Với những hoạt động thiết thực này, người dân và doanh nghiệp sẽ có cái nhìn cụ thể và hiểu rõ hơn về nguy cơ cháy, nổ. Qua đó, có ý thức hơn trong việc phòng ngừa và có những hành động thiết thực trong công tác PCCC.

Đại tá VŨ VĂN BỔN/SGGP

(Trưởng phòng Pháp chế, điều tra – xử lý về cháy, nổ)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)