Màn đối đầu giữa hai ứng viên tổng thống nhiều khả năng trở thành cuộc tranh luận mang tính quyết định nhất trong lịch sử Mỹ
Đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm và một cựu tổng thống đối đầu trực tiếp trong cuộc tranh luận diễn ra sớm hơn nhiều so với thông thường, thậm chí trước cả đại hội của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Màn đối đầu này nhiều khả năng trở thành cuộc tranh luận mang tính quyết định nhất trong lịch sử Mỹ. Đài CNN cho biết sẽ không có khán giả tham dự nhằm bảo đảm các ứng cử viên có thể tối đa hóa thời gian được phân bổ cho cuộc tranh luận.
Sự kiện này là cơ hội tốt nhất để ông Biden thuyết phục cử tri rằng ông đã mang lại sự ổn định về chính trị và kinh tế cho nước Mỹ – như lời cam kết ông đưa ra trong cuộc bầu cử năm 2020.
Ông Aaron Kall, Giám đốc phụ trách tranh luận tại Trường ĐH Michigan (Mỹ), nhận định: "Cuộc bầu cử càng đến gần thì khả năng gây ảnh hưởng của cuộc tranh luận càng lớn".
Theo ông Kall, màn đối đầu là sự tính toán về chính trị tiềm ẩn rủi ro cao nhưng cũng có thể là "chìa khóa" để bứt phá trong một cuộc đua giằng co, nhất là khi các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Trump và ông Biden rất sít sao.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters
Giới chuyên gia cho rằng hầu hết cử tri đều đã chọn lựa bỏ phiếu cho ai vào tháng 11 tới, do đó hiện chưa rõ kết quả cuộc tranh luận sẽ tác động đến tỉ lệ ủng hộ các ứng viên thế nào.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) từ năm 2016 cho thấy 63% cử tri xác nhận các cuộc tranh luận tổng thống rất hữu ích hoặc phần nào giúp họ ra quyết định nên bỏ phiếu cho ứng viên nào.
Điều đó đồng nghĩa với việc ông Biden và ông Trump sẽ cố gắng tận dụng sự kiện này để thu hút một nhóm nhỏ "cử tri dễ dao động", theo GS Alan Schroeder tại Trường ĐH Northeastern.
Các cuộc tranh luận đầu tiên trong năm bầu cử thường được tổ chức vào khoảng tháng 9 và tháng 10, tức sau khi hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tổ chức đại hội để chính thức xướng tên ứng viên tổng thống của mỗi bên. Tuy nhiên, năm nay cả Tổng thống Biden và ông Trump đều kêu gọi tổ chức sớm để có thêm thời gian thu hút cử tri.
Nhiều cuộc thăm dò cho thấy kinh tế vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người dân Mỹ. Nhập cư, quyền phá thai, chính sách đối ngoại – như xung đột Gaza, Ukraine – cũng là chủ đề được chú ý bên cạnh việc ông Trump bị kết án trọng tội và bản án liên quan con trai Tổng thống Biden.
Ngoài các vấn đề chính sách, bà Elaine Kamarck, thành viên cấp cao trong lĩnh vực nghiên cứu quản trị tại Viện Brookings (Mỹ), cho rằng rất nhiều người Mỹ quan tâm đến sức khỏe của hai ứng viên. Bà Kamarck lưu ý cả ông Biden và ông Trump – lần lượt 81 tuổi và 78 tuổi – đều sẽ đối mặt với các câu hỏi về tuổi tác và khả năng lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới.
Hai ứng viên tổng thống cũng đã nhất trí so tài trong cuộc tranh luận thứ hai vào ngày 10-9, do đài ABC News tổ chức.
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)