Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh do nhiễm liên cầu lợn

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 9 trường hợp bị nhiễm trùng huyết, viêm não, suy tạng có nguyên nhân do vi khuẩn liên cầu lợn trong các tháng gần đây, có trường hợp tử vong vì quá nặng.
Bệnh do nhiễm liên cầu lợnTiết canh, lòng lợn nếu nhiễm bệnh, thịt tái sống… có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe – Ảnh: Ngọc Thắng
Suy đa tạng, hoại tử da
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết thêm, đã tiếp nhận các ca bệnh nặng do liên cầu lợn trong hai tháng 6 – 7. Riêng trong tháng 7, có thời điểm liên tiếp 5 ca rất nặng nhập viện chỉ trong vòng 10 ngày. Các ca bệnh ghi nhận tại nhiều địa phương khác nhau như: Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội…
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết những trường hợp nhập viện do liên cầu lợn rất nặng do nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, hoại tử da và đầu các chi. Hai trong số 5 trường hợp nói trên diễn biến rất nặng, gia đình đành xin về do không có khả năng cứu chữa. Trong đó, một bệnh nhân (giới tính nam, 55 tuổi, ở Hòa Bình) nhập viện sau 3 ngày ăn thịt lợn và tiết canh từ lợn của nhà nuôi. Bệnh nhân không qua khỏi do sốc nhiễm trùng, suy đa tạng. Một trường hợp khác (nam giới, 40 tuổi) nhiễm liên cầu lợn nhập viện với tình trạng suy gan, hoại tử chi trầm trọng, nhiễm trùng huyết. Người nhà cho biết bệnh nhân này thường xuyên ăn lòng lợn, tiết canh…, phải nhập viện sau khi bị sốt cao liên tục, nổi ban xuất huyết trên da.
Mầm bệnh từ món khoái khẩu
Theo bác sĩ Cấp, liên cầu khuẩn lợn là vi khuẩn thường “cư trú” trong hầu họng của lợn. Người có thể nhiễm vi khuẩn này do ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín, đặc biệt nhiều trường hợp nhiễm bệnh có sở thích ăn tiết canh thường xuyên. Ngoài ra, có thể bị nhiễm vi khuẩn do tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương ở da.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý: không chỉ lợn bệnh mà ngay trong lợn lành cũng có liên cầu khuẩn lưu trú mà không có biểu hiện bệnh. Người chế biến thực phẩm cho rằng lợn khỏe là an toàn nên chủ quan ăn tiết canh hoặc món tái, sống, dẫn đến nhiễm liên cầu lợn.
“Ăn chín, uống chín, không ăn tiết canh, các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn; đảm bảo vệ sinh cá nhân, thực hiện bảo hộ lao động cần thiết khi tiếp xúc, giết mổ, chế biến thịt lợn để phòng nhiễm liên cầu lợn”, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo.
Chuyên gia sức khỏe cũng lưu ý bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có biểu hiện sốt cao kèm theo xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như: xuất huyết dưới da với từng mảng tím đen, đôi khi gây hoại tử; xuất huyết tiêu hóa nên có thể lầm tưởng là sốt xuất huyết.

Liên Châu (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)