Mùa thi ĐH, CĐ đang đến gần, những ngày gần đây, sĩ tử đổ về Hà Nội ngày một đông nên lực lượng ‘cò’ nhà trọ lại được dịp tung hoành ngang dọc.
Nhà nhà đi làm “cò”
Nhà nhà đi làm “cò”
Đám cò nhà trọ thời điểm này được chia làm hai loại rõ rệt là "cò" chuyên nghiệp và "cò" bán chuyên. Chuyên nghiệp là những người thâm niên trong "nghề", có “trụ sở” làm việc… đàng hoàng. Nếu không phải mùa thi, họ thường mở dịch vụ môi giới nhà đất để bòn rút tiền của những sinh viên nghèo thường xuyên chuyển nhà.
Loại bán chuyên thì làm theo mùa, coi việc cò nhà như nghề tay trái, hoạt động chủ yếu trong dịp thi cử, tuyển sinh như hiện nay. Công việc chính của họ thường là xe ôm hoặc bán hàng, bán nước. Nhiều người bỏ cả công việc hằngng ngày, tranh thủ dịp này để đi làm “cò”.
Ngồi bán trà đá bên cạnh tấm biển ghi nghuệch ngoặc dòng chữ “Thuê nhà trọ, hỏi tại đây” trên tấm bìa cát tông, bà Hạnh, bán hàng trà đá tại ngõ 175 Xuân Thủy, Cầu Giấy cho biết, bà đã bán trà tại khu vực này 3 năm nhưng năm nay mới “chính thức” làm thêm nghề “cò”. “Mọi năm tôi chằng quan tâm nhưng năm vừa rồi thấy bà hàng xóm chỉ đưa mấy đứa học sinh đi xem nhà, chẳng cần biết chúng nó có thuê hay không mà cũng kiếm được khá lắm nên năm nay tôi cũng thử xem sao”.
Một "cò bán chuyên" đang "hành nghề" tại bến xe Giáp Bát. Ảnh: Minh Tùng. |
Không chỉ "phủ sóng" ở các khu vực gần trường ĐH, “cò” còn ngập tràn các bến xe. Đứng quan sát tại khu vực sân bến xe Giáp Bát, cứ mỗi khách xuống xe có dáng vẻ của “thí sinh” là lập tức được đội ngũ xe ôm “chăm sóc”, bám riết nhiệt tình với câu cửa miệng: “Đi xe ôm bác chở đến chỗ có cho thuê trọ luôn cho, đỡ phải đi tìm nhà”.
Cạnh tranh với đội ngũ “cò” xe ôm còn có thêm những người phụ nữ “cố thủ” tại bến xe cả ngày để chèo kéo thí sinh đi xem nhà trọ. Chị Tâm, một “cò bán chuyên” tại khu vực bến xe Giáp Bát cho hay, ngày thường chị đi bán hoa quả rong bằng xe đạp nhưng cứ mỗi mùa tuyển sinh, chị lại nghỉ làm tạm thời để đi làm “cò”. “Chỉ cần biết được vài điạ chỉ cho thuê nhà trọ là có thể kiếm tiền rồi, chẳng cần bỏ vốn mà thu nhập gấp mấy lần tôi đi buôn hoa quả”, chị Tâm cho hay.
Giăng bẫy
“Cò” nhiều thành phần nhưng hầu hết những người làm “cò” đều có điểm chung là… ham hố tiền bạc nên sẵn sàng giăng bẫy thí sinh để kiếm tiền. Nếu không có người quen, thí sinh chân ướt chân ráo xuống Thủ đô rất dễ mất tiền trăm mà tăm hơi nhà trọ chẳng thấy đâu.
"Cò" thường "bẫy" sĩ tử bằng cách dẫn đến những khu trọ "nhà không ra nhà" để lấy tiền môi giới. Ảnh minh họa: Minh Tùng. |
Vào vai một sĩ tử đi tìm nhà trọ để ôn thi, PV đi loanh quanh khu vực cổng sau trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nhìn dáng vẻ lóng ngóng của tôi, một bà bán nước chè gần đó đon đả hỏi: “Tìm nhà trọ à, bác có mấy chỗ đấy, muốn đi xem không”. Biết hỏi đúng đối tượng, bà này bắt đầu quảng cáo: “Nếu cháu muốn thuê thì bác dẫn đi xem, bác đang có vài chỗ rất đẹp mà giá từ 900.000 đồng đến 1,8 triệu đồng. Chỗ 900.000 đồng nếu ở khoảng 2 người ở thì tuyệt vời”.
Tôi đồng ý đi xem căn phòng 900.000 đồng. Nhờ người trông hộ quán nước, bà chủ dẫn tôi đến một phòng trọ ngay gầm cầu thang khu tập thể phía sau ĐH Khoa học Tự nhiên. Căn phòng ẩm thấp bốc mùi nấm mốc chỉ vẻn vẹn khoảng 8 m2, vệ sinh chung với ba phòng khác. Trong lúc tôi xem phòng, bà này không quên ra giá: “Đây là phòng trọ của người quen của cô, nếu cháu thuê thì cho cô xin 200.000 đồng tiền môi giới, còn không cô chỉ lấy 50.000 đồng tiền dẫn đi xem phòng thôi”.
Sau khi nhất quyết “mặc cả”, tôi mất 35.000 đồng phí xem nhà. Bà hàng nước vừa rời đi thì một chị hàng xóm ngay gần đó cho biết: “Có cái phòng bé tý mà mấy ngày nay bà ta dẫn cả chục người tới xem, mỗi người đều phải “biếu” không 50.000 đồng”.
Tại các bến xe, đội ngũ xe ôm kiêm “cò” nhà đếm không xuể. Nếu ai nghe bùi tai, chấp nhận leo lên xe thì đương nhiên ngoài tiền xe ôm đều phải trả thêm khoản phí môi giới nhà trọ. Nhưng cũng không mấy người tìm được nhà trọ ưng ý theo cách này.
Bạn Nguyễn Lê Phương, sĩ tử từ Phú Thọ xuống ôn thi, đang trọ tại ngõ 134 Giải Phóng nhớ lại, hôm đầu tiên xuống Hà Nội, Phương vừa đặt chân xuống bến xe Giáp Bát thì có đến 3, 4 ông xe ôm quây lại mời chào đi xe, tìm nhà trọ giúp. Mới xuống, lại không có người quen, nhìn một bác có vẻ hiền lành, bác này lại nói có biết một chỗ cho thuê trọ ở ngay khu vực gần trường ĐH Bách Khoa, nơi Phương muốn ôn thi, Phương liền đồng ý đi.
“Sau đó, bác xe ôm chở em từ bến xe Giáp Bát đi qua chục con phố, khoảng 45 phút mới tới được khu vực trường. Dẫn em đi xem một khu trọ nhà không ra nhà xong, bác này “xin” em cả phí xe ôm lẫn tiền đưa đi xem nhà là 170.000 đồng làm em suýt ngất”, Phương nói.
Theo Minh Tùng
(baodatviet)
Bình luận (0)