Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bây giờ thầy đã hiểu em!

Tạp Chí Giáo Dục

Bước chân vào lớp, chào học sinh xong, tôi về bàn giáo viên đặt cặp xuống và định ngồi thì khựng lại vì trên mặt ghế có ghi dòng chữ: “Làm thầy mà không công bằng chỉ biết bênh con gái”. Tôi giận quá, đập bàn và quay xuống lớp quát: “Em nào đã ghi dòng chữ trên ghế của thầy hãy đứng lên”. Cả lớp im phăng phắc. Chợt lớp trưởng đứng lên nói: “Thưa thầy, buổi học này là tổ 4 trực lớp, thầy nên hỏi tổ trưởng thử xem”. Nhìn xuống tổ 4, tôi thấy sắc diện của em Th. không bình thường, đây là một học sinh tính tình cộc cằn, hay gây gổ với bạn bè. Tôi bỗng nhớ ra sự việc hai ngày trước đó, tôi đã hạ Th. một bậc hạnh kiểm trong tháng vì em gây gổ với các học sinh nữ của lớp, khi tôi bảo viết kiểm điểm em vẫn cho mình bị oan. Lúc này tôi trấn tĩnh lại và nói: “Tôi biết em nào ghi dòng chữ rồi, tôi sẽ giải quyết sự việc này vào cuối tuần trong giờ sinh hoạt lớp. Chuyện này dừng ở đây, chúng ta bắt đầu vào tiết học”.

Sau đó, tôi đi tìm hiểu và được biết nhà em Th. sống gần bãi rác. Hằng ngày em giúp mẹ tìm nhặt ve chai và phải tiếp xúc với ruồi nhiều nên một số bạn gái trong lớp lấy chuyện đó đặt tên cho em là “Th. ruồi” để vui đùa, làm đụng chạm đến lòng tự ái của em. Vì vậy em mới phản ứng với các bạn như vậy. Giờ sinh hoạt hôm ấy, tôi nói: “Sự cố hôm đó không phải do lớp ta mà do sự tinh nghịch của lớp học buổi sáng hôm ấy để lại”. Sau lời kết luận ấy, tôi nhận thấy nét bối rối trên khuôn mặt Th. Và khi tôi vừa dứt lời, Th. đứng lên và nói: “Thưa thầy, chính em ghi những dòng chữ đó vào ghế vì tức thầy đã bênh các bạn gái mà quy tội cho em”.

Nghe vậy cả lớp nhao nhao lên, và không thể dừng được, tôi kể lại những điều tôi biết được về Th. cùng những tình tiết dẫn đến việc bức xúc của em khi viết những dòng chữ trên. Cuối cùng, trước mặt học sinh, tôi cũng thừa nhận sự thiếu sâu sát của mình khi giải quyết vấn đề mâu thuẫn trong lớp và mong Th. sau này đừng phản ứng tiêu cực như thế đối với thầy cô. Còn về phía học sinh, không được hành xử thiếu tế nhị với bạn bè trong lớp như thế nữa. Th. xin lỗi tôi và nhìn tôi với đôi mắt hàm ơn. Sau tiết học ấy, mối quan hệ của Th. với bạn bè càng ngày càng thân thiện hơn. Còn tôi cảm thấy nhẹ lòng khi lớp không còn “học sinh cá biệt”.

Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng)

Bình luận (0)