Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bế tắc giữa cha mẹ và con cái

Tạp Chí Giáo Dục

Sự việc em nữ sinh 16 tuổi ở Bình Phước nhảy xuống hồ tự tử chỉ vì lý do “không hoàn thành được ước mơ… của cha mẹ” vừa qua đã làm dư luận bàng hoàng và xót thương.

Nhiều ý kiến của các nhà giáo dục đặt ra là: Phải chăng ngày nay cha mẹ lại không hiểu trẻ? Quan hệ cha mẹ – con cái ngày càng giãn ra? Cha mẹ có nên kỳ vọng nhiều vào con cái không?… Những ý kiến nêu trên đặt ra vấn đề là công tác giáo dục trẻ hiện nay trong gia đình còn nhiều khoảng trống?

Các bậc cha mẹ đừng kỳ vọng quá mức vào con cái mà hãy tôn trọng năng lực của trẻ. Trong ảnh, trại sinh tập làm đồ chơi từ lá dừa tại Hội trại 9-1 vừa qua. Ảnh: N.Anh

Trong quan hệ này, có 3 nguyên nhân cơ bản:

Cha mẹ ngày càng không hiểu trẻ

Khi không có người chia sẻ, làm điểm tựa tinh thần thì trẻ dễ tìm đến lựa chọn thiếu sự kiểm soát của lý trí.

Có nhiều lý do mà hiện nay một số phụ huynh không hiểu được con cái mình. Trước hết, họ không hiểu được sự phát triển của con cái về tâm sinh lý. Bởi họ luôn coi những đứa trẻ đã sang tuổi thanh thiếu niên vẫn còn là trẻ con nên việc ứng xử mang tính áp đặt, thiếu tôn trọng ý kiến của trẻ… Vì vậy, trẻ cũng chẳng bao giờ muốn chia sẻ với cha mẹ về những điều trong cuộc sống như tình bạn, tình yêu, mong muốn, nguyện vọng của mình. Không ít cha mẹ trong gia đình Việt đối xử với con cái theo kiểu gia trưởng, quan niệm của họ là: Chỉ có cha mẹ mới là người quyết định, con cái không có nghĩa vụ tham gia. Vì vậy, từ việc không hiểu trẻ dẫn đến ngày càng bất đồng trong mối quan hệ về quan điểm hay đi đến sự đồng thuận giữa cha mẹ và con cái. Khi không có người chia sẻ, làm điểm tựa tinh thần thì trẻ dễ tìm đến lựa chọn thiếu sự kiểm soát của lý trí, thậm chí là có thể dẫn đến những hành vi đáng tiếc là tự tử, tự sát.

Cha mẹ và con cái ngày càng giãn ra

Từ việc cha mẹ không hiểu trẻ dẫn đến bất đồng trong quan hệ gia đình, vì thế thường hay xuất hiện mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Một số cha mẹ thì luôn có tư tưởng bảo thủ, mỗi khi con cái làm việc gì đó là mắng nhiếc, thậm chí còn chế giễu. Chẳng hạn có cha mẹ thì cho rằng việc nghe nhạc của con là vớ vẩn, không biết chọn thể loại… còn chương trình thời sự chính trị – xã hội thì không quan tâm. Có cha mẹ do áp lực công việc nên họ cũng ít có thời gian gần gũi, chia sẻ với con; thậm chí có gia đình cả tháng cha mẹ và con cái không một lần nói chuyện, hay dùng cơm cùng nhau. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự lỏng lẻo giữa cha mẹ và con cái. Những bậc cha mẹ cũng đừng hy vọng rằng chúng ta sẽ lấp đầy khoảng trống yêu thương khi họ thường xuyên vắng nhà.

Đúng như các nhà giáo dục khẳng định “xa mặt cách lòng”, quy luật tâm lý này đúng trong đa số các trường hợp. Sự bù đắp bằng vật chất không thể mang lại cho con cái những giá trị về tinh thần đích thực.

Cha mẹ kỳ vọng quá mức vào con cái

Hiện nay một số cha mẹ kỳ vọng quá mức vào con cái trong khi khả năng của trẻ có hạn. Sự kỳ vọng của cha mẹ lại không đúng lúc, đúng chỗ nên nó chuyển thành áp lực cho chính trẻ. Hơn nữa, tâm lý không ít cha mẹ người Việt thường kỳ vọng con cái phải trở thành ông này, bà nọ, ở lĩnh vực này, vị trí kia…, trong khi con mình không có khả năng thực hiện, thậm chí năng lực của con chỉ ở mức trung bình. Có lẽ, nếu như cha mẹ mong con mình trở thành một người lao động bình thường thì sẽ không phải xảy ra những vụ việc thương tâm.

ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công
(ĐH Nguyễn Huệ)

3 giải pháp quan trọng

Thứ nhất, cha mẹ thực sự là những người hiểu con, đặc biệt là thế giới nội tâm của trẻ. Phải luôn nắm vững được sự phát triển tâm sinh lý của trẻ theo những giai đoạn nhất định, nhất là lứa tuổi vị thành niên thì càng cần có sự quan tâm cần thiết. Những mâu thuẫn phức tạp xảy ra trong thế giới nội tâm làm cho người lớn khó có thể hiểu rõ đặc điểm tâm lý và đôi khi cách ứng xử của cha mẹ với con cái lại không phù hợp nên càng dễ dẫn đến mâu thuẫn. Vì vậy, trong mọi trường hợp cha mẹ phải thực sự là người bạn, người đồng hành của con theo sự phát triển của lứa tuổi. Thứ hai, mỗi bậc cha mẹ phải thực sự có cách ứng xử dân chủ với con – mỗi lứa tuổi có những biến đổi riêng về tâm lý, đặc biệt giai đoạn vị thành niên và đầu thanh niên thì người lớn phải cư xử đúng như vai trò, vị trí của lứa tuổi này. Hãy dành nhiều thời gian để tâm sự cùng con, đừng dùng vật chất để bù đắp khoảng trống tình cảm, nếu không sẽ là nguyên nhân dẫn đến liều lĩnh, nuông chiều và cuối cùng là sự bất lực. Thứ ba, cần chú ý, cha mẹ đừng bao giờ kỳ vọng quá nhiều vào con. Mọi sự kỳ vọng quá mức chính là con đường ngắn nhất dẫn đến thảm họa và bi kịch. Hãy luôn hài lòng với những gì con có, tôn trọng năng lực của con, đánh giá đúng tiềm năng của con và hãy luôn định hướng, gợi mở trên con đường phát triển của con mình.

 

Bình luận (0)