Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Batad – Nơi bình yên chim hót

Tạp Chí Giáo Dục

Khi lên chương trình cho chuyến du lịch bụi đến Philippines, tôi đã phải cố gắng mãi mới “nhét” được Banaue – Batad vào hành trình vỏn vẹn có bảy ngày để khám phá đảo quốc rộng lớn này. Nằm cách thủ đô Manila 360km, phương tiện di chuyển duy nhất để đến được di sản thế giới này là các chuyến xe bus khởi hành lúc 10 g đêm mỗi ngày.

Chúng tôi quyết định chọn hãng xe Victoria Liner – hãng tốt nhất trong số năm hãng xe chạy tuyến Manila – Banaue theo lời giới thiệu trên các diễn đàn du lịch quốc tế. Chất lượng xe đúng là rất tốt, nhưng có một vấn đề chúng tôi không thể ngờ tới là nhiệt độ trên xe được điều chỉnh rất thấp và bác tài xế bật nhạc ầm ĩ cả đêm, khiến cho hành khách hầu như không thể ngủ được.

Sau khi đã tìm đủ mọi loại quần áo để đắp lên người và bịt lỗ tai, chúng tôi vẫn thua và phải trải qua một đêm gần như thức trắng.

Đường đến với di sản thế giới

Ruộng bậc thang nhìn từ trên xuống

Tới Banaue lúc 5g sáng, chúng tôi liên lạc với người hướng dẫn đã được giới thiệu trước và thuê một chiếc xe, bắt đầu hành trình khám phá những ruộng bậc thang nổi tiếng của Banaue. Tuy nhiên, thị trấn nhỏ hiện ra trước mắt chúng tôi thật nhếch nhác với những shop hàng lưu niệm và các cụ già dân tộc ngồi làm mẫu chờ chụp ảnh. Trong khung cảnh đó, những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ cao tới trời xanh dường như cũng mất đi vẻ đẹp mà tôi từng tưởng tượng trước khi tới đây.

Thất vọng rời Banaue, chúng tôi tiếp tục hành trình trên một cung đường rừng lầy lội bùn và xóc khủng khiếp để đến điểm bắt đầu hành trình trekking Batad. Nhưng chưa kịp xuống xe thì trời đột ngột đổ mưa xối xả. Chúng tôi ngồi trên xe ngao ngán nhìn màn mưa trắng xóa, không biết sẽ làm gì trong hai ngày ở chốn “khỉ ho cò gáy” này và tự hỏi liệu có sai lầm không khi xếp Batad vào hành trình của chuyến lần này.

Nhưng thật may, cơn mưa rừng thoắt đến thoắt đi, chẳng mấy chốc trời đã quang và chúng tôi bắt đầu đi xuống núi. Rừng ở đây cũng giống như những vùng khác của Philippines, còn rất hoang sơ và rậm rạp. Đôi khi, xen giữa các rừng cây, chúng tôi bắt gặp một dòng suối trong veo róc rách hoặc một thác nước nhỏ đổ xuống từ trên cao.

Dọc đường đi hầu như không thấy du khách nào, chỉ thỉnh thoảng có một quán nước đơn sơ bán vài món ăn vặt, gậy leo núi và áo mưa cho khách du lịch. Cảm giác được lang thang một mình một cõi giữa thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ thật tuyệt với những du khách vốn đã quen với nhịp sống ồn ào náo nhiệt của thành thị.

Sau hai tiếng đi bộ, thung lũng Batad hiện ra trong làn mưa bụi giăng giăng đẹp như một xứ sở bị bỏ quên. Được bao bọc bởi bốn bề núi non trùng điệp, ngôi làng Batad nằm trong lòng thung lũng là nơi cư trú của người Ifugao – một trong số ít các dân tộc thiểu số của Philippines vẫn còn giữ được bản sắc riêng trong suốt lịch sử bị đô hộ hàng trăm năm của đất nước này.

Những bậc thang đá chắc chắn giúp du khách dễ dàng khám phá ruộng bậc thang

Ở châu Á, bạn có thể nhìn thấy ruộng bậc thang ở rất nhiều nước, nhưng những thửa ruộng bậc thang ở Philippines được coi là “độc nhất vô nhị” vì chiều cao từ 1.500 tới 2.000m và độ dốc tối đa lên tới 700. Càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng những công trình khổng lồ này đã được tạo ra bởi tổ tiên của người Ifugao từ cách đây khoảng 2.000 năm bằng những công cụ hết sức thô sơ. Bởi vậy, cũng là dễ hiểu khi có người gọi đây là “kỳ quan thứ 8 của thế giới”.

Ruộng bậc thang ở Batad nổi tiếng với cấu trúc “nhà hát ngoài trời”

Hillside Inn có lẽ là nhà trọ được yêu thích nhất ở Batad vì từ ban công trên cao có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh ruộng bậc thang trải dài trên sườn núi như một nhà hát ngoài trời khổng lồ. Khi chúng tôi tới, nơi đây đã kín phòng và trên sàn gỗ xếp chật những đôi ủng dính đầy đất cát của “dân balô” từ khắp thế giới.

Danh hiệu di sản thế giới mà UNESCO trao tặng cách đây 13 năm đã khiến cho ngôi làng xa xôi hẻo lánh này được biết đến nhiều hơn trên bản đồ du lịch thế giới. Đường sá được mở rộng, do đó cũng có nhiều người trẻ từ bỏ nghề nông gia truyền vào thành phố sinh sống, để lại những thửa ruộng bậc thang không được chăm sóc đang bị hư hỏng dần.

Khung cảnh yên bình

Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp

Bất chấp làn sóng du lịch đang lan nhanh, cuộc sống của người dân Batad vẫn giữ được vẻ nguyên sơ hồn nhiên. Tôi thích cảm giác bình yên khi đi men theo những thửa ruộng vào buổi chiều muộn, nhìn Mặt trời xuống núi và khói bếp lan dài trên những mái nhà sàn. Trong sân nhà, những đứa trẻ Ifugao nhìn theo chúng tôi, nhoẻn miệng cười và hét “Hello” khi có ai quay lại mỉm cười với những đôi mắt đen nhánh đáng yêu đó.

Khi bước vào sân một ngôi nhà, những chàng trai Ifugao nhiệt tình mời chúng tôi nhai thử nganga – một loại lá cây và vôi, khi nhai ra nước đỏ giống như trầu cau của Việt Nam. Khi màn đêm buông xuống, những chú đom đóm bay lạc vào phòng, lạc luôn vào giấc mơ của tôi đêm đó, một giấc mơ đầy sao…

Làng Batad mờ ảo trong nắng sớm

Có lẽ khoảng thời gian đẹp nhất ở Batad là bình minh, khi nắng thủy tinh trong veo rải khắp thung lũng còn mờ sương. Trong không gian tinh khiết của buổi sớm mai, có tiếng vỗ cánh của bầy chim rừng rời tổ đi kiếm ăn và tiếng gáy chào buổi sáng của bầy gà dưới sàn nhà. Khung cảnh biến đổi theo những chuyển động chậm chạp của Mặt trời, những dãy núi và ruộng bậc thang phía xa sáng dần và hiện lên rõ nét như trong một đoạn phim quay chậm.

Sau khi ăn sáng, chúng tôi đi xuyên qua những thửa ruộng bậc thang để tới thác Tapiah. Đường đi tương đối dễ vì các vách ruộng ở đây được đắp bằng đá, không phải bằng đất giống như ở Banaue. Lối lên xuống giữa các tầng ruộng cũng là những hòn đá to được gắn chắc chắn vào vách ruộng.

Một ngôi nhà thợ săn ở Batad với rất nhiều đầu thú treo bên ngoài

Dọc đường đi, đôi khi chúng tôi nhìn thấy những ngôi nhà sàn treo đầy đầu thú xung quanh, dấu hiệu cho thấy chủ nhà là một thợ săn thiện nghệ. “Đó là trước kia thôi” – Marco, anh chàng hướng dẫn của chúng tôi cười – “Ngày trước, suối ở đây có cả cá sấu nữa, nhưng bây giờ thì việc săn bắn đã bị cấm rồi, mà thú cũng chẳng còn mấy nữa”.

Cầu vồng lấp lánh ở thác Tapiah

Khởi hành từ sáng sớm, nhưng khi chúng tôi tới được thác Tapiah thì Mặt trời đã lên khá cao và lưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Nằm giữa khu rừng nguyên sinh rậm rạp, thác Tapiah tung bọt trắng xóa dưới ánh nắng tạo nên chiếc cầu vồng lộng lẫy chào đón du khách. Nước suối lạnh buốt nhưng tôi không ngăn được cảm giác phấn khích khi lội ra đứng chênh vênh trên những hòn đá to giữa lòng suối, ngẩng lên nhìn những vách núi phủ rêu xanh mướt và thác nước ào ào đổ xuống từ trên cao, tạo nên những đợt sóng mạnh dồn dập.

Khi chúng tôi tắm xong và leo trở lại Batad thì đã giữa trưa, Mặt trời rực rỡ chiếu sáng cả thung lũng. Maya, chủ nhà trọ Hillside, tiễn chân chúng tôi bằng bữa cơm cuối cùng đặc biệt ngon miệng với món gà núi thịt rất ngọt và chắc. Vẫn còn lưu luyến với thung lũng ruộng bậc thang xoắn ốc đẹp như một bông hoa khổng lồ của Batad, chúng tôi đành phải từ biệt ngôi làng nhỏ yên bình này.

Các cụ già Ifugao

Hành trình trekking từ Batad qua Bagaan dường như kéo dài mãi với những bụi hoa cúc quỳ vàng rực, những con đường lau mọc rợp đầu, với chuồn chuồn và bươm bướm rập rờn quấn quýt như níu chân người. Đến cuối con đường đất đỏ, những đám mây đen hiện ra báo hiệu một cơn mưa lớn đang kéo đến, che mờ núi đồi phía sau. Chúng tôi chui vào xe ôtô vừa kịp lúc cơn mưa đổ ập xuống. Quay đầu nhìn lại để cố lưu giữ những hình ảnh cuối cùng của núi rừng, nhưng chỉ còn thấy một màn mưa trắng xóa…

Theo TẠ HẠNH LIÊN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)