Những bệnh da có liên quan chu kỳ kinh nguyệt là nhóm bệnh chịu tác động của hormone sinh dục nữ, hoặc những bệnh liên quan đến thuốc dùng, đến các sản phẩm chăm sóc vùng kín, và cả đến sự thay đổi tâm sinh lý trong giai đoạn đặc biệt này.
Ảnh: Shutterstock |
1. Mụn trứng cá: Nhiều thanh thiếu nữ nổi mụn nhiều hơn vào trước lúc có kinh. Chính sự thay đổi nội tiết là “thủ phạm” gây nên sự đột biến có tính quy luật này. Trước kỳ kinh da nhờn nhiều, là điều kiện để cho mụn phát triển sau đó. Mụn do kinh nguyệt thường nằm ở vùng xung quanh miệng hoặc hai bên má. Sau khi hết kinh, mụn tự động hết đi nếu biết chăm sóc da đúng cách. Chăm sóc da bị mụn trong lúc có kinh không có gì khác biệt so với lúc bình thường – cần giữ sạch da, tránh để da nhờn; giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu căng thẳng; tránh nắng; bớt ăn các thức ăn ngọt, béo. Cần hạn chế sử dụng mỹ phẩm, nếu không cần thiết thì không nên dùng. Nếu dùng nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không gây nhân mụn, không làm bít tắc chân lông. Nếu được nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.
2. Nám: Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây nám như: ánh nắng mặt trời, gien và yếu tố chủng tộc, do dùng một số thuốc…, nhưng mối liên quan giữa nám và nội tiết được thể hiện rõ ràng hơn. Nám thường tăng đậm trước lúc có kinh, khi mang thai, sau khi dùng viên thuốc ngừa thai hoặc trị liệu tiền mãn kinh với nội tiết tố. Ở một số chị em, tình trạng vết nám sậm màu hơn so với bình thường được xem là dấu hiệu báo trước kỳ kinh mới sắp đến. Không có cách nào giúp thay đổi được tình trạng này. Cần tăng cường việc bổ sung nguồn cung cấp vitamine C, và tích cực tránh nắng.
3. Chàm, mề đay: Với những trường hợp bị chàm do nguyên nhân nội tiết, trước lúc hành kinh người bệnh thường bị ngứa và nổi thương tổn chàm trên da. Bệnh sẽ giảm sau kỳ kinh, và tái phát lại vào chu kỳ kế tiếp. Mề đay cũng có thể xuất hiện theo chu kỳ kinh, trong đó nội tiết đóng vai trò là yếu tố gây bệnh. Một số trường hợp khác, các thuốc uống giúp giảm đau bụng kinh có thể là tác nhân gây nổi mề đay.
Biểu hiện da và trị liệu không có gì khác với chàm và mề đay thông thường.
4. Viêm da kích thích: Việc sử dụng băng vệ sinh không phù hợp, chất tẩy rửa cũng có thể gây viêm da kích thích hoặc viêm da dị ứng làm ngứa vùng kín khi có kinh. Tùy từng người mà biểu hiện có thể khác nhau, từ ngứa, nổi đỏ da, nổi mụn nước… ở âm hộ, sau mông, bẹn.
5. Viêm âm hộ, âm đạo do nấm Candida albicans: Thường có triệu chứng một cách rầm rộ hơn trước lúc có kinh, bao gồm: ngứa, rát bỏng và huyết trắng như sữa đông. Người ta giải thích việc thay đổi nội tiết sẽ làm tăng glycogen trên tế bào âm đạo khi có thai và trước lúc có kinh, từ đó vi nấm Candida albicans phát triển mạnh hơn.
6. Bệnh herpes sinh dục: Kinh nguyệt là một trong các yếu tố “khích lệ” cho sự tái phát bệnh. Mụn nước nổi và vỡ ra ở vùng sinh dục vào thời điểm ấy gây khó chịu rất nhiều cho chị em.
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương
Bình luận (0)