Khách du lịch trên một chuyến đò ở bến Ninh Kiều không trang bị phương tiện áo phao hoặc phao cứu sinh
|
Khách đến TP.Cần Thơ hầu như đều ghé bến Ninh Kiều vì đây không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng mà còn là một trong những bến tàu lớn, trung tâm giao thông vận chuyển giữa các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, tình hình giao thông sông nước ở đây còn nhiều vấn đề cần bàn.
Sắm áo phao để… ngó chơi?
Đưa tôi đi một vòng bến Ninh Kiều, Đại úy Bùi Văn Thắng, Đội cảnh sát trật tự quận Ninh Kiều, hồ hởi: “Chúng tôi đảm bảo là tàu thuyền nào cũng trang bị áo phao hoặc phao cứu sinh, không có là bị phạt ngay”. Quả đúng vậy, các chuyến tàu, đò đang ngang dọc trên sông, hoặc neo tại bến, từ xuồng ba lá đến những tàu lớn, đều trang bị áo phao màu cam, nhưng hầu hết đều… gói kỹ trong bọc nilon, để dưới sàn hoặc treo trên nóc. Trong gần 30 chuyến tàu, đò cập bến hoặc chuẩn bị nhổ neo, duy nhất một chiếc tàu trọng tải chở 40 người, có mắc một tấm áo phao nơi ghế ngồi. Giữa bến tàu rộn ràng, tôi quan sát, trong số hành khách nườm nượp rời tàu, lên bờ, không ai khoác áo phao. Tôi vừa lên tiếng hỏi vì sao thì nhận được hàng loạt câu trả lời từ các chủ tàu: “Trời hầm như vầy mặc vô ai chịu nổi? Với lại, khách ít chịu mặc áo phao vì vướng bận, lại chụp hình không đẹp”, “Để trong bọc nilon cho sạch, ai cần thì nói, tụi tui đưa liền”… Trong một chiếc tàu chuẩn bị rời bến đi tỉnh Đồng Tháp với gần 40 hành khách, xấp áo phao đỏ cam cột chặt để trên nóc tàu, hai phao cứu sinh lủng lẳng hai bên hông tàu. Các dãy ghế trong khoang không một dụng cụ cứu sinh nào.
Một chiếc đò nhỏ từ bên xóm chài Hưng Phú cập bến Ninh Kiều, chàng trai trẻ nhanh nhẹn nhảy lên bờ, tôi hỏi vì sao em không mặc áo phao? Câu trả lời có vẻ tự hào: “Em biết bơi mà, sợ gì cô?”. Từ bên Hưng Phú sang bến Ninh Kiều gần 700m. Dòng sông lại không êm ả nhưng hầu như tất cả khách đi tuyến đò ngang này đều không có ý thức về việc cần chuẩn bị sẵn phương tiện cứu hộ bên mình.
Hiện bến Ninh Kiều có khoảng 117 chiếc đò đang hoạt động. Do tải trọng nhỏ nên đò ngang không thuộc diện phải đăng kiểm. Chức năng chủ yếu của đò là đưa khách qua sông Cần Thơ nhưng do tính chất phù hợp nhu cầu du lịch nên các chủ đò cũng tham gia đưa khách tham quan trên các tuyến đường dài. Do không ai quản lý nên việc chấp hành qui định về ATGT của đò ngang lỏng lẻo. Trong khi phương tiện này rất nguy hiểm khi gặp giông bão.
Khắc phục cách nào?
Để xây dựng “Bến đò an toàn”, theo qui định của Ban ATGT TP.Cần Thơ thì chủ phương tiện phải đăng ký tham gia vận chuyển hành khách và mua bảo hiểm. Trên phương tiện phải để ở mỗi băng ghế các dụng cụ cứu sinh phòng khi xảy ra sự cố, hành khách lấy kịp để sử dụng. Trước khi tàu, đò rời bến, chủ phương tiện phải nhắc hành khách những nguy hiểm trên sông nước và hướng dẫn cách sử dụng các dụng cụ cứu sinh. Nhưng xem ra rất ít chủ phương tiện chấp hành tốt những qui định này bởi các tàu và nhiều đò ngang có trang bị phương tiện, dụng cụ cứu sinh nhưng hầu hết đều cất kỹ. Đáng ngại nhất là đò ngang, loại xuồng ba lá có tay chèo và gắn máy. Do nhỏ gọn, chở được 3-4 người, linh hoạt khi đi vào kênh rạch nhỏ, giá lại phải chăng nên đa số khách tham quan du lịch rất thích sử dụng. Bên cạnh những suy nghĩ chủ quan của chủ phương tiện và cả hành khách khi cho rằng không cần áo phao, giao thông sông nước vẫn an toàn, theo Thượng tá Nguyễn Minh Chí, Trưởng công an quận Ninh Kiều, còn có lý do: “Lực lượng quản lý bến thiếu cương quyết trong qui định chủ phương tiện thực hiện những qui định về ATGT. Nhưng nói đi cũng phải xem lại, do bến bãi tạm giữ phương tiện để phạt không có. Đưa về lỡ chìm hoặc hư hao, mất mát thì phải bồi thường, nên rất khó cho lực lượng chức năng”.
Còn ông Trương Văn Ngon, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ, cho biết: “Đa số chủ đò ngang rất nghèo. Có người khóc khi bị phạt 100.000 đồng nên chúng tôi không nỡ làm quyết liệt. Tuy nhiên do hoạt động tự do, không bến bãi, không mua bảo hiểm, không trang bị áo phao đầy đủ nhưng vẫn tự bắt mối đưa đón khách du lịch, có khi đi tham quan hàng chục cây số nên nói dại, chẳng may xảy ra sự cố trên sông nước, khách lại không biết bơi, lúc ấy chẳng biết hệ quả sẽ như thế nào?”.
Để khắc phục, Thượng tá Nguyễn Minh Chí cho rằng: “Một mình Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ không thể “quản” hàng trăm đò ngang, đò dọc và các tàu thuyền. Do vậy, công tác ATGT đường thủy cần có sự quản lý của lực lượng liên ngành gồm: Cảnh sát giao thông thủy, thanh tra giao thông, quản lý đoạn đường sông và Công ty Du lịch. Đội liên ngành phải tổ chức kiểm tra thường xuyên. Cương quyết không cho xuất bến đối với những phương tiện thiếu dụng cụ bảo hộ. Với các đò ngang cũng vậy, nhưng theo tôi, chỉ không cho hành nghề đến khi họ chấp hành các qui định ATGT đường thủy”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Xử phạt ATGT đường thủy
Theo điều 55, nghị định 93/2013, về qui định xử phạt vi phạm hành khách không chấp hành các qui định về ATGT đường thủy: Từ ngày 15-10-2013, sẽ phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/ người không mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ cứu sinh khi tham gia giao thông đường thủy. Đối với chủ phương tiện và người điều khiển thì có mức phạt cao hơn tùy theo mức chở của phương tiện và mức độ vi phạm.
|
Bình luận (0)