Đã gần nửa thế kỷ qua, thế mà bến cũ con đò xưa vẫn chẳng đổi thay là bao. Cái bến nước hầu như miền làng quê nào cũng có, hễ là ở đó có hồ, có suối, sông hay biển cả. Bến nước là do con người quá trình sinh sống đặt tên cho nó và đã có từ lâu đời.
Đối với tôi, bến nước thật gần gũi thân quên như lắng sâu vào tâm khảm trái tim tôi. Dù ở đâu hay làm gì tôi luôn hướng về cái bến nước chứa chất, chôn chặt bao kỷ niệm.
Cái bến nước ấy, nằm trên bờ nam dòng sông Nan uốn khúc hiền từ, nước quanh năm trong xanh. Người làng tôi mỗi khi muốn đi công chuyện hay đi chợ bán buôn, đều phải qua bến đò ngang này. Chính con thuyền nan này nối làng tôi với con đường quốc lộ và làng xóm ở bờ bắc. Đôi bờ toàn là những màu xanh um tùm của cây cối. Nếu đi trên thuyền, dọc theo dòng sông thì không thể nhìn thấy những nếp nhà dân quê đâu, mà chỉ thấy một màu xanh bất tận ngút ngàn của lũy tre làng.
Suốt cả bốn mùa, bến nước là nơi sinh hoạt hàng ngày của người dân quê tôi. Đây là một nét đặc trưng văn hóa của một vùng quê thôn dã. Bến nước lúc nào cũng có người. Các bà hay các cô gái đôi mươi tay xách, hông bưng thau, vai gồng gánh ra bến sông giặt giũ. Các cụ hay các chị em phụ nữ xốc nắm dây khoai, rổ cỏ cho trâu bò ăn sau thời gian cày đồng khó nhọc.
Thường đôi bờ sông có bên bồi bên lở. Ở bến bên kia bờ sông dốc đứng, sâu hoắm vì thế sinh hoạt của người dân thưa thớt hơn. Trẻ con hầu như không đi ra bến một mình nếu không có người lớn đi cùng. Phía bến sông làng tôi hơi thoai thoải – bởi bên bồi mà. Bến nằm ngay cân đối giữa làng như chia đôi cái xóm nhỏ thành xóm trên xóm dưới. Bến sông đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa mang đầy ý nghĩa cuộc sống của người dân làng tôi. Nhất là vào mùa hè, trời nắng chang chang khó chịu của thời tiết miền Trung, được ngâm mình dưới làn nước trong xanh của dòng sông thì sảng khoái vô cùng, làm dịu đi cái nóng nực, vất vả của ngày đồng áng.
Bến nước gợi bao kỷ niệm khó quên. Ngày trước, chúng tôi mới học tiểu học trường làng độ lớp hai, lớp ba, hễ chiều nào không ra bến nước tắm cho trâu bò, thì cũng rủ nhau tốp ba, tốp bảy tập bơi ngụp lặn. Có một lần hơn chục đứa chúng tôi tắm chung bến trong đó có một người con gái mà cả làng thường gọi là Giang tây thi, là người con gái xinh đẹp nhất làng đang học cấp ba trường huyện ở ngoài thị trấn Ba Đồn. Cái bến nước xưa kia làm gì có nơi kín đáo để thay đồ trang phục. Hai bên bến toàn những lùm dứa dại xen kẽ những cụm tre, cây bần, cây bún, cây sung… Thế là cô Giang chủ quan, coi bọn trẻ còn nhỏ. Lệnh cho bọn này tất phải nghe lời, rồi sẽ làm việc riêng của mình xong ngay thôi mà. Cô nói to: “Nào, bọn trẻ dưới nước lên đây tập trung một hàng sát mặt nước, tất cả quay mặt ra bờ sông rồi nhắm mắt lại, khi nào cô ra lệnh mở mắt thì tất cả lao ra sông, ai nhanh sẽ được thưởng kẹo” – tất nhiên đứa nào cũng có. Thế là cả lũ chúng tôi răm rắp làm theo. Chừng khoảng mười giây, tự nhiên thằng Chiến bờm hét lên một tiếng: “Ông Đôi”. Thế là cả bọn… Trời ơi! Quay đầu lại dương tròn mắt lên bến, không thấy ông Đôi đâu cả mà chỉ thấy cô Giang. Cô vì quá bất ngờ nên đứng đực ra như một pho tượng trời trồng, tay cầm một chiếc yếm mỏng màu hồng trên bàn tay. Cô hét lên: “Tao bắt đền đấy, chúng mày…”. Thấy vậy, tất cả bọn trẻ lao như điên ra sông làm nước bắn tung tóe, nhiều thằng va vấp vào nhau lăn quay. Mấy thằng khác còn uống phải vài ngụm nước ho sặc sụa. Sau khi bến nước trở nên yên ổn, tôi hỏi thằng Chiến bờm: “Có ông Đôi ba bị đâu mà mày hét tướng lên thế?”. Nó bảo: “Là hình như nghe tiếng ông a hèm thì phải, mình sợ ông ấy quá mà”, nó nói mà người cứ run bắn lên. Ở xóm nhỏ chúng tôi, những đứa trẻ nào lớn lên không ai không biết “tước hiệu” của ông Đôi là “ba bị”. Lũ trẻ nghe đến tên ông là ớn lạnh hết cả người, im bặt tiếng, nen nét chạy trốn không ra mặt. Tiếng là thế, nhưng quả thực ông là một con người rất hiền hậu, rất thương các cháu nhỏ. Chỉ có giọng nói hơi to, sang sảng. Khi nói mặt cứ tỉnh bơ, khó mà phân biệt đâu là thật giả. Dáng người cao to, phốp pháp. Ông đi đâu hay làm gì, trong túi áo bà ba đen đều có một chiếc dao cạo kiểu Trung Quốc sắc, sáng quắc mát lạnh, có một bộ kim chỉ bỏ trong một chiếc túi vải thắt gọn nhẹ. Ngoài nghề làm nông ra, ông còn có tay vặt riêng, là giúp đỡ bà con trong lối xóm hoạn, thiến một số con vật nuôi như: trâu, bò, lợn, gà… Lũ trẻ trong làng bị các ông bà, anh chị lớn tuổi hù dọa, nếu không ngoan hay khóc thì ông Đôi “ba bị” ấy sẽ mổ bụng, thiến mất cái giống của quý trời cho ấy. Thế là cứ thành lệ thói quen, hễ trong nhà có trẻ con khóc nhè, biếng ăn, ít vâng lời thì vin vào biệt hiệu của ông để dỗ dành cháu nhỏ. Đến nay chúng tôi đã nửa đầu tóc bạc, nhiều đứa đã thành đạt ở xa làng, thế mà mỗi khi nhắc đến chuyện tắm ở bến nước thì không ai nhịn được tiếng cười khoái cảm trẻ thơ hồi nào. Rồi câu chuyện cứ lan truyền một thời ở cái xóm nhỏ ven sông này.
Bến nước về đêm hè cứ mát rười rượi, gió mang hơi nước từ dưới sông lên, phả vào người man mác dễ chịu. Ánh trăng soi trên bãi cát vàng rộm, có pha lẫn sỏi màu bạc trắng cứ lung linh, chập chờn hoa mỹ. Trên đám cỏ xanh nước lợ, có khi vài tốp thanh niên tụ tập bên chai rượu trắng là sản phẩm quê hương nhâm nhi vài chén, nói chuyện tào lao rồi chuyện đời sống hàng ngày. Có khi dưới ánh sao trời, bến sông cũng làm mối tơ duyên chứng giám cho bao cặp trai gái thanh niên làng thành đôi lứa vợ chồng.
Ngày nay, mỗi khi gặp lại những người bạn, họ hàng làng xóm, các ông bà thường nhắc lại cái ngày gian khó thuở trước. Rồi có lời phân bua: “Nay đất nước đang trên đường đi lên, đời sống bộ mặt nông thôn đổi mới nhiều. Thế mà cuộc sống tình quê có một cái gì đó thiếu tự nhiên mến mộ, không bằng trước đây”. Nhiều cụ bảo: “Ngày xưa, ở bến sông Đông Hà, dưới ánh trăng sao trời, tiếng sáo trúc trong đêm thanh bình sao mà lắng sâu đến vậy. Nó gợi vào trong tâm hồn người dân mộc mạc, cần cù, chịu thương, chịu khó như nhắc nhủ con người sống luôn có tình yêu thương”.
Rồi cũng bến nước ấy, đã chứng kiến bao nhiêu chiến tích, thăng trầm của lịch sử trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Thời Pháp thuộc, làng Hà Sơn là một trong những địa bàn cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng. Thực dân Pháp thông qua bọn Việt gian, tay sai dẫn đường, dùng ca nô vào bến đậu rồi đi càn quét. Chúng vào thôn lùng sục khắp nơi, chẳng thấy một bóng người, bèn đốt cháy trụi cả làng. Sau cuộc càn quét ấy lòng dân đầy căm phẫn, dựng lại nhà, xây dựng lại cuộc sống, lập làng kháng chiến chống Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bến sông này cũng được mang danh là bến đạn. Bởi lẽ trên bến có một cái kho lớn, chứa hàng ngàn tấn đạn dược để vận chuyển vào Nam đánh Mỹ. Con đường này nhỏ hẹp không dùng xe ô tô vận tải đi, mà chỉ là một đường bộ đi tắt hành quân của quân giải phóng, thanh niên xung phong ba sẵn sàng. Đây là đường rẽ dọc con đường Trường Sơn, nhằm phân tán lực lượng, làm giảm bớt thiệt hại trong chiến tranh.
Rồi theo thời gian, lũ trẻ làng lớn lên. Cây sung già ở bến sông cũng chứa đầy bao kỷ niệm. Thân cây xù xì, oằn oại chếch ra sông. Rễ bành vươn ra đầy gốc cây trên mặt đất thành những chang. Ngày xưa không có vật liệu sản xuất hiện đại như bây giờ, các cụ thường lấy rễ cây để làm bánh xe cút kít, xe bò chuyên chở vật liệu sản xuất nông nghiệp. Cành lá của cây sum suê mát, là nơi dừng chân của khách bộ hành qua đò ngang. Lũ trẻ làng thường trèo lên hái quả sung xơi ngay tại chỗ. Một số khác hái quả tươi rói xanh trơn đem về nhà chấm ruốc tôm hay mắm nhỏ, thành một món ăn đặc sản quê hương. Sung có nhiều loại: sung nếp, sung tẻ, sung trâu… Riêng dọc bến sông này chỉ có độc nhất một loại sung nếp, nhìn bề ngoài, vỏ cây có màu bạc trắng, nếu sờ vào thì dính một lớp bột trắng ở tay. Quả có màu hơi xanh bạc khi còn non, đến khi chín quả có màu hồng sẫm. Đến mùa thu vui thú thả diều thì thân cây đầy rẫy những vết hằn. Lũ trẻ khứa những nhát dao để lấy nhựa cây phết cánh diều, nhựa khi mới tứa từ cây ra có màu trắng đục, để vài phút sau chuyển sang màu tím hồng. Chúng tôi cũng thường lấy chất keo dính đó để dán đồ chơi như cánh quạt chong chóng, rồi các bìa sách vở, dán ép những cánh hoa vào trang vở viết, làm thủ công. Phía ngoài có một nhành cây choài ra trên mặt sông, cách mặt nước chừng năm đến sáu mét. Nó trở thành một dụng cụ, phương tiện, thú vui cho bọn thanh niên luyện tập binh nghiệp, đầy khó khăn gian khổ. Cho đến ngay cả bây giờ, tuy tuổi đã cao, nhưng tôi vẫn muốn thử mình cái cảm giác của tuổi thanh xuân ấy. Dưới bóng cây, các cụ chẻ tre đan lát, vót những nan tre làm đồ dùng sinh hoạt trong đời sống như rổ, thúng, mũng, dần, sàng có khi kết tay sáo dài, đến những chiếc lờ xinh xắn đơm cá tôm…
Cái bến nước nhiều khi cũng dùng để làm chuyện tâm linh. Ngày xưa ở bến sông này có một cái miếu nhỏ, gọi là miếu ông Hai hay miếu Đầu Chó – dân làng thường gọi vậy. Chuyện kể rằng: – Dân làng làm nương rẫy chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào đất trời, được chăng hay chớ. Mùa màng thường là thất bát, làm nhiều mà chẳng có thu hoạch.
Có một năm, nắng hay gắt. Ruộng đồng khô hạn nứt nẻ, cây cối đa phần là chết, lúa hoa màu trồng trọt không có để thu hoạch. Dân tình đói khổ phải vào rừng đào củ mài, hái rau, lượm quả để sống qua ngày. Ở phía đầu làng, có một ông tên là Hai. Ông có một dáng người to lớn lực lưỡng, nước da đỏ áu, sức khỏe phi thường. Tục truyền: Có hai con trâu ở hai làng đánh nhau, một con là của làng bên, con kia là của ông Hai – làng tôi. Cả làng đổ ra rất đông xem trâu chọi nhau. Ông Hai lo lắng bởi trâu của ông khỏe hơn, nếu húc chết con trâu kia thì biết ăn nói thế nào với làng bên, không khéo gây xích mích, mất đoàn kết giữa hai làng. Lúc đang cơn say giao tranh của trâu, ông lẳng lặng đi vào giữa thế giằng co hai con trâu. Nhanh như cắt, hai tay nắm lấy hai sừng của hai con trâu tách ra. Cuộc đọ sức ấy kết thúc. Cả làng nhìn thấy mà khiếp đảm cái thần lực ghê gớm của ông, ngợi khen ông Hai hết lời. Vì thế ông được truyền tụng đời này qua đời khác ở quê tôi. Rồi có một lần, cày bừa ở ruộng, chân trâu lấm đầy bùn, thế là ông nách cả con trâu chao chân cho sạch sẽ.
Cả làng đều biết công ơn giúp đỡ của ông. Ngày trước làm gì có những con đập, hệ thống mương máng như bây giờ. Ông cùng trâu lên rừng đốn những cây gỗ to, mổ làm máng nước rồi nối lại với nhau, dẫn nước từ trong khe núi về cho dân làng dùng. Vì vậy về sau, năm nào dân làng cũng đều được mùa, đời sống người dân được no ấm hơn. Thế rồi một hôm vào trung tuần tháng 6 những cơn mưa ngàn ập xuống. Nước lũ tràn về biến làng mạc đồng quê thành đất trắng. Số người sống sót không đến một nửa. Riêng ông Hai hôm đó ra bờ sông trông trâu, không may bị dòng nước lũ cuốn phăng mất tích. Mùa trăng năm sau, người dân phát hiện ở bến nước có một con rắn hổ mang to bằng cái chày giã gạo, dài gần tám thước đang cuốn một con chó. Con chó nằm gọn trong vòng khoanh của rắn. Mọi người không ai dám động tới. Ngày hôm sau không thấy rắn và chó đâu mà chỉ thấy một nấm mối dựng cao hơn hai mét, hình ngôi miếu. Dân làng ngỡ ngàng suy đoán: chắc ông Hai về thăm làng rồi mang cả con chó theo. Trời vẫn còn hạn, cây cối úa vàng vì thiếu nước. Vào thời gian đó, bà con xóm làng cũng làm lễ hoàn thành chiếc miếu thờ ông Hai. Đột nhiên trời đổ cơn mưa dông, nước trắng cả ruộng đồng, cây cối hoa màu xanh tươi trở lại. Năm ấy cả làng được mùa bội thu, phấn khởi tươi vui. Thế rồi cứ hàng năm ở quê tôi, dân làng đều làm mâm cỗ để thờ cúng trời đất, ông Hai để cầu an cho mưa thuận gió hòa, con người bình an. Qua bao thăng trầm biến cố của thời gian, thiên nhiên lịch sử, ngôi miếu ở bến nước không còn nữa, nhưng nó vẫn là một truyền thuyết riêng của làng tôi.
Bến nước đã đi sâu vào tiềm thức của người dân quê tôi. Nó như một nếp sống văn hóa thường nhật, không thể thiếu được của mỗi miền quê thôn dã. Chính bến nước là nơi chứa chất bao kỷ niệm, niềm vui và nỗi buồn mỗi con người. Bến nước, con đò đã gửi gắm bao chuyện tình làng nghĩa xóm và cả những chuyện khắp bốn phương. Bến quê như người mẹ hiền cần mẫn, dịu dàng, chăm bẵm giúp những con người lớn lên, ngày một trưởng thành. Một nét quê hương ấy gợi bao lời nhắc nhở mỗi chúng ta về tình quê, đất nước.
Mai Xuân Hợp (Quảng Bình)
Bình luận (0)