Cán bộ y tế tập huấn phòng chống dịch bệnh do virus Ebola tại TP.HCM
|
Trước diễn biến ngày càng phức tạp và nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam của dịch bệnh do virus Ebola, cuối tuần qua, Bộ Y tế đã tổ chức họp trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và TP.HCM về phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi này.
Gần 90 người từ vùng dịch đến Việt Nam
Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Từ ngày 11 đến ngày 20-8, tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tại cửa khẩu thực hiện khai báo y tế đối với 79 hành khách. Trong đó có 20 người Việt Nam trở về từ Liberia, 59 người từ Nigeria. Những hành khách này cư trú tại Buôn Ma Thuột, Đồng Nai, Lâm Đồng, Phú Yên, Quảng Trị, Thái Bình, Thanh Hóa, nhiều nhất là TP.HCM: 43 người. Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) cũng ghi nhận 4 hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch.
“Tất cả người nhập cảnh Việt Nam từ vùng có dịch được phân loại theo địa phương sẽ tới, lưu trú và gửi về các trung tâm y tế dự phòng tỉnh/thành phố tiến hành theo dõi sức khỏe. Hiện nay ngành y tế đã đưa ra các biện pháp để có thể liên hệ với các hành khách như điện thoại, gửi email, đăng trên website (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt), liên hệ với công an xác định nơi lưu trú của hành khách để gặp gỡ tư vấn… Cho đến thời điểm này, chưa có trường hợp nào nghi ngờ liên quan đến virus Ebola”, ông Trần Đắc Phu khẳng định.
Đối với 2 công dân Nigeria nhập cảnh ngày 19-8 được phát hiện có sốt tại Sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới, thấy tình trạng sức khỏe của hành khách tốt nên ngày 20-8 đã cho xuất viện. Hiện ngành y tế đã thực hiện giám sát tại nơi lưu trú. Trường hợp 3 sinh viên người Nigeria nhập cảnh Việt Nam ngày 8-8 đang học tại Trường ĐH FPT, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe. Tới ngày 21-8, sức khỏe của 3 sinh viên này đều bình thường.
Người dân phải biết “né” Ebola
Để phòng bệnh do virus, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân: Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, các vật dụng của người, động vật nhiễm bệnh hoặc các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; hạn chế đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết. Trong trường hợp phải đi, cần tìm hiểu thông tin tình hình dịch bệnh Ebola tại nơi đến để có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh Ebola, khi phải tiếp xúc cần phải đeo khẩu trang y tế, mặc trang phục phòng hộ cá nhân đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh là thực hành vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng, dung dịch sát khuẩn.
Riêng những người trở về từ các quốc gia vùng Tây Phi, trong vòng 21 ngày nếu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm.
Về phía ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo thực hiện tốt công tác khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh từ các vùng dịch, tiếp tục giám sát và theo dõi chặt chẽ những hành khách từ vùng có dịch nhập cảnh Việt Nam. Các bệnh viện phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, tăng cường tập huấn để ứng phó khi có dịch.
Cũng theo ông Long, các trường hợp liên quan đến bệnh do virus Ebola đều được khám chữa bệnh miễn phí.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Trên thế giới, đến ngày 18-8 dịch bệnh do virus Ebola đã bùng phát tại 4 quốc gia vùng Tây Phi là: Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria. Số trường hợp mắc và tử vong liên tục gia tăng. Tính đến ngày 18-8 ghi nhận 2.473 trường hợp mắc, trong đó có 1.350 trường hợp tử vong. Đặc biệt, chỉ trong hai ngày 17 và 18-8, có 221 trường hợp mắc mới và có 106 trường hợp tử vong. Điều quan ngại là, có hơn 200 cán bộ y tế là những người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh Ebola tại các quốc gia này đã mắc bệnh. Trong đó có 1 công dân Tây Ban Nha đã tử vong và 2 bác sĩ người Mỹ. |
Bình luận (0)