Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Bé chơi với nhạc cụ”

Tạp Chí Giáo Dục

 

Tiết dạy thử nghiệm của cô giáo Trương Thị Việt Liên

Từ nhiều năm nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trường mầm non chủ yếu thông qua chương trình Kidsmart. Thế nhưng tại Trường MN bán công quận 11, cô giáo Trương Thị Việt Liên lại nảy sinh ra ý tưởng đưa công nghệ thông tin vào ngay trong bài giảng của mình.
Lớp học thành dàn hợp xướng
Bài giảng trình chiếu mà giáo viên Trương Thị Việt Liên đang thử nghiệm là tiết dạy “Bé chơi với nhạc cụ”. Nếu trước đây giáo án thể hiện trên chữ viết và đồ dùng dạy học được làm bằng vật liệu như giấy, bìa, nhựa thì nay đã được cô Liên thay toàn bộ bằng… máy vi tính. Ngay từ khi tiết học mới bắt đầu, bản hòa tấu ngựa ô Nam bộ mà cô Liên cài đặt sẵn vang lên đã tạo thêm không khí thật sôi động cho lớp học. Nhờ giáo viên giải thích trước đó nên các cháu biết trò chơi trong bài học là nghe nhạc tìm nhạc cụ. Những nhạc cụ đã có sẵn trước mặt sẽ giúp bé liên tưởng dễ dàng hơn sau khi nghe nhạc. Trả lời những thắc mắc của chúng tôi, cô Việt Liên cho biết: “Khi sắp xếp các loại âm thanh, tôi phải suy nghĩ và tìm những loại nhạc cụ nào quen thuộc với trẻ nhất. Không thể cho trẻ nghe những âm thanh lạ tai trước mà phải đi từ dễ đến khó”. Chính vì thế, thứ tự của các loại nhạc cụ cũng phải đi từ loại đơn giản đến phức tạp như kèn, trống trước rồi mới đến sáo, đàn bầu, đàn ghi ta hoặc đàn tơ-rưng. Ngoài yêu cầu tìm nhạc cụ, giáo viên còn yêu cầu các bé múa theo hình thức “tự biên tự diễn” khi gặp các đoạn nhạc vui tươi, rộn ràng như bài Cây trúc xinh (dân ca quan họ Bắc Ninh). Hình thức này không chỉ làm cho không khí lớp học thay đổi mà còn giúp trẻ linh hoạt hơn trong giờ học, không còn ngồi một chỗ thụ động.
Tuy nhiên bài học “Bé chơi với nhạc cụ” không chỉ dừng lại đó. Sau phần tìm nhạc cụ, các nhóm trẻ lại được giáo viên “thử thách” thêm qua phần dùng nhạc cụ thổi, gõ hoặc đánh theo nhạc. Lúc này, cả lớp học như một dàn hợp xướng náo nức với bản hòa tấu tập thể tuy còn vụng về nhưng đã khơi gợi cho trẻ những năng khiếu thẩm mỹ ban đầu từ âm nhạc. Khi trẻ đã quen dần với các loại nhạc cụ, giáo viên lại “tiến một bước xa hơn” là giúp bé nhận diện mặt chữ. Khi nhìn thấy trên mặt thẻ còn thiếu một chữ (âm vị) nào đó trong từ ( âm tiết) so với trên màn hình thì trẻ có thể bổ sung vào thẻ chữ của mình. Ví dụ qua từ “ kè…” trẻ sẽ biết còn thiếu chữ “n” và sau đó điền chữ “n” vào thẻ chữ. Cách nhận diện này chỉ gợi ý trẻ tìm những âm tiết còn thiếu trong từ ở mức độ trực quan cảm tính chứ chưa có sự can thiệp của tư duy hoặc trí nhớ. Do dừng lại ở mức độ đó nên đây không phải là cách học chữ sớm trước tuổi mà chỉ cho các cháu bắt đầu “chạm ngõ” với từ và tiếng thông qua trò chơi.
Chỉ là thử nghiệm ban đầu
Cô Trương Thị Việt Liên tâm sự: “Tôi thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc soạn giáo án và bài giảng trình chiếu rất phổ biến ở các trường phổ thông. Từ đó tôi đặt câu hỏi tại sao ở bậc mầm non chúng ta lại không tìm cách ứng dụng nó vào trong các tiết giảng của mình”. Chính từ trăn trở đó mà cô Liên đã tìm cách thiết kế một giáo án điện tử cho một lớp học mầm non, và cô đã chọn tiết “Bé chơi với nhạc cụ” làm thử nghiệm. Theo cô, việc thiết kế một giáo án trên máy vi tính không có gì là khó khăn cả nếu giáo viên rành vi tính. Những đoạn nhạc sinh động từ các điệu lý, dân ca quan họ mà cô sưu tập được đều download từ trên mạng xuống. Đối với người khác thì có khó khăn một chút nhưng đối với cô thì chuyện đó “nằm trong tầm tay”. Lấy được các đoạn nhạc từ MP3, cô chuyển sang wav và cuối cùng chỉ việc đưa vào giáo án theo đề cương đã có sẵn.
Không chỉ có tiết dạy “Bé chơi với nhạc cụ”, cô Việt Liên còn thử nghiệm sang một tiết học “Bé chơi với các con vật”. Nếu trước đây trẻ làm quen câu chuyện qua lời kể của cô giáo thì ở đây trẻ còn được nhìn thấy hình ảnh các con vật trên màn hình powerpoint. Sau những hình ảnh đó là âm thanh róc rách của nước chảy, tiếng kêu của ếch nhái, tiếng chim hót, mưa rơi… được giáo viên cài đặt một cách khéo léo. Hấp dẫn hơn là những nhân vật trong bài “Nòng nọc tìm mẹ” được minh họa theo nội dung câu chuyện kể giống như một bộ phim hoạt hình đơn giản. Điều khác biệt là lời thoại của bộ phim hoạt hình đó không lồng sẵn mà qua lời kể trực tiếp của giáo viên. “Chính lời thoại của cô đã làm cho câu chuyện sinh động và gần gũi trẻ hơn. Bên cạnh đó còn hạn chế việc giáo viên quá phụ thuộc và lợi dụng vào giáo án điện tử” – cô Liên trao đổi.
 Sau tiết dạy, ngồi trò chuyện với cô Liên, chúng tôi mới hình dung ra được các “công đoạn bếp núc” của “nhà thiết kế” giáo án. Từ việc chọn hình trong sách giáo khoa để scan vào máy đến việc xử lý hình ảnh qua công nghệ photoshop, tất cả đều được “hiện đại hóa” bằng máy vi tính. Nếu khi thiết kế cô phải phụ thuộc vào con chuột và bàn phím thì khi trình chiếu cô lại sử dụng rờ-moot một cách chủ động hơn, không còn phải ngồi một chỗ lệ thuộc vào máy móc. Điều đáng quý là khi đã hoàn thành sản phẩm, cô không giữ làm của cải riêng mà phổ biến trao đổi cùng với đồng nghiệp trong trường, giúp cho nhiều giáo viên chưa có điều kiện và khả năng truy cập mạng và thiết kế bài giảng bằng giáo án điện tử. Bài giảng của cô cũng đã được trình chiếu tại hội thảo cụm chuyên môn, cô rất mong có thêm những ý kiến đóng góp của mọi người và chờ đợi sự đón nhận của đồng nghiệp trên tinh thần cùng chung tay đổi mới phương pháp dạy học ở bậc mầm non.
Phan Ngọc Quang
Thay bằng những câu hỏi trực tiếp của giáo viên, trẻ sẽ được nghe một đoạn nhạc phát ra từ máy. Yêu cầu của bài học là trẻ phải tìm ra được loại nhạc cụ thích ứng với đoạn nhạc vừa nghe gồm có tiếng sáo trúc, kèn, trống, đàn bầu, ghi-ta, đàn tơ-rưng.
 

 

Bình luận (0)