Bé Khoai gần 3 tuổi, đã đi mẫu giáo. Mấy ngày đầu bé thích đến lớp, nhưng chỉ được vài hôm sau, bé bắt đầu chán dần.
Trước đây nếu đang ngủ, mẹ thức dậy đánh răng rửa mặt để đến lớp là bé vùng dậy ngay lập tức. Bây giờ, sau gần hai tháng đi học hè, bé bắt đầu có dấu hiệu muốn “trốn học”. Sáng nào cũng vậy, mẹ phải dùng đủ “mưu” mới “nhử” được Khoai ra khỏi giường. Khoai đánh răng rửa mặt, đi ăn sáng với mẹ rất vui vẻ. Nhưng lúc mẹ đưa vào lớp thì không ngày nào là không khóc. Mẹ nghĩ, chắc tại Khoai thất vọng vì ở lớp không vui vẻ như Khoai tưởng tượng lúc đầu. Khoai sẽ phải làm quen với nề nếp tập thể và sự nghiêm khắc của cô giáo nên bố mẹ nghĩ rằng, dần dần cháu sẽ quen. Vậy nhưng, một hôm Khoai phản ứng quyết liệt không chịu lên lớp. Khoai gào khóc, không chịu xuống xe và nói: Con không đi lớp nữa đâu. Mẹ không còn cách nào khác là bế thốc cháu vào lớp.
Chuyên gia tư vấn cho rằng, tâm lý “sợ lớp” là hiện tượng phổ biến đối với trẻ ở tuổi bắt đầu đi mẫu giáo và vào lớp một. Tuy nhiên, hiện tượng “sợ lớp” một cách thái quá của bé Khoai thì không thể coi thường. Nếu bố mẹ không kịp thời tìm hiểu nguyên nhân mà dẫn đến tình thế “bắt ép” cháu vào lớp thì cháu sẽ rơi vào những rối loạn về tâm lý, nếu nặng sẽ bị stress và trầm cảm.
Do cháu không tìm thấy niềm vui khi đến lớp, hoặc do cách giáo dục của cô giáo chưa đúng cách khiến cho cháu sợ hãi. Do vậy, bố mẹ phải tìm hiểu kỹ cách giáo dục của cô giáo với con mình có vấn đề gì không. Nếu cách giáo dục có vấn đề như trên thì cần góp ý, trao đổi với cô giáo.
Với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo, tình yêu thương của cô giáo với trẻ là vấn đề quan trọng nhất. Do vậy, các bậc cha mẹ cần phải dành thời gian để nói chuyện với giáo viên của con, vừa là để hiểu con, vừa là dịp để tăng cường sự phối hợp trong giáo dục trẻ giữa cô giáo và bố mẹ.
Quỳnh Thy (giadinh.net)
Bình luận (0)