Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bến xe an toàn – văn minh: Bao giờ?

Tạp Chí Giáo Dục

Hành khách đến mua vé tại BXMĐ sáng 28-9

Sáng ngày 28-9, Ban VH-XH HĐND TP.HCM do bà Trần Thị Ngọc Anh làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát và làm việc cùng lãnh đạo Bến xe Miền Đông về công tác triển khai và xây dựng “Bến xe an toàn – văn minh”.
Môi trường phức tạp
Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông (BXMĐ) là đơn vị quản lý khai thác, kinh doanh bến xe khách để phục vụ vận tải hành khách đi – về 49 tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời cũng là đầu mối giao thông công cộng, phục vụ sự đi lại của hành khách trên địa bàn TP. Bến xe hoạt động 24/24 giờ, mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt xe khách liên tỉnh đến và đi với hơn 40.000 lượt hành khách, hơn 3.000 lượt xe buýt, taxi và hàng ngàn phương tiện thô sơ khác. Đây cũng là địa điểm mà các đối tượng có âm mưu phá hoại nhắm tới như rải truyền đơn, gây cháy nổ… Xung quanh và bên trong bến xe hàng ngày có nhiều người sống bằng nghề buôn bán hàng rong, ve chai, xe ôm, ăn xin… đã gây khó khăn cho bến xe trong việc ổn định trật tự, đào tạo nâng cao ý thức phục vụ hành khách. Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc BXMĐ cho biết: “Từ năm 1981 đến nay, BXMĐ đã trải qua 5 đời giám đốc thì trong đó có hai người bị bắt giam và truy tố trước pháp luật! Nếu nhìn lại hơn 5 năm qua, khi đó bến xe bình quân khoảng 600 xe hoạt động trong ngày, cơ sở vật chất chỉ là bãi đá và sình lầy, hàng rào tiếp giáp với khu dân cư bị đục lỗ qua lại không kiểm soát được. Trong bến từ cổng trước đến cổng sau là đường lưu thông của mọi người qua lại giữa quốc lộ 13 – Đinh Bộ Lĩnh nên rất phức tạp, mất trật tự trị an, trộm cắp lừa đảo, băng nhóm bảo kê, cho vay nặng lãi, số đề, gái điếm… hoạt động công khai. Nhiều lượt bảo vệ bị tấn công trong lúc làm việc, hoặc bị chặn đánh gây thương tích, hành khách, nhà xe thường xuyên bị bắt chẹt, hành hung”. Trước những khó khăn trên của BXMĐ, ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM đặt vấn đề: “Hiện nay công ty đang quản lý trên 400 người hành nghề xe ôm trong bến và số người hành nghề xe ôm tự phát bên ngoài bến xe, con số cũng ngang bằng. Công ty làm cách nào để “quản” được những người hành nghề này? Việc nổi cộm về dọa nạt, bắt ép khách phải đi xe ôm, cũng như quát giá trên trời đối với những người từ tỉnh, thành khác về TP.HCM công tác, học tập, công ty có biết không?”. Những vấn đề đặt ra như: “An toàn thực phẩm, người buôn bán hàng rong, rác thải trong bến do nhà xe vô tư thải xuống, nhà vệ sinh… liệu có đảm bảo hay không?” – đại biểu HĐND TP Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP) hỏi thêm.
Xây dựng bến xe an toàn – văn minh
Trước những vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thừa khẳng định: “Khi nhà ga mới được đưa vào khai thác và sử dụng năm 2004, BXMĐ bắt đầu củng cố tổ chức, tập trung xây dựng lực lượng bảo vệ cơ sở, phối kết hợp tốt với quận Bình Thạnh và hàng năm xây dựng các kế hoạch phối hợp chuyển hóa địa bàn. Lực lượng bảo vệ làm việc 24/24 giờ để đảm bảo an ninh trật tự cho hành khách và phối hợp tốt với công an quận, phường 26 trấn áp các băng nhóm tội phạm, kiểm soát số người hành nghề chạy xe ôm đã đăng ký và tự phát”. Phó trưởng Công an quận Bình Thạnh, ông Thái cho biết thêm: “Những tệ nạn xã hội trong những khu vực nhạy cảm như bến xe, chợ là không tránh khỏi nhưng sự phối kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa BXMĐ và các lực lượng công an quận, phường, dân phòng linh hoạt và chủ động mà các tệ nạn tại bến xe đã cơ bản được “khống chế”. Điển hình cho sự phối kết hợp đó là người dân, bảo vệ bến xe trong những năm qua đã tố giác, phát hiện nhiều vụ buôn bán ma túy, bảo kê, cho vay nặng lãi, buôn lậu, tội phạm hình sự… Điều trăn trở của lãnh đạo công an quận, để xây dựng và giữ vững thành tích là một bến xe văn minh – an toàn thì phải làm sao không để xảy ra những vụ trọng án, cháy nổ”.
Kế hoạch của TP và Tổng công ty Vận tải Samco, giai đoạn 2010-2015 BXMĐ mới sẽ được xây dựng trên địa bàn quận 9 và một phần thuộc huyện Dĩ An, Bình Dương với tổng số vốn đầu tư trên 3.600 tỷ đồng. Bến xe hiện hữu sẽ là nơi trung chuyển hành khách, tuyến xe buýt… nhưng không vì thế mà sao nhãng việc phục vụ nhân dân. “Trong thời gian tới BXMĐ sẽ xây dựng hai tòa nhà ba tầng làm nơi gửi xe cho khách và chấn chỉnh, đầu tư trang phục cho những người bán hàng rong. Các điểm kinh doanh trong BXMĐ phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có giấy chứng nhận của cơ quan y tế mới được kinh doanh. Các mảng xanh (bồn hoa, cây cảnh) rác thải của khách và nhà xe sẽ được chăm chút mở rộng thêm và tuyên truyền tới từng người dân và nhà xe” – ông Nguyễn Tiến Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Samco) cho biết thêm. Để xây dựng BXMĐ thực sự “an toàn – văn minh”, bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP lưu ý: Chỉ tiêu bến xe an toàn văn minh và việc quy hoạch lại BXMĐ theo hướng văn minh hiện đại là một chủ trương đúng, song để đạt được điều đó, cần có sự hỗ trợ đồng bộ và tích cực giữa các bên liên quan. Cụ thể là giải quyết từng phần tiến tới dứt điểm các hiện tượng xe dù, bến cóc, hàng quán, vệ sinh đường sá… CB, CNV của bến xe phải nghiêm túc chấp hành nội quy, nghị quyết của cơ quan, thực hiện nếp sống văn minh nơi công sở, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải tôn trọng, ân cần phục vụ hành khách.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)