Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Bến xuân Sài Gòn

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyển dưa hấu lên bờ tại bến Trần Xuân Soạn (Q.7)
Ngoài sắc hoa, các bến sông giữa lòng Sài Gòn những ngày này còn ngập tràn hương sắc trái cây từ miền Tây đưa về. Hoa trái trên bến dưới thuyền như những bến xuân nô nức đến sớm…
Niềm vui trên những chuyến ghe
Chúng tôi có mặt tại bến Bình Đông (Q.8) từ rất sớm. Hàng chục chiếc ghe lớn, nhỏ đã cập bến từ bao giờ. Trên vài chiếc đã có người thức dậy chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Số ít người còn tranh thủ ngủ bù sau một đêm thức trắng theo con nước chòng chành. Còn trên bờ, thương lái, chủ vựa ngồi bên bình trà nóng hổi đợi hàng.
Nhịp sống hối hả ở bến sông khác hẳn ở những phố xá đã được trang hoàng chào đón năm mới. Cái nắng nhẹ của Sài Gòn chưa đủ làm ấm hàng trăm con người đang hì hục chuyển trái cây từ ghe lên bờ. Tiếng nói cười của người mua kẻ bán như “đánh thức” cả một bến sông. Có lẽ vì ngủ chưa đủ giấc nên một thanh niên tiếp tôi trên chiếc ghe chở dưa hấu đến từ Bến Tre vẫn còn ngái ngủ, ngáp vắn ngáp dài liên tục. Chiếc áo trái anh đang mặc cũng là một minh chứng cho điều đó. Rít một hơi thuốc thật dài, nhả khói nghi ngút, anh cho biết mình tên Nguyễn Văn Cảm, quê huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Làm vườn đã hơn 10 năm nhưng đây là chuyến đầu tiên anh đưa trái cây về thành phố nên lo lắng mà… mất ngủ. “Nhiều năm trước vì tôi chưa mua được ghe nên đến mùa là bán tại vườn. Hai năm nay trái cây trúng mùa lại được giá nên tôi có điều kiện mua chiếc ghe này, trị giá 300 triệu đồng”, anh Cảm nói như khoe.
Chiếc ghe anh Cảm chở gần 2 tấn dưa hấu, đi cùng anh còn có hai người làm thuê. Vì giá trị chuyến hàng lớn, cả một gia tài của người làm vườn, đây cũng là lý do mà mọi người phải thức trắng, vừa cảnh giác cướp và vừa đề phòng tai nạn giao thông thủy. Anh Cảm cho biết mùa vụ dưa hấu cuối năm 2013, ước tính gia đình anh thu hoạch khoảng 8 tấn dưa. Nếu giá cả ổn định, trừ mọi chi phí thuê đất, giống và chuyên chở sẽ thu lợi hơn 100 triệu đồng. Anh Cảm hồ hởi: “Trời thương năm nay dưa hấu được mùa, nông dân phấn khởi lắm”.
Trò chuyện với chúng tôi nhưng anh Cảm xem đồng hồ liên tục, cảm giác như các anh đang chạy đua với thời gian. Anh giục mọi người bốc hàng nhanh để kịp quay về đưa trái cây lên lại. Chưa đầy hai giờ, hàng đã được cho vô cần xé để cân và chuyển lên xe tải, xe ba gác về các chợ sỉ. Bữa sáng của các anh cũng được diễn ra trên ghe khi bắt đầu xuôi dòng.
Chúng tôi ngược về dòng kênh Tẻ (Q.7), nơi được mệnh danh là điểm tập kết trái cây lớn nhất Sài Gòn. Trái cây ở đây rất phong phú mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Chín Rồng như chuối, khóm, dưa hấu, cam, bưởi, đu đủ, mãng cầu, dừa… Từ xa, sắc màu của trái cây hiện lên như một bức tranh đẹp. Ông Lê Thanh Quý, 81 tuổi, người sống tại đây từ trước năm 1975, nói: “Chưa bao giờ trái cây về thành phố nhiều như bây giờ. Mọi năm, ghe thuyền tấp nập chỉ từ 20 tháng chạp trở đi, năm nay lên sớm, mỗi ngày có không dưới 50 chiếc cập bến”. Chỉ tay về hướng đường Trần Xuân Soạn, ông Quý nói tiếp: “Còn mấy chiếc đã lên từ khuya nhưng vì ghe nhiều quá chưa bốc hàng kịp nên phải neo tạm bên đó”. Theo hướng tay ông Quý, chúng tôi thấy gần chục ghe đầy ắp trái cây mang biển kiểm soát các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp… Người trên ghe luôn dõi mắt về bờ bên này chờ tín hiệu của người quản lý bến.
Đêm chóng qua

Sau khi chở trái cây lên Sài Gòn, những chuyến ghe ngược về miền Tây đầy ắp hàng
Bến Bình Đông bên kênh Tàu Hũ hay bến Trần Xuân Soạn trên kênh Tẻ, chỉ hương sắc trái cây thôi cũng đã đủ thấy một mùa xuân đến sớm. Với những phận người thức trắng ở bến sông, đêm sẽ chóng qua nhờ nhịp sống tất bật chẳng lẫn vào đâu được. Niềm vui không chỉ có ở các thương lái, chủ vựa hay nhà vườn mà còn lan sang những người khác. Nhà vườn được mùa thì cái Tết của những người sống bằng nghề chuyên chở, bốc vác cũng ấm no. Lượng trái cây về các bến nhiều và sớm hơn mọi năm nên đội quân làm việc thời vụ cũng đã được tăng cường cả ngày lẫn đêm. Mỗi bến có trên dưới năm nhóm bốc vác thuê. Nhóm được thương lái trả lương ngày, cũng có nhóm hưởng thù lao theo chuyến hoặc theo số lượng (tấn) hàng. Theo đó, đội quân này túc trực 24/24, ghe cập bến giờ nào thì làm việc giờ đó. Anh Trần Văn Thảo (ngụ Q.8) cho biết: “Dù chỉ làm trong tháng cuối năm nhưng thu nhập cũng khá. Nếu chịu khó làm đêm, một tuần cũng kiếm được 1,5 triệu đồng”. Ngoài thù lao bốc hàng, nhiều người được chủ vựa tin tưởng giao cho việc giữ hàng qua đêm, mỗi đêm từ 300-400 ngàn đồng, tùy vào số lượng và giá trị. “Thức đêm dưới cái lạnh nhưng với không khí nhộn nhịp, hối hả cũng xua đi tất cả, đêm sẽ chóng qua”, anh Thảo chia sẻ.
8 năm trong nghề bốc vác, anh Thảo khẳng định chưa năm nào những chuyến hàng từ Sài Gòn về miền Tây nhiều như năm nay. Đó là nhờ người dân, đặc biệt là nhà vườn làm ăn khấm khá mới có điều kiện mua sắm, trữ hàng để phục vụ dịp trước và sau Tết. Nhiều ghe khi đã đưa hàng lên Sài Gòn là nhận hàng để ngược về miền Tây trong ngày. Có đủ loại từ bánh mứt, bột, đường, nước mắm, quần áo đến hàng trang trí nội thất… Theo anh Hùng, người làm việc cho ghe anh Cảm, mọi năm ghe lên bỏ hàng xong là quay về. Năm nay, tiểu thương ở các chợ, đại lý tại thành phố thuê chở hàng về cho bạn hàng ở miền Tây rất nhiều nên cũng kiếm được khá tiền. “Thay vì mỗi chuyến về lỗ tiền dầu thì nay, sau khi trừ chi phí bốc vác còn kiếm từ 1,5-3 triệu đồng/lượt”, anh Cảm nói.
Quang cảnh mua bán nhộn nhịp trên bến dưới thuyền ở các con kênh tại TP.HCM có thể thấy được đời sống của người nông dân đổi thay từng ngày. Điều đó còn thể hiện rõ ở mỗi mặt người trên mỗi chuyến ghe ngược xuôi.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Những ngày cuối năm, kênh Tẻ và Tàu Hũ tấp nập ghe thuyền với hàng trăm chuyến hàng ngược xuôi cả ngày lẫn đêm. Ghe đậu thành hàng thẳng tắp. Quang cảnh hối hả, rộn ràng như gợi lại ký ức của nhiều người về một Sài Gòn xưa trên bến dưới thuyền. 
 

Bình luận (0)