Sau kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009, nhiều học sinh nhận được giấy báo nhập học, giấy triệu tập học của các trường khác nhau, trong khi điểm thi của họ chỉ đạt 6 – 7 điểm cho ba môn.
Những giấy mời nhập học vét những học sinh có ba môn thi 7 điểm – Ảnh: M.Đ
|
Theo em Nguyễn Thị Thúy, quê ở Minh Quang (Ba Vì – Hà Nội), kỳ tuyển sinh ĐH – CĐ 2009, em chỉ đăng ký thi tại một trường đại học tại Hà Nội, tổng số điểm ba môn thi là bảy điểm nên không đủ để vào học tại trường này.
Tuy nhiên, đến nay, có gần hai chục giấy triệu tập, giấy báo nhập học của nhiều trường khác nhau tới tấp gửi về gia đình. Có trường đào tạo hệ đại học, có trường đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, thậm chí có trường tận TP Hồ Chí Minh cũng biết địa chỉ nhà Thúy để gửi giấy báo nhập học, thư mời.
Thúy cho biết, trong số gần 20 lá thư gửi về, có trên 10 trường đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, một số trường là dạy nghề. Thậm chí, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghệ cũng gửi thư mời cho Thúy.
Nhiều thí sinh khác đồng cảnh ngộ với Thúy, số điểm thi ba môn dưới trung bình vẫn được mời học. Em Nguyễn Thị Huyền, cũng ở Minh Quang (Ba Vì) cho biết: “Hôm đầu tiên nhận được giấy mời nhập học của một trường ở Hà Nội, em vui lắm. Nhưng cho đến giờ em cũng chưa biết sẽ học trường nào bởi em có tới trên 10 giấy triệu tập nhập học. Điều em lo lắng nhất hiện nay là chất lượng đào tạo tại các trường này liệu có đảm bảo”.
Kinh doanh học trò
Trong vai nhân viên kinh doanh, PV đã tiếp cận ông Vũ Thế Ngọc – Phó hiệu trưởng Trường THDL Đông Nam Á (Hà Nội). Ông Ngọc đưa chúng tôi xem chiến lược “kinh doanh học trò”.
Suốt buổi trò chuyện, ông Ngọc không hề nói đến việc giáo dục học sinh ra sao mà chỉ tính toán sẽ tuyển được bao nhiêu học sinh và đặt ra các điều khoản để thu phí học sinh sao cho lợi nhuận đạt được ở mức cao nhất.
Thấy chúng tôi ngơ ngác, ông giải thích: “Việc đầu tiên là phải mua danh sách các thí sinh bị trượt từ một số trường, sau đó liên kết với một đội ngũ chân rết in và gửi giấy nhập học đến các thí sinh bị trượt.
Một số trường kích thích hoạt động tuyển sinh bằng cách cho các đối tượng chân rết tự đưa ra mức phí, mỗi hồ sơ xét tuyển, thí sinh phải nộp thấp nhất từ 100 đến 200.000 đồng. Cứ tuyển được một thí sinh, các đối tượng chân rết được hưởng một nửa phí tuyển sinh và 200.000 đồng kinh phí của trường đó.
Ngoài ra các trường hoạt động theo mô hình dân lập, muốn đạt chỉ tiêu tuyển sinh phải chi phí tới hai phần ba tiền học phí hai tháng đầu của thí sinh, phí đó dành cho những trường thừa chỉ tiêu khi nhượng lại học sinh.
Đó là lý do vì sao mà có trường ở tận đẩu tận đâu cũng biết địa chỉ của Thúy, Huyền và nhiều thí sinh khác để gửi giấy mời nhập học. Điều băn khoăn, lo lắng của Huyền là có cơ sở bởi, trên thực tế, mấy năm gần đây trên địa bàn cả nước, các cơ sở giáo dục, trường dạy nghề mọc lên như nấm.
Ngoài những trường uy tín, tên tuổi, còn có nhiều trường, nhiều trung tâm đào tạo theo kiểu liên thông, liên kết, thậm chí thiếu phòng học, thiếu giáo viên, hoặc cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu và lạc hậu nên dẫn tới việc đào tạo ồ ạt không đảm bảo chất lượng.
Minh Đức (Dan tri)
Bình luận (0)