Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bến xe Miền Đông: Không có việc dung túng cho hàng rong “chui”

Tạp Chí Giáo Dục

Sĩ tử đón xe về sau khi thi xong CĐ. Ảnh chụp tại Bến xe Miền Đông chiều 17-7

Vì vấn đề an sinh xã hội mà gần 80 đối tượng bán hàng rong có đăng ký được phép buôn bán các mặt hàng theo quy định của Bến xe Miền Đông. Tuy nhiên, đó lại là cơ hội để một số đối tượng hàng rong “chui” trà trộn dẫn tới có những hành xử thiếu văn hóa trong buôn bán khiến mất lòng tin của hành khách mà Giáo dục TP.HCM số ra ngày thứ tư 9-7 đã có bài phản ánh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Dung – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông khẳng định: “Sự tồn tại của hàng rong “chui” là một thách thức lớn đối với uy tín của công ty chúng tôi. Tuy số lượng đối tượng này đã giảm nhưng việc phát hiện và xử lý việc họ lén lút quay trở lại bến cực kỳ khó khăn”.
PV: Thưa bà, tại sao việc bán hàng rong vẫn tồn tại trong khu vực Bến xe Miền Đông trong khi đã có nhiều văn bản quy định cấm những đối tượng này buôn bán tại các bến xe?
Bà Nguyễn Thị Thanh Dung: Từ năm 2008 trở về trước, số lượng hàng rong có đăng ký hoạt động trong bến xe có hơn 300 người, bán rong các mặt hàng: Nước giải khát, bánh mì, sách báo, ví da, móc khóa… Trong suốt 5 năm qua, nhiều đối tượng có hành vi dắt khách, lên xe bán hàng, “ép” mua nước, dọa nạt hành khách, mua bán không đúng mặt hàng đã đăng ký, chửi bới, đánh nhau… đều bị chúng tôi tịch thu thẻ hành nghề và cấm tuyệt đối không được quay trở lại bến xe buôn bán. Việc ngăn chặn, xử lý diễn biến khá phức tạp bởi đa số họ mưu sinh tại bến xe mấy chục năm qua từ khi còn trẻ đến nay, có người đã lên chức bà nội, bà ngoại. Đa số các gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn, ít được học hành, thói quen ăn nói lớn tiếng và họ không muốn ràng buộc bởi bất cứ sự quản lý nào.
Nhận thấy trách nhiệm phải chia sẻ với cộng đồng nên công ty chúng tôi không thể cấm đoán họ buôn bán vì hàng rong từ lâu đã là nghề nuôi sống gia đình họ và bản thân họ cũng không đủ khả năng, trình độ để chuyển nghề khác. Thay vào đó, chúng tôi quyết tâm lập lại trật tự và quản lý hàng rong một cách bài bản hơn như trang bị áo đồng phục, cấp bảng tên để dễ nhận diện, cấp xô đựng nước… trên xô ghi rõ mã số thẻ, đơn giá của 6 sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giúp cho hành khách yên tâm được mua đúng giá.
Vậy theo bà có hay không có sự dung túng hàng rong “chui” dẫn tới việc một số đối tượng giành giật xé vé, “ép” khách mua nước với giá “cắt cổ” gây hoang mang cho hành khách?
Chúng tôi tự tin để khẳng định rằng không có việc bảo kê, dung túng cho hàng rong “chui” để lấy giá “cắt cổ” của hành khách. Bởi vì việc ngăn chặn hàng rong “chui” không ngày nào mà chúng tôi không thực hiện. Trên thực tế, số người bán hàng rong vi phạm không được buôn bán trong bến xe (tạm gọi hàng rong “chui”) vẫn dùng mọi cách trà trộn trong vai hành khách, chở hàng hóa hoặc đưa người nhà về quê để vào bến xe. Lợi dụng thời điểm lực lượng bảo vệ tập trung sắp xếp xe, hướng dẫn hành khách lúc cao điểm để chèo kéo khách mua nước với giá cao.
Hiện tại, chúng tôi vẫn theo sát sao 12 đối tượng hàng rong “chui”, hầu hết là phụ nữ có tuổi, dày dạn “kinh nghiệm” vì đã từng buôn bán hàng rong trong bến xe. Số đối tượng này sẵn sàng chống đối, chửi bới, vu khống lực lượng bảo vệ đánh đấm họ, sàm sỡ họ trong khi lực lượng này đang làm đúng nhiệm vụ. Tuy nhiên, công tác này đôi khi chưa làm tập trung, thiếu đồng bộ và cương quyết, một phần do pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể biện pháp chế tài để xử lý hiệu quả các đối tượng này. Sau khi đưa các đối tượng này ra công an phường xử lý hành chính xong, họ lại tìm cách vào bến xe, lợi dụng sơ hở để chèn ép một vài hành khách nhẹ dạ cả tin, thiếu cảnh giác. Vì thế, đó không phải là hiện tượng phổ biến, chỉ là “một con sâu làm rầu nồi canh” và chúng tôi luôn cương quyết để loại trừ những phần tử không tốt trong bến xe, đảm bảo cho hành khách có những chuyến đi an toàn, thoải mái và vui vẻ.
Dư luận đang tỏ ra lo ngại số lượng sĩ tử đổ về TP.HCM tham gia các kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm sau sẽ giảm hơn năm trước chỉ vì sợ “đụng” phải hàng rong “chui”. Bà nghĩ sao về điều này?
Chúng tôi rất lấy làm tiếc chỉ vì một số đối tượng làm trái quy định dẫn tới mất lòng tin của hành khách. Chúng tôi luôn nhắc nhở bảo vệ, những người bán hàng rong có đăng ký rằng mỗi người là một “giám sát viên” nhằm phát hiện và tố giác những phần tử bán hàng rong “chui” để chúng tôi kịp thời xử lý. Trong 3 đợt thi ĐH-CĐ 2014, ngoài sự giám sát của bảo vệ, chúng tôi còn được sự hỗ trợ của các bạn trong đội hình tiếp sức mùa thi. Cũng nhờ vậy mà số trường hợp bị chèn ép giảm đáng kể. Bằng hành động cương quyết không phát triển về số lượng hàng rong trong bến xe mà tập trung quản lý thật chặt chẽ số đối tượng này làm đúng quy định của công ty, đến nay mọi hoạt động của bến xe vẫn diễn ra thông suốt và đảm bảo sự hài lòng nhất có thể đối với hành khách. Đến 2017, khi Bến xe Miền Đông được quy hoạch dời về hoạt động tại Bến xe Suối Tiên (Q.9) sẽ triệt để ngăn cấm không để bất kỳ một người bán hàng rong nào hoạt động.
Xin cảm ơn bà!
Đặng Lộc (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)