Hội nhậpThế giới 24h

Bầu cử ở Anh: Đảng cầm quyền gặp khó

Tạp Chí Giáo Dục

Đảng Lao động đối lập được dự báo sẽ thắng cử vang dội, qua đó chấm dứt 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ

Cử tri Anh ngày 4-7 tham gia cuộc tổng tuyển cử với những dự báo về kết quả kém lạc quan dành cho Đảng Bảo thủ cầm quyền. Theo đài Al Jazeera, giới phân tích chính trị và kết quả một số cuộc thăm dò trước thềm bầu cử đều cho thấy Đảng Lao động đối lập sẽ trở lại nắm quyền.

Đáng chú ý, theo thăm dò được Công ty Survation công bố hôm 2-7, Đảng Lao động của nhà lãnh đạo Keir Starmer có thể giành 484/650 ghế quốc hội, cao hơn con số kỷ lục 418 ghế của đảng này trong cuộc bầu cử năm 1997. Trong khi đó, Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Rishi Sunak được dự báo chỉ giành được 64 ghế – con số thấp nhất kể từ khi đảng này được thành lập năm 1834.

Nếu một đảng giành được đa số ghế quốc hội thì lãnh đạo của đảng đó sẽ trở thành thủ tướng. Trong khi đó, lãnh đạo của đảng có số lượng nghị sĩ cao thứ 2 thường sẽ trở thành lãnh đạo phe đối lập. 

Việc không có đảng nào đạt được đa số sẽ dẫn đến tình trạng quốc hội "treo". Nếu kịch bản này xảy ra, đảng lớn nhất có thể chọn liên minh với các đảng khác để thành lập chính phủ liên hiệp.

Trong ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử hôm 3-7, cả hai Đảng Lao động và Bảo thủ đều cảnh báo cử tri về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu đối phương thắng cử. Tuyên bố của ông Pat McFadden, điều phối viên chiến dịch của Đảng Lao động, nhắc nhở cử tri về "sự hỗn loạn kinh tế mà người dân vẫn đang phải trả giá".

Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và ông Keir Starmer tại cuộc tranh luận ở TP Nottingham hôm 26-6 Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và ông Keir Starmer tại cuộc tranh luận ở TP Nottingham hôm 26-6. Ảnh: Reuters

Chiến dịch tranh cử của đảng này được xây dựng xung quanh lời hứa về sự thay đổi, khai thác sự bất bình của người dân đối với tình trạng dịch vụ công quá tải và tiêu chuẩn sống giảm sút.

Trong khi đó, ông Sunak tìm cách thuyết phục cử tri rằng 20 tháng nắm quyền của ông đã đưa nền kinh tế đi lên sau những cú sốc từ bên ngoài như đại dịch COVID-19, xung đột ở Ukraine… Thủ tướng Anh đương nhiệm cũng lập luận rằng ông Starmer sẽ phải tăng thuế để thực hiện chương trình thay đổi của mình.

Chi phí sống tăng là một trong những nỗi lo hàng đầu của cử tri khi bước vào cuộc bầu cử. Lạm phát cuối cùng đã trở lại mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương sau khi tăng lên hơn 10% trong năm 2022 và 2023, người dân vẫn đang phải trả nhiều tiền hơn cho các nhu yếu phẩm, bao gồm cả thực phẩm, so với vài năm trước.

Ngoài ra, theo một số cuộc thăm dò, cử tri còn quan tâm đến những vấn đề khác như y tế, nhập cư, nhà ở, môi trường, tội phạm…

Ông Jonathan Tonge, chuyên gia tại ĐH Liverpool (Anh), nhận định với đài Al Jazeera rằng Đảng Bảo thủ đã gặp khó với các vấn đề về niềm tin và năng lực kể từ khi thắng cử năm 2019. 

Ông Boris Johnson phải từ chức thủ tướng năm 2022 do liên quan đến một vụ bê bối trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Người kế nhiệm ông Johnson là bà Liz Truss cũng phải ra đi sau 6 tuần nắm quyền giữa lúc đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị và kinh tế.

Trong khi đó, theo ông Tonge, vấn đề năng lực xuất phát từ việc Đảng Bảo thủ không mang đến những cải thiện thực sự cho người dân trong suốt 14 năm cầm quyền. Đảng này nhìn chung vẫn đạt được một số kết quả, như lạm phát giảm và tỉ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, họ lại không thực hiện được cam kết về một loạt chính sách chủ chốt, trong đó có kiềm chế nhập cư. 

Dựa vào những dự đoán hiện tại, ông Tonge cho rằng việc đảng này giành được hơn 100 ghế trong cuộc bầu cử sắp tới là kết quả tốt dù vẫn còn kém xa con số 365 ghế trong cuộc bỏ phiếu năm 2019. 

Pháp đối mặt kịch bản quốc hội "treo"

Hơn 200 ứng viên của các đảng trung dung và cánh tả đã rút khỏi vòng 2 cuộc bầu cử quốc hội Pháp, dự kiến diễn ra vào ngày 7-7, để tránh chia rẽ phiếu bầu. Họ đã gạt bỏ bất đồng sang một bên vì mục tiêu duy nhất là ngăn phe cực hữu giành đủ 289 ghế cần thiết để nắm thế đa số tuyệt đối ở quốc hội.

Trước đó, Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen đã dẫn trước tại vòng đầu tiên của cuộc bầu cử hôm 30-6. Là đảng chống nhập cư với các chính sách bị chỉ trích là bài Hồi giáo, RN hy vọng giành đủ số ghế trong vòng bỏ phiếu thứ 2 để lập chính phủ. Bà Le Pen hôm 2-7 tuyên bố đảng này vẫn sẽ tìm cách lập chính phủ ngay cả khi không đạt được mốc 289/577 ghế tại quốc hội.

Theo đài Al Jazeera, việc rút lui có chủ đích diễn ra tại các cuộc đua 3 bên, nơi ứng viên RN dẫn đầu. Theo sau động thái này, nhiều cuộc cạnh tranh 3 bên sẽ trở thành cuộc đua song mã giữa ứng viên RN và ứng viên còn lại của phe trung dung hoặc cánh tả. Một số nhà phân tích cho rằng chiến thuật này có thể ngăn một số ứng viên RN giành chiến thắng.

Ngay cả khi không có bước đi nói trên, một số cuộc thăm dò cũng cho thấy RN khó đạt đa số tuyệt đối mà chỉ giành được 230-280 ghế. Một số nhà phân tích nhận định kết quả cuộc bầu cử có thể dẫn đến tình trạng quốc hội "treo", gây tê liệt hệ thống chính trị đất nước trong nhiều tháng.

Xuân Mai

Theo Hoàng Phương/NLĐO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)