Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bế tắc đầu ra, hàng vạn con cá sấu bị bỏ đói

Tạp Chí Giáo Dục

Giá cá sấu giảm thê thảm, người nuôi đang thua lỗ nặng nề buộc phải bỏ đói đàn cá sấu vì tốn nhiều chi phí thức ăn. 

Hàng ngàn trại nuôi cá sấu ở TP.HCM, Đồng Nai và nhiều tỉnh miền Tây với tổng lượng đàn hàng trăm ngàn con đang gặp nhiều khó khăn khi giá bán cá sấu quá rẻ, người nuôi thua lỗ.

Ông Hướng, chủ trại cá sấu ở Đồng Nai, cho biết hiện nay giá cá sấu thương phẩm đang rớt thê thảm, chỉ còn hơn 50.000 đồng/kg. Càng khó khăn hơn là thương lái không thu mua khiến lượng cá sấu tồn đọng tăng lên.

Với hơn 100 con cá sấu trong trại của mình, ông Hướng cho biết ông buộc lòng phải bỏ đói lâu mới cho ăn với số lượng thức ăn ít lại. Dù thấy đàn cá sấu gầy đi nhưng chủ trại đành chịu vì thời điểm này bán thì lỗ nặng, nuôi thì tốn tiền thức ăn, chưa kể không ai mua nên đành bỏ đói dài ngày.

Theo ông Hướng, giá cá sấu có thời điểm bán 180.000-200.000 đồng/kg. Nhưng từ cuối năm 2016, giá cá sấu tụt xuống còn 80.000 đồng/kg, đến thời điểm này giá cá sấu chỉ còn 50.000 đồng/kg.

Một chủ trại cá sấu lớn ở TP.HCM cho biết tiền giống cá sấu khoảng 500.000 đồng/con, thức ăn và thuốc cho cá khoảng 700.000 đồng/con nuôi trong hai năm, tính ra tổng chi phí cho mỗi con cá sấu (có trọng lượng trung bình 12 kg/con) vào khoảng 1,3 triệu đồng/con.

Với mức giá chỉ 50.000 đồng/kg hiện nay, người nuôi lỗ 600.000-700.000 đồng/con chưa tính tiền công chăm sóc, điện, nước.


Giá cá sấu giảm, đầu ra khó khăn khiến người nuôi thua lỗ buộc bỏ đói đàn cá sấu. (Ảnh: QH)

“Con heo còn giải cứu được phần nào nhưng cá sấu thì chỉ trông chờ vào các công ty sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ da cá sấu, thị trường Trung Quốc lại đang bế tắc nên đầu ra khó khăn hơn nhiều. Nên các trại nuôi chỉ còn cách giảm chi phí thức ăn cho cá sấu, chờ giá lên hợp lý thì bán ra” – chủ trại nói.  

Riêng tỉnh Đồng Nai có gần 300 cơ sở nuôi cá sấu với hơn 100.000 con, Cà Mau gần 300.000 con, TP.HCM và Bạc Liêu mỗi địa phương khoảng 200.000 con. Cũng giống như người nuôi heo, người nuôi cá sấu vẫn tiếp tục kiên nhẫn chờ giá nhích lên, nhưng càng chờ tốn thêm chi phí nuôi, người chăn nuôi càng lỗ nặng.

Đại diện một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm làm từ da cá sấu xuất khẩu tại TP.HCM cho biết nguyên nhân giá cá sấu giảm là do nguồn cung vượt cầu. Những năm trước đây khi nuôi cá sấu mang lại nhiều giá trị kinh tế, các trại nuôi cá sấu tại các tỉnh, thành mọc lên như nấm, lượng đàn cá sấu tăng mạnh nhất là thời điểm Trung Quốc thu mua cá sấu sống ồ ạt với giá cao.

Nguyên nhân thứ hai là vấn đề thu mua, cụ thể là do quá phụ thuộc thương lái Trung Quốc cũng như các loại nông sản, người nuôi heo đã và đang chịu số phận.

Lúc đầu các thương nhân nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, vào mua cá sấu sống và sản phẩm từ da cá sấu của Việt Nam ngày càng nhiều. Không cần qua đầu mối trung gian là người Việt như trước đây, họ đến từng hộ nông dân, DN nhỏ để mua trực tiếp. Từ đó các thương lái Trung Quốc đã chủ động kiểm soát, khống chế giá cá sấu.

Năm 2014 giá cá sấu bị thương lái Trung Quốc tạo ra cơn sốt ảo, đẩy lên mức cao chưa từng thấy với 230.000 đồng/kg cá sấu loại 3. Thấy lợi trước mắt, các trại nuôi cá sấu trong nước tăng lượng nuôi, hàng loạt trại nuôi mới mọc lên. Đùng một cái thương lái Trung Quốc ngưng mua, đến cuối năm 2016, giá cá sấu tụt xuống còn 60.000-80.000 đồng/kg. Ngành cá sấu Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Đối với việc xuất khẩu các sản phẩm da cá sấu muối cho các nước châu Âu, Nhật Bản cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các DN cho hay khi nắm được tình trạng tồn kho da cá sấu lớn và thiếu liên kết của các công ty Việt, các đối tác nước ngoài săm soi chê bai da xấu để hạ chất lượng. 

QUANG HUY (PLO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)