Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Bế mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 30 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trong đó có 48 phiên họp toàn thể tại hội trường và 11 phiên họp tổ, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13 đã chính thức bế mạc. 

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của kỳ họp thứ 9 với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng. Đây là thời điểm phù hợp để Quốc hội có những nhận định, đánh giá về tình hình đất nước những năm qua, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, ban hành luật pháp và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lã Anh

Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, đời sống của nhân dân được cải thiện

Theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội vui mừng nhận thấy tình hình đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, đời sống của nhân dân được cải thiện, quốc phòng – an ninh được bảo đảm, tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế có những kết quả nổi bật… Bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình trước nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đánh giá mặt được, chưa được, chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân và hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. 

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế nước nhà, giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Cơ bản hoàn thành xây dựng các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước

Điểm lại những nội dung quan trọng của kỳ họp, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 11 dự án luật, bao gồm Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật An toàn vệ sinh lao động. 

“Như vậy, về cơ bản chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo Hiến pháp mới, với tinh thần tôn trọng Nhà nước pháp quyền, nền dân chủ nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nhận định. 

Quốc hội cũng dành sự quan tâm thích đáng để thảo luận, cho ý kiến về 15 dự án luật khác, trong đó có Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật trưng cầu ý dân và một số luật khác. Đồng thời, tại kỳ họp này, thể theo nguyện vọng của một bộ phận người lao động, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Theo đó, người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; trường hợp người lao động có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần, tạo điều kiện để người lao động được lựa chọn phù hợp. 

Đáng lưu ý, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo khả thi, tiến hành các công việc cần thiết để triển khai dự án và hàng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện.

Tại kỳ họp này, theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc một cách thận trọng và quyết định bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội nhận định: “Quyết định này khẳng định sự nghiêm khắc, công minh của Quốc hội khi xem xét tư cách đại biểu Quốc hội, là yêu cầu về sự phấn đấu, rèn luyện để đại biểu Quốc hội luôn xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của cử tri và của nhân dân”.

Cử tri hài lòng về chương trình và nội dung của kỳ họp thứ 9

Tại cuộc họp báo được Văn phòng Quốc hội tổ chức ngay sau khi bế mạc kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết thêm, tại kỳ họp này, có 3.854 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 157 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Quốc hội đã lựa chọn các thành viên Chính phủ và các nhóm vấn đề chất vấn trên cơ sở những vấn đề quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm. Quốc hội đã ban hành nghị quyết riêng về chất vấn và trả lời chất vấn. 

Theo Văn phòng Quốc hội, qua công tác tổng hợp dư luận xã hội, có thể thấy cử tri hài lòng về chương trình và nội dung của kỳ họp thứ 9. Cử tri cho rằng kỳ họp đã diễn ra thuận lợi, hiệu quả, có nhiều đổi mới tích cực phù hợp với nguyện vọng chính đáng của cử tri; đồng thời cho rằng đại biểu Quốc hội đã lắng nghe, chuyển tải ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri lên diễn đàn Quốc hội. Ngoài ra, cử tri cũng đánh giá cao công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp; góp phần tạo lên bầu không khí lan tỏa rộng khắp, thu hút sự quan tâm của cử tri, gắn kết cử tri trên mọi vùng miền của đất nước.

Theo Anh Thư/ SGGP

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)