Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Bến đò của ông giáo về hưu: Kỳ cuối: Hết lòng vì học sinh – sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Từng đạt thành tích xuất sắc trong Hội thi bến đò an toàn – tiện nghi do Ban ATGT TP.HCM phát động vào năm 2008 và 2009, từ đó đến nay, ông giáo Nguyễn Thanh Hòa vẫn không ngừng đầu tư nâng cấp bến đò, mua sắm phà mới để luôn xứng đáng với thành tích được trao tặng và quan trọng nhất là luôn đảm bảo phương tiện đúng quy chuẩn nhằm đưa đón học sinh lẫn người dân qua sông an toàn.

Chưa một lần xảy ra sự cố

Ông giáo Hòa luôn mạnh dạn đầu tư những con đò, chiếc phà chắc chắn để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của khoảng trên 7.000 hành khách qua sông mỗi ngày. Lần đầu tư gần đây nhất, ông đã dùng cách cầm cố nhà cửa của gia đình để vay vốn ngân hàng đóng 4 chiếc phà mới với tổng kinh phí 3 tỷ đồng. Diện tích mỗi chiếc phà mới rộng 6,5m, dài 25m, được trang bị trên 100 áo phao mặc và phao tròn được treo đều hai bên thành phà, mỗi tháng phà được kiểm tra kỹ thuật và độ an toàn 2 lần đều đặn. Mỗi chuyến phà chở khoảng trên dưới 70 chiếc xe máy và người, nên ông giáo đã có sáng kiến chia đôi chiếc phà bằng thanh chắn và hướng dẫn người dân lưu thông lên xuống phà theo hướng một chiều, xuống bên phải và lên bên trái một cách trật tự. Do đó mỗi chuyến phà từ khi đón đến khi trả khách từ bờ bên này sang bờ bên kia chỉ mất vỏn vẹn khoảng trên dưới 4 phút.

Ông giáo Nguyễn Thanh Hòa (bìa trái) cùng với các thuyền viên

Gần 20 năm hoạt động nhưng chưa một lần xảy ra sự cố, nên bến đò An Phú Đông được chính quyền thành phố, chính quyền địa phương và người dân khen ngợi vì có nhiều điểm ưu việt. Bằng chứng cho thấy rằng những chiếc phà đưa khách qua sông không chỉ đạt các tiêu chuẩn quy định về an toàn đường thủy, mà còn được điều hành bởi đội ngũ thuyền viên lành nghề, vui tính. Mỗi chuyến phà qua sông đều có hai nhân viên kiêm cứu hộ luôn túc trực phát áo phao cho người dân. Đội ngũ nhân viên cũng luôn nhiệt tình trong công việc từ lúc 3 giờ 30 sáng cho đến 23 giờ 30 mỗi ngày, nhưng có trường hợp cấp cứu hoặc cần thiết phải qua sông vào giờ phà không hoạt động, thì nhân viên sẽ nhanh chóng điều phà phục vụ khách theo nhu cầu mà không hạch sách hay đòi hỏi bất cứ điều gì.

Hết lòng vì người nghèo

Một sinh viên có tên gọi ở nhà là bé Hai cho biết “cả quãng đời học sinh em đã được đi học miễn phí qua phà An Phú Đông của ông giáo Hòa. Ông là người tốt có một không hai ở thành phố này. Mỗi ngày có hơn 1.000 học sinh đi học qua đây, giá vé đò bây giờ là 2.000/khách (có xe máy), nếu chỉ lấy giá vé ủng hộ học sinh là 50% như các bến đò vẫn làm, thì mỗi tháng ông chủ đò lẽ ra sẽ có trên dưới 30 triệu đồng thu nhập nữa. Vậy mà ông đã miễn phí cho học sinh gần 20 năm nay. Đó là sự hy sinh rất lớn mà không phải ai cũng làm được”.

Sở GTVT TP.HCM khẳng định, bến đò An Phú Đông không chỉ là đơn vị dẫn đầu các bến đò văn minh, an toàn, lịch sự, mà còn được xem là mô hình “bến đò tình thương” tiêu biểu đầu tiên của thành phố.

Không chỉ miễn phí qua đò cho học sinh, người khuyết tật, người bán vé số, người đi cấp cứu, ông còn góp của để làm đường dân sinh, cung cấp học bổng cho học sinh nghèo, giúp kinh phí khám chữa bệnh cho người nghèo, ủng hộ xây nhà tình thương, hỗ trợ bữa ăn sáng và mua sách vở cho học sinh, sinh viên nghèo. Bên cạnh đó, ông còn cho sinh viên tỉnh ở trọ miễn phí, tạo điều kiện cho thanh niên ở tỉnh học nghề và cho họ làm việc ở bến đò bằng với những thuyền viên chính thức.

Trước những điều mắt thấy, tai nghe, ông Trương Văn Quan, Ủy viên kinh tế thủy lợi, phường An Phú Đông khẳng định chủ đò Nguyễn Thanh Hòa là người có kinh nghiệm trong việc đưa đón khách qua sông an toàn và chịu đầu tư để có phương tiện, bến đò tốt và điều đáng mừng là bến đò này đã được thành phố công nhận là một trong những bến đò an toàn nhất của thành phố. Ủng hộ và tin tưởng việc làm của ông giáo Hòa, nên chính quyền địa phương đã không ngần ngại hỗ trợ các thủ tục pháp lý và thủ tục vay vốn ngân hàng để ông giáo sửa chữa cầu phà, mua sắm phương tiện mới. Bên cạnh những việc thiện ông giáo giúp đỡ học sinh, sinh viên, người nghèo, chính quyền địa phương cũng khen ông là người luôn tích cực tham gia các chương trình của phường như chương trình quỹ học bổng và hỗ trợ quà trong Ngày Thương binh liệt sĩ hàng năm.

Bài, ảnh: Bích Vân

Không chỉ làm tốt việc mình, ông Hòa còn điều phà tham gia cứu hộ vụ lật tàu Dìn Ký vào năm 2011. Với những nỗ lực và đóng góp tích cực của ông chủ đò và bến đò An Phú Đông cho vấn đề ATGT trong nước, ông giáo đã từng được Ủy ban ATGT quốc gia trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ giao thông vào năm 2012.

 

Bình luận (0)