Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Bẫy” tình trên mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Bị lừa tình, lừa tiền… vì nhẹ dạ, cả tin trước những đối tượng mới quen trên mạng không phải là chuyện mới lạ. Dẫu vậy, hàng năm, số vụ án như vậy vẫn không ngừng gia tăng.

Nhiều đối tượng sử dụng phần mềm zalo để lừa tình, lừa tiền những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin

Dở khóc dở cười

Hiện nay, facebook được xem là trang mạng xã hội có số lượng người sử dụng nhiều nhất. Bên cạnh đó, các ứng dụng như line, kakao talk, viber, ola chat hoặc zalo cũng thu hút khá nhiều người. Nhờ vậy, không ít cá nhân có thể dễ dàng tìm cho mình một người “bạn ảo” để tâm sự. Nếu ai đó may mắn thì có thể sẽ tìm được một người bạn “tâm đầu ý hợp”, ngược lại có thể “dở khóc dở cười” khi gặp phải rắc rối khi sập bẫy tình trên mạng.

Có thể thấy, sự phát triển không ngừng của xã hội và internet đã kéo theo những biến tướng xấu của các ứng dụng mạng xã hội, hay phần mềm chat tán gẫu. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của phụ nữ, nhiều đối tượng xấu đã lên zalo, facebook… lừa tình và trộm, cướp tài sản. Rất nhiều vụ án đã xảy ra nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh.

Thông qua zalo, Nguyễn Văn Hưng (25 tuổi, trú tại quận Bình Tân, TP.HCM) đã làm quen với chị N.T.T.M. (24 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM) rồi hẹn chở chị M. xuống TP.Vũng Tàu chơi. Sau khi qua đêm tại một khách sạn, Hưng chở M. lên núi Minh Đạm (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) tâm sự, ngắm cảnh. Khi lên đến chỗ vắng vẻ, Hưng bất ngờ lấy roi điện khống chế chị M. và cướp đi một điện thoại iPhone 6 Plus, một sợi dây chuyền, một chiếc nhẫn vàng rồi phóng xe tẩu thoát. Bị lừa đau đớn, chị M. ngậm ngùi tìm đến cơ quan chức năng để khai báo.

Chị M. chỉ là một trong số những trường hợp bị lừa tình, lừa tiền thông qua những cuộc tình vội vã trên mạng xã hội. Nhiều thanh niên mạo danh là những người có địa vị trong xã hội để làm “mồi nhử” cho các cô gái. Cũng với chiêu làm quen qua mạng, Phạm Vĩnh Long (SN 1990, tạm trú tại TP.Vũng Tàu) tạo rất nhiều tài khoản facebook với tên gọi khác nhau rồi từng bước tiếp cận với các cô gái trẻ. Đối tượng y nhắm tới là học sinh THPT, sinh viên. Sau khi làm quen, Long từng bước tạo dựng lòng tin để rủ họ đi chơi, đi nhà nghỉ. Lúc thời cơ thuận lợi, hắn uy hiếp, khống chế để hãm hiếp và chiếm đoạt tài sản… Với thủ đoạn này, Long đã hãm hại 10 cô gái trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tăng cường cảnh giác

Theo Trung tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, những phụ nữ có hoàn cảnh éo le hay sống độc thân, khi sử dụng điện thoại, máy tính truy cập mạng xã hội không nên chia sẻ thông tin cá nhân, không kết bạn với người không biết rõ, nhất là người nước ngoài. Đặc biệt, khi nhận được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản lạ, người dân không làm theo. Nếu có dấu hiệu nghi vấn, cần thông báo cho cơ quan điều tra để phối hợp ngăn chặn.

Vừa qua, Bộ Công an và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức hội thảo với những báo động về tội phạm sử dụng mạng xã hội để lừa đảo phụ nữ. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, năm 2017 dự báo tình hình tiếp tục phức tạp, thủ đoạn dùng “bẫy tình” để lừa đảo phụ nữ chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng. Riêng tại TP.HCM, năm 2016 đã tiếp nhận 58 tin báo tố giác tội phạm sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo… để chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 22 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã khởi tố 32 vụ, 21 bị can. Đa phần, các đối tượng nhằm chủ yếu vào phụ nữ và đã không ít người nhẹ dạ đến mức khó tin.

Tâm lý “sính ngoại”, tin vào những lời hứa hẹn của “bạn tình ảo” cũng khiến nhiều chị em phụ nữ phải lao đao, tiền mất tật mang. Chỉ một thời gian ngắn “tâm sự” qua mạng ảo, James Oscar Herera ngỏ lời yêu và hứa sẽ về Việt Nam cưới bà H. (sống tại TP.HCM) rồi đưa qua Mỹ định cư… Tháng 3-2016, James Oscar Herera nhắn tin cho bà H. báo hắn đang qua Malaysia thực hiện dự án đầu tư về dầu khí trị giá 4 triệu USD. Từ đó, James Oscar Herera đặt vấn đề vay với bà H. tiền để thực hiện dự án, hứa trả lại trong vòng 5 tháng kèm thêm cho bà 500.000 USD, bà H. đã chuyển cho người tình… ảo gần 11 tỷ đồng và số tiền ấy “một đi không trở lại”.

Tội phạm sử dụng mạng xã hội với thủ đoạn dùng “bẫy tình” để lừa đảo phụ nữ chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng với những phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tổ chức, chuyên nghiệp. Đối tượng xấu chuyên dụ dỗ phụ nữ trên mạng internet thường đã chuẩn bị kế hoạch rất kỹ lưỡng. Dù đối tượng bị lừa tình, lừa tiền là ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên, các cô gái trẻ cần cảnh giác nhiều hơn. Vì họ là những người rất hay lên mạng xã hội, lại non nớt về nhận thức, bồng bột về tình cảm, dễ nghe theo những lời “có cánh”.

Bài, ảnh: Thục Quyên

Bình luận (0)