Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Bên trong nhà máy sản xuất smartphone tự động, không có công nhân vận hành

Tạp Chí Giáo Dục

Xiaomi vừa mở cửa một nhà máy sản xuất smartphone thông minh, có thể hoạt động hoàn toàn tự động mà không cần công nhân vận hành, với quy mô sản xuất 10 triệu chiếc mỗi năm.
Nhà đồng sáng lập và CEO Lôi Quân của Xiaomi vừa thông báo mở cửa một nhà máy sản xuất smartphone thông minh, được vận hành hoàn toàn tự động bằng hệ thống máy móc, robot.
Bên trong nhà máy sản xuất smartphone thông minh không cần công nhân của Xiaomi 
Nhà máy sản xuất thông minh này có diện tích 80.000 mét vuông, nằm tại quận Xương Bình, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Xiaomi đã đầu tư 2,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 336 triệu USD) để phát triển quy trình sản xuất tự động bên trong nhà máy này.
Nhà máy có khả năng hoạt động liên tục 24/7, với 11 dây chuyền sản xuất cho sản lượng 10 triệu smartphone mỗi năm. CEO Lôi Quân cho biết đây sẽ là nhà máy được sử dụng để sản xuất các mẫu smartphone màn hình gập thế hệ mới của Xiaomi, bao gồm MIX Fold và MIX Flip.
Nhà máy thông minh này không chỉ tự động trong quá trình sản xuất smartphone, mọi quá trình dọn dẹp vệ sinh, khắc phục sự cố, tối ưu hệ thống sản xuất… bên trong nhà máy cũng được thực hiện hoàn toàn tự động bằng các hệ thống robot. Các hệ thống tự động bên trong nhà máy cũng được tích hợp trí tuệ nhân tạo, giúp tối ưu và tăng độ tự động hóa lên mức tối đa.
Bên trong "Phòng chiến tranh" của nhà máy sản xuất smartphone thông minh Xiaomi
Xiaomi cho biết việc tích hợp hệ thống AI bên trong nhà máy thông minh này cũng sẽ giúp dây chuyền sản xuất tự "tiến hóa" theo thời gian, giúp tăng tốc độ sản xuất và tăng sản lượng.
Dù không có công nhân làm việc và giám sát trực tiếp tại các dây chuyền sản xuất, mọi quá trình hoạt động của nhà máy thông minh này được các kỹ sư của Xiaomi giám sát tại căn phòng mà CEO Lôi Quân đặt cho tên gọi "Phòng chiến tranh".
Các kỹ sư của Xiaomi sẽ giám sát các thông số, tình trạng hoạt động các dây chuyền sản xuất của nhà máy trên một màn hình lớn lắp đặt bên trong căn phòng này để có thể xử lý nhanh nhất các vấn đề phát sinh xảy ra.
Đây không phải là nhà máy sản xuất smartphone thông minh và tự động đầu tiên của Xiaomi. Đầu năm 2019, hãng đã mở cửa một nhà máy thông minh tại khu công nghệ cao Dịch Trang, phía đông nam Bắc Kinh. Nhà máy này được sử dụng để sản xuất các mẫu smartphone cao cấp như Xiaomi 13.
Tuy nhiên, xét về mức độ thông minh và tự động hóa, nhà máy này không thể sánh được với nhà máy thông minh vừa được Xiaomi mở cửa tại quận Xương Bình.
Không chỉ Xiaomi, nhiều hãng công nghệ cũng đang ứng dụng robot và quá trình tự động hóa vào bên trong các nhà máy sản xuất, một động thái giúp tăng sản lượng và tiết kiệm chi phí.
Chẳng hạn như Foxconn, đối tác sản xuất iPhone lớn nhất của Apple, đã cắt giảm 60.000 công nhân lắp ráp iPhone để thay thế bằng hệ thống máy móc tự động với khả năng hoạt động 24/7.
Hãng thương mại điện tử Amazon cũng đã tăng cường sử dụng máy móc tự động trong kho bãi của mình, với lượng robot được áp dụng từ 350.000 vào năm 2021 lên 750.000 tính đến tháng 6/2023.
Việc ứng dụng hệ thống tự động và robot vào sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp do các công nhân bị robot chiếm mất công việc. Các doanh nghiệp luôn ưu tiên tối ưu dây chuyền sản xuất và lợi nhuận.
Do vậy, thực trạng con người bị robot chiếm mất công việc là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian ngắn sắp đến.
NN (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)