Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bảy cách động viên trẻ rời khỏi vùng an toàn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khi con thất bại, thay vì buồn bã, bạn hãy chia sẻ tự hào về chặng đường cố gắng của con, từ đó trẻ có động lực thử những điều mới mẻ.

Vùng an toàn là cách diễn đạt trạng thái tâm lý, trong đó con người cảm thấy quen thuộc, ít phải lo lắng với mọi thứ xung quanh. Rời khỏi vùng an toàn tức là trải nghiệm những thử thách mới chưa từng xảy ra, làm nảy sinh cảm giác tiêu cực như tự ti và sợ hãi. Dưới đây là bảy cách giúp trẻ nuôi dưỡng sự tự tin trước nhiệm vụ mới.

1. Ủng hộ quá trình thực hiện và nỗ lực của trẻ

Trẻ có thể sợ thử những điều mới vì một số lý do bao gồm môi trường giáo dục, kinh nghiệm trong quá khứ và tính cách. Cora Collette Breuner, phó giáo sư khoa Nhi (Bệnh viện Nhi đồng và Đại học Washington, Mỹ), cho biết nỗi sợ này cũng phổ biến ở những đứa trẻ chỉ nhận được lời khen của cha mẹ khi thành công. Bởi lẽ, thử một điều mới đồng nghĩa với khả năng cao nhận thất bại và không được cha mẹ khen ngợi, từ đó trẻ sẽ nảy sinh cảm giác bài xích với việc bước ra khỏi vùng an toàn. Ngoài ra, sự tự ti cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sợ hãi trải nghiệm điều mới lạ.

Do những nguyên nhân trên, việc cha mẹ khen ngợi và ủng hộ từ những bước đi nhỏ nhất sẽ giúp trẻ có động lực bước ra khỏi vùng an toàn. Đừng đợi trẻ thử bước ra rồi mới khen ngợi, cha mẹ hãy động viên trẻ ngay từ bây giờ, từ những hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày.

Ngoài ra, khi trẻ thử điều mới, cha mẹ không nên chú trọng vào kết quả. Hãy giúp con hiểu rằng thành công đôi khi không phụ thuộc vào kết quả mà là sẵn sàng cố gắng, nỗ lực hết mình để vượt qua bản thân.

2. Luyện nói "Tôi có thể"

Lần tới, khi con lo lắng về trải nghiệm mới, bạn hãy nhắc con nhớ lại những thành công con đã đạt được. Việc gợi nhớ đến quá khứ tốt đẹp có thể giúp con lấy lại tinh thần và nhận ra rằng mình có thể làm được.

Hãy để con nói câu "Tôi có thể" bằng miệng vì việc phát ra lời nói, âm thanh sẽ có tác động lớn hơn việc giữ nó trong trí óc. Ví dụ, khi con bạn có thể rửa bát, hãy hỏi con rằng: "Con có thể rửa bát giúp mẹ không?" để trẻ nói "Con có thể". Sau khi luyện tập nhiều lần, trẻ sẽ nhận thấy khả năng của mình.

3. Thiết kế sổ phiêu lưu

Khi rảnh rỗi, bạn hãy cùng con lập sổ phiêu lưu, nơi ghi lại chi tiết về những trải nghiệm mới của con. Trong cuốn sổ, bạn hãy bảo con ghi lại những lần dũng cảm và cố gắng thực hiện nhiệm vụ, cập nhật thường xuyên hoặc đặt ra những nhiệm vụ mới cần hoàn thành. Cha mẹ cũng có thể viết những lời động viên, suy nghĩ về những thành công đó của con.

Lần tới khi con bạn sợ rời khỏi vùng an toàn, hãy đưa cuốn sổ cho con đọc, từ đó con sẽ nhớ lại những niềm vui.

Ảnh: Thebmc

4. Chia sẻ thông qua cách đặt câu hỏi

Khi bạn nói chuyện về việc thử những điều mới, hãy biến nó thành một cuộc thảo luận chứ không phải là bài giảng. Lắng nghe những đứa trẻ của bạn và giúp nói chuyện, đối mặt với những nỗi sợ hãi này.

Paul Smith, tác giả của cuốn sách Parenting with a Story, liệt kê danh sách câu hỏi cha mẹ có thể sử dụng để thảo luận về nỗi sợ hãi trước những thách thức mới với con bạn. Những câu hỏi này sẽ giúp trẻ dễ dàng chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ về thử thách trước mắt, từ đó cha mẹ có thể hiểu, trò chuyện cùng con để giúp con vượt qua nỗi sợ. Những câu hỏi này bao gồm:

– Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con?

– Con nghĩ mất bao lâu để mọi người giỏi điều mới như học nhạc cụ hay chơi thể thao?

– Con nghĩ rằng mọi người đều tự nhiên giỏi mà không cần luyện tập hay thực hành không?

– Hãy kể với cha/mẹ một điều con từng rất sợ hãi nhưng giờ đã vượt qua?

Ngoài ra, hãy cùng con phác họa những hậu quả tiêu cực nhất có thể xảy ra khi con thử những thách thức mới. Ví dụ "Theo con, đâu là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra?" hay "Bằng chứng nào cho thấy điều này có thể xảy ra?".

5. Nghỉ ngơi

Cha mẹ nên vạch rõ ranh giới trước việc động viên và thúc ép con vào thử thách mới. Bạn không nên khiến con cảm thấy áp lực và biến việc thử điều mới trở thành gánh nặng với trẻ.

Cha mẹ nên cân nhắc điểm mạnh, yếu của con, từ đó nhận ra giới hạn của trẻ và đừng cố gắng bắt con vượt qua giới hạn đó liên tục. Cha mẹ vẫn có thể giúp con vượt qua giới hạn bằng cách cho con quãng nghỉ ngắn trong hành trình để "hồi sức".

Những quãng nghỉ có nhiệm vụ vô cùng quan trọng trên chặng đường nỗ lực. Nó giúp trẻ lấy lại bình tĩnh, thoải mái, giải tỏa căng thẳng và nhìn nhận mọi quyết định rõ ràng hơn.

Ví dụ, khi con bạn phải ngồi học trong thời gian dài, hãy nhắc nhở trẻ nghỉ ngơi những quãng ngắn. Một số hoạt động con có thể thử làm là thực hiện vài thao tác thể dục cơ bản, chơi một vài ván cờ bàn. Với những hoạt động liên tục và kéo dài, con có thể dành thời gian nghỉ ngơi hoặc tham gia kỳ nghỉ ngắn.

6. Diễn tập tình huống

Nếu con lo lắng về tình huống xã hội mới, bạn có thể cùng con diễn tập trước để chuẩn bị, xây dựng tinh thần tự tin. Ví dụ, nếu trẻ gặp giáo viên chủ nhiệm mới vào ngày mai, tối nay mẹ có thể đóng vai cô chủ nhiệm và cùng trẻ trò chuyện.

Những buổi tập luyện giả định sẽ giúp con bạn làm quen với các tình huống mới, khiến chúng cảm thấy bớt lạ lẫm và đáng sợ. Bạn có thể thực hành xử lý các tình huống xấu. Khi con bắt đầu cảm thấy tự tin và làm chủ tình huống, những lo lắng sẽ tan biến.

7. Sử dụng phương pháp "thang dũng cảm"

"Thang dũng cảm" là hoạt động giúp trẻ rèn luyện sự tự tin được sáng tạo bởi tiến sĩ Donna Pincus (Mỹ). Để tạo ra "thang dũng cảm", cha mẹ hãy xác định từng bước nhỏ giúp trẻ đạt được kỹ năng mới hoặc vượt qua nỗi sợ hãi.

Ví dụ, nếu trẻ có buổi trình diễn piano trước đám đông, đầu tiên trẻ nên biểu diễn trước mặt cha mẹ, sau đó nâng cấp dần số lượng người xem, từ bạn bè của trẻ, phụ huynh của bạn bè đến những người hàng xóm. Việc luyện tập nhiều lần sẽ giúp trẻ nhuần nhuyễn các kỹ năng, hơn nữa, mỗi lần tập luyện sẽ nâng cao độ khó, xây dựng sự tự tin.

Tú Anh/Vnexpress (Theo Big Life Journal)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)