Không ai nhớ rõ chiếc áo được vua Hàm Nghi ban cho đồng bào Pa Cô ở A Xợp (nay thuộc xã Lìa, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) từ bao giờ. Chỉ biết, từ đời này nối đời khác, những người uy tín nhất trong dòng họ có nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ và kể câu chuyện về tinh thần kiên cường chống giặc, giữ đất biên cương của thế hệ cha anh đi trước…
Chiếc áo vua Hàm Nghi ban tặng cho đồng bào Pa Cô ở A Xợp được giữ gìn
Niềm tự hào dưới chân đỉnh Ărchong
Tôi tìm về chân đỉnh Ărchong ở xã Lìa để lần dò về chiếc áo vua Hàm Nghi ban cho đồng bào Pa Cô. Đón tôi ngay con đường dốc dẫn vào bản Máy là anh Hồ Văn Thủy – người thay mặt đồng bào Pa Cô ở xã Lìa (xưa gọi là xã A Xợp) giữ gìn “báu vật”. Ngôi nhà sàn của ông Hồ Văn Pưn – cha của anh Thủy nằm ở trung tâm bản Máy, ở góc gian giữa trang trọng nhất có treo một chiếc gùi tre lớn, có nắp đậy. Anh Thủy cẩn trọng đốt nén nhang lên bàn thờ gia tiên xin phép mang gùi xuống. Anh nhẹ nhàng mở nắp gùi, qua mấy lớp vải bọc, chiếc áo màu vàng dần lộ ra. Tháng năm làm chiếc áo sờn cũ, bạc màu nhưng hoa văn họa tiết vẫn rất sắc sảo. “Ngày bố mất 3 năm trước, ông dặn dò con cháu giữ gìn cẩn thận chiếc áo này. Ông nói đó là quà tặng vua ban cho đồng bào ở A Xợp dưới chân đỉnh Ărchong, cần phải giữ gìn và kể lại cho cháu con biết về truyền thống yêu nước của đồng bào”, anh Thủy nói.
Thầy Nguyễn Mai Trọng tìm hiểu về chiếc áo vua ban để tổ chức điểm đến tham quan cho học sinh miền núi
Không ai nhớ cụ thể tháng năm vua ban chiếc áo cho đồng bào ở A Xợp từ bao giờ. Chỉ biết từ đời này nối qua đời khác, người uy tín nhất dòng họ chịu trách nhiệm gìn giữ. Mỗi năm, đến dịp lễ, Tết hay lúa mới, chiếc áo sẽ được đem ra bày lên mâm cúng một cách trang trọng nhất. Anh Thủy kể, ông Pưn – cha anh khi lên 13 tuổi đã làm giao liên cho bộ đội. Thời điểm đó ông Pưn cũng được cha giao lại chiếc áo. Những năm tháng chiến tranh, chiếc áo được bà con dân bản chung tay giữ gìn. Thời buổi bom rơi đạn lạc, ông Pưn nhiều lần gửi áo lại cho mẹ để đi làm nhiệm vụ. Áo được cất trong các hang đá để tránh bị bom đạn xé nát. “Cha tôi nói, khi ông nội trao lại chiếc áo này cho cha, ông nội dặn phải giữ gìn cẩn thận vì đây là báu vật vua ban cùng lời dặn phải góp sức chống giặc, giữ nước, bảo vệ biên cương”, anh Thủy lần tay theo từng đường chỉ trên tà áo nói bằng giọng trầm ấm. Tôi đi khắp bản làng A Xợp (sau này đổi thành xã A Xing rồi năm trước A Xing nhập với A Túc thành tên gọi xã Lìa), tìm đến các cụ cao niên để hỏi thêm về ngọn ngành chiếc áo. Những câu chuyện chắp nối mờ tỏ được kể lại. Người già ít thạo tiếng Kinh nên thi thoảng phải dừng một quãng dài giữa chủ và khách để tìm từ ngữ diễn tả cho phù hợp. Ngược dòng lịch sử Đảng bộ xã mới thấy rõ hơn tinh thần yêu nước của đồng bào nơi đây. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương, bản làng đã hun đúc cho các thế hệ miền biên này những truyền thống đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, trung thực, thật thà, thẳng thắn, đoàn kết, trọng tình trọng nghĩa, vị tha, giàu lòng yêu nước.
Điểm đến ngoại khóa cho học sinh
Dọc dài câu chuyện về chiếc áo vua ban như một chỉ dấu tìm về truyền thống yêu nước của đồng bào Pa Cô ở A Xợp, tôi gặp thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng Trường TH-THCS xã A Xing – người thầy giáo tâm huyết với học trò nhiều năm trên dãy Trường Sơn cũng đang tìm về nhà anh Thủy để tìm hiểu về lịch sử chiếc áo và phong tục văn hóa của đồng bào. Mấy chục năm công tác ở miền ngược, thầy Trọng mang nhiều ước vọng, đau đáu với những truyền thống văn hóa trước nguy cơ mai một rồi lặng lẽ nhóm lên những đốm than hồng giữa núi rừng biên cương.
Rời bản Máy lúc hoàng hôn. Sương miền biên viễn sà xuống thấm lạnh qua vai áo. Cái bắt tay của thầy Trọng và anh Thủy thật chặt. “Câu chuyện về báu vật vua ban và lòng kiên trung của đồng bào miền biên này từ bây giờ sẽ không còn nằm gọn trong chiếc gùi tre, sẽ được các thế hệ trẻ tiếp nối giữ gìn, kể lại”, thầy Trọng – người thầy giáo nặng lòng với miền ngược nói. Ngôi nhà của ông Pưn ở bản Máy sẽ trở thành điểm đến để học sinh tìm hiểu về truyền thống yêu nước của thế hệ đi trước |
Bên chén trà nóng ngày xuân, câu chuyện giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống được thầy Trọng cùng bà con bàn bạc. Anh Hồ Văn Thủy nói, chiếc áo là tặng vật quý giá cần gìn giữ nhưng không vì thế mà gói gọn, bọc kỹ. Người Pa Cô ở bản Máy sẵn sàng kể câu chuyện về chiếc áo và truyền thống đánh giặc giữ nước cho các thế hệ cháu con.
Hôm gặp tôi, thầy Trọng cho biết cũng vừa có tờ trình gửi UBND xã A Xing (nay là xã Lìa) về việc chọn nhà ông Pưn – nơi cất giữ chiếc áo vua Hàm Nghi ban tặng để cho học trò tham quan ngoại khóa. “Trước mắt chúng tôi sẽ chọn các em học sinh tốt nghiệp cuối cấp lớp 5 và lớp 9 sẽ được tham quan trải nghiệm trước. Ở đây không chỉ là câu chuyện kể về một chiếc áo thời vua quan mà còn là bài học lịch sử về lòng anh dũng, ý chí kiên cường bảo vệ quê hương, bảo vệ vùng biên của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều dọc dãy Trường Sơn nói chung và đồng bào dưới chân đỉnh Ărchong nói riêng. Thông qua những bài học lịch sử này, các em sẽ là thế hệ đi sau tiếp nối để xây dựng, phát triển và bảo vệ miền biên cương tổ quốc vững chãi”, thầy Trọng nói.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)