Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bé 5 tuổi chết đuối ở nhà trẻ “chui”

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 6-2, tại điểm giữ trẻ Bảo Hạ của bà Đào Thị Chinh (47 tuổi, quê Quảng Nam) đã xảy ra vụ tai nạn gây chết một cháu bé 5 tuổi được cha mẹ gửi tại đây. Đó là cháu Trịnh Minh Hoàng (5 tuổi), con anh Trịnh Minh Phúc, ngụ xã Hóa An, TP.Biên Hòa, Đồng Nai (Giáo Dục TP.HCM ngày 8-2 đã đưa tin). 
Ngay sau khi có tin báo, sáng 7-2, Công an TP.Biên Hòa, Đồng Nai phối hợp cùng UBND xã Hóa An đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai của những người liên quan để làm rõ nguyên nhân tử vong của cháu Hoàng. Theo cơ quan điều tra, khoảng 17 giờ ngày 6-2, bà Đào Thị Trinh, chủ nhà trẻ Bảo Hạ, trong giờ đón trẻ của phụ huynh do phải tiếp phụ huynh và trông coi các bé đã không quan sát và mở cửa bên hông của nhà giữ trẻ nên để cháu Trịnh Minh Hoàng chạy ra sau nhà chơi. Sau đó, cháu Hoàng đi ra khuôn viên bên hồ nước rộng chừng 1.000m2, sâu 1,6m trong quán cà phê Rose cách nhà trẻ chừng 300m để chơi đùa.
Thấy cháu Hoàng không có trong phòng, bà Trinh chạy đi tìm thì phát hiện cháu Hoàng đã rơi xuống hồ nước liền nhảy xuống cùng một người ở quán cà phê Rose vớt cháu lên, đưa đi cấp cứu. Khi chị Huỳnh Thị Anh Đào (mẹ cháu Hoàng) đón con thì nhận được tin dữ, đến bệnh viện thì Hoàng đã chết. Chị Đào đau xót cho biết: “Gia đình mới gửi cháu Hoàng vào nhà giữ trẻ Bảo Hạ chừng 3 tháng. Do không gửi thường xuyên nên mỗi ngày đi gửi, bà Trinh lấy 25.000 đồng tiền công”. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Minh Đương, Phó chủ tịch UBND xã Hóa An, cho hay: “Nhà trẻ Bảo Hạ thuộc nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ngoài công lập được bà Trinh thuê lại một phòng trọ của người dân để giữ trẻ. Nhà trẻ này được cấp phép năm 2008, có thời hạn một năm nên đến hết tháng 8-2009 thì giấy phép không còn hiệu lực. Dù giấy phép đã hết hạn nhưng bà Trinh vẫn hành nghề. UBND xã Hóa An đã kiểm tra và nhiều lần nhắc nhở, hướng dẫn để bà Trinh mua sắm trang thiết bị khi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất mới được cấp phép trở lại”.
Cũng theo ông Đương, hiện trên địa bàn xã Hóa An có 14 nhà trẻ, nhóm giữ trẻ, trong đó có 9 nhà trẻ có giấy phép và 5 nhóm trẻ ngoài công lập không có giấy phép. Những nhóm trẻ không có giấy phép này chủ yếu là nhóm giữ trẻ cho con em người lao động nghèo, công nhân không thường xuyên gửi, giữ vì có ngày gửi, ngày không.
Do nhu cầu gửi trẻ tăng mà nhà giữ trẻ, mầm non có giấy phép trên địa bàn không thể đáp ứng đủ nên Đoàn kiểm tra của UBND xã cùng Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa mỗi khi đi kiểm tra chỉ nhắc nhở, hướng dẫn để các nhóm giữ trẻ này đủ điều kiện cấp phép. “Tuy nhiên, sau sự việc đáng tiếc xảy ra, chính quyền địa phương đã đề nghị Phòng GD-ĐT đình chỉ hoạt động nhà trẻ Bảo Hạ của bà Trinh và 4 nhóm trẻ không có giấy phép còn lại, chờ kết luận điều tra của cơ quan chức năng” – ông Đương nói. Liên quan đến vụ việc này, ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai cũng cho biết: “Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục và trước thực trạng trường lớp quá tải cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp của bậc học mầm non trên địa bàn tỉnh còn thiếu với nguyên nhân chính là dân nhập cư năm sau luôn cao hơn năm trước đã dẫn đến tình trạng quá tải học sinh của hệ thống trường lớp trên địa bàn tỉnh. Do đó, những cơ sở có đủ điều kiện về vật chất, đội ngũ thầy cô giáo và cấp dưỡng mới được các phòng GD-ĐT cấp phép cho mở trường, mở lớp. Những điểm trông giữ trẻ như của bà Trinh sở đã tham mưu cho các cấp chính quyền là tuyệt đối không được cấp phép. Vụ việc xảy ra tại điểm trông giữ trẻ như Bảo Hạ là điều đáng tiếc. Sở GD-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, kiểm tra sát sao những trường tư thục, điểm trông giữ trẻ trên địa bàn toàn tỉnh. Nếu những trường, điểm trông giữ trẻ không đảm bảo tối thiểu về trường lớp, cơ sở vật chất… chúng tôi sẽ kiên quyết rút giấy phép”.
Lê Quang Huy

Bình luận (0)