Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bê bết… chất lượng đào tạo liên kết

Tạp Chí Giáo Dục

“Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”, không phải ngẫu nhiên mà xã hội đánh giá chất lượng đào tạo không chính quy như vậy. Ngoài nguyên nhân người học thường là “con ông, cháu cha” đi học chỉ để hợp thức hóa hồ sơ xin việc, còn nguyên nhân khác là tâm lý “xem nhẹ” người học của giảng viên và các đơn vị đào tạo thì coi chương trình đào tạo ngoài chính quy như là “cái mỏ vàng” – càng nhiều người học thì càng thu nhiều lợi nhuận nên ít quan tâm đến đầu vào cũng như đầu ra…

Xung quanh vấn đề này, vừa qua Trường ĐH Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị liên kết đào tạo. Theo đó, hiện ĐH Cần Thơ liên kết đào tạo với 83 đơn vị giáo dục với tổng số SV đang học là 22.040 (trong đó: 14.108 SV hệ vừa học vừa làm, 7.932 SV hệ đào tạo từ xa).

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm là làm sao dung hòa giữa chất lượng và tăng quy mô, mở rộng loại hình đào tạo không chính quy…

ThS. Đào Phong Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí, ĐH Cần Thơ, thẳng thắn: “Thời gian qua, kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT tại rất nhiều trường ĐH thực hiện đào tạo không chính quy đã chỉ ra những sai phạm trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá và cấp văn bằng… Thực tế cho thấy, nhiều người học không xuất phát từ nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn nên dẫn đến thái độ, động cơ học tập chưa thỏa đáng. Một bộ phận giảng viên ở nhiều nơi còn cả nể, dễ dãi trong đánh giá đối với người học. Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học chưa như mong đợi. Tất cả những yếu tố trên làm giảm chất lượng đào tạo và khiến xã hội có cái nhìn thiếu tin cậy đối với loại hình đào tạo không chính quy…”.

TS. Phạm Phương Tâm, Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo, ĐH Cần Thơ, cho biết: “Trung tâm đã triển khai tổ chức học tập theo hình thức E-learning một số học phần, từng bước áp dụng hình thức học tập trực tuyến cho hệ đào tạo từ xa. Đồng thời phối hợp Trung tâm Học liệu ĐH Cần Thơ cấp tài khoản và hỗ trợ SV các hệ tại những đơn vị liên kết để người học được tiếp cận nguồn học liệu phong phú”.

PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, cho biết: “Theo báo cáo mới nhất về điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), số lao động từ 15 tuổi trở lên tại khu vực ĐBSCL là 10.288.600 người, chiếm 19,14% lực lượng lao động cả nước, trong đó tỷ lệ đã qua đào tạo là 10,4% (cả nước là 18,6%), (gồm: 2,4% đã qua đào tạo nghề, 2,3% đào tạo trung cấp, 1,2% đã qua đào tạo CĐ và 4,5% đã qua đào tạo từ ĐH trở lên). Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất cả nước sẽ là cơ hội để mở rộng và phát triển các cơ sở GD-ĐT trong vùng, trong đó có ĐH Cần Thơ”.

Một trong những giải pháp của ĐH Cần Thơ về đảm bảo chất lượng đào tạo hệ ngoài chính quy là: Trường kết hợp các đơn vị liên kết xây dựng kế hoạch nâng cao nhận thức của giảng viên, người học trong cải tiến phương pháp dạy và học nhằm phát huy vai trò chủ động, khai thác kinh nghiệm, vốn sống của người học; coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học, sử dụng phương tiện hiện đại và công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học khắc phục những bất lợi về thời gian và điều kiện học tập. Thay đổi bản chất việc giảng dạy từ truyền thụ tri thức qua đào luyện tư duy, kỹ năng tự học, năng lực giao tiếp xã hội và thái độ sống. ĐH Cần Thơ cũng sẽ xây dựng lộ trình triển khai kiểm định đối với các chương trình đào tạo không chính quy, lồng ghép chung với kế hoạch đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng các chương trình chính quy của trường, đồng thời thí điểm hợp tác quốc tế trong đào tạo không chính quy đối với các chương trình đào tạo có thế mạnh truyền thống của trường.

Với chủ trương trên, nhà trường đã thẳng thắn từ chối khi một số đơn vị liên kết đề nghị thiết kế chương trình đào tạo theo modul để SV tự do chọn lựa và học cho đến khi đủ số lượng quy định thì cấp bằng, bất kể đầu vào và thời gian theo học…

Đan Phượng

Bình luận (0)