Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh đột quỵ “gõ cửa” mọi nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi năm nước ta có khoảng 200 ngàn người bị đột quỵ, 50% trong số đó đã tử vong, trên 90% số bệnh nhân sống sót để lại di chứng. Khi trong gia đình có người bị đột quỵ phải chăm sóc như thế nào? Câu hỏi này đã được BS.CKI Trần Thị Thu Liễu – Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM giải đáp trong buổi trò chuyện với thầy thuốc chủ đề: “Phát hiện và xử lý khi người thân bị đột quỵ” do Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP.HCM tổ chức vừa qua.
BS. Liễu cho biết: “Đột quỵ để lại nhiều di chứng như rối loạn vận động (liệt nửa người, liệt mặt dẫn đến tàn phế), rối loạn ngôn ngữ (nói đớ, không nói được, nói lung tung), rối loạn ý thức (tiêu tiểu không tự chủ, trầm cảm, giảm trí nhớ), rối loạn cảm xúc (thay đổi tính tình, dễ nóng giận, cáu gắt, khóc cười vô cớ)…”.
Có 3 yếu tố dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ. Trong đó yếu tố nguy cơ chính là mắc bệnh tăng huyết áp – điều trị huyết áp có thể giảm 38% nguy cơ đột quỵ, giảm 40% tỷ lệ tử vong, đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp 3 lần. Ngoài ra, những người mắc bệnh tim, tăng cholesterol máu, tăng homocysteine trong máu, thiếu máu cục bộ, béo phì cũng có nguy cơ cao bị đột quỵ. Yếu tố thứ hai gây đột quỵ là tuổi (trên 65 tuổi nguy cơ tăng gấp 7 lần), giới tính (nam có nguy cơ cao hơn nữ, tuy vậy tỷ lệ tử vong ở nữ lại cao hơn nam), di truyền, dân tộc (người châu Á, châu Phi dễ mắc hơn). Lối sống thiếu lành mạnh như nghiện thuốc lá, rượu, lạm dụng thuốc gây nghiện (cocain, thuốc phiện, Amphetamin), thuốc ngừa thai cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc bệnh đột quỵ.
BS. Liễu khuyến cáo: “Đột quỵ là một tình trạng khẩn cấp, cần gọi cấp cứu 115. Song song đó phải tiến hành sơ cứu bằng cách để bệnh nhân nằm yên, đầu nâng cao 30 độ, nới rộng quần áo, theo dõi sắc diện, nhịp thở và quan sát bệnh nhân tỉnh hay hôn mê. Nếu bệnh nhân còn tỉnh thì cần trấn an, nhắc bệnh nhân hít sâu và thở chậm. Trong trường hợp bệnh nhân ói thì cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất ói từ mũi và miệng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân co giật, cần để bệnh nhân nằm nghiêng, đề phòng bệnh nhân cắn phải lưỡi bằng cách dùng khăn vải quấn quanh một chiếc đũa hay cán muỗng đặt giữa hai hàm răng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân hôn mê, ngừng thở phải tiến hành hô hấp nhân tạo. Tuyệt đối không cạo gió, không xoa bóp, không nặn chanh vào miệng bệnh nhân”.
BS. Liễu cũng chỉ ra một số thực phẩm tốt cho bệnh nhân đột quỵ như cá (mỗi tuần nên ăn ít nhất 3 lần), cà chua (mỗi ngày ăn 1-2 quả), tỏi (2 tép tỏi hoặc 5ml dấm ngâm tỏi), hành tây (100g/ngày), táo (3 quả/ngày), chuối tiêu (1-2 quả/ngày), sữa đậu nành (500ml/ngày), nấm linh chi (10g/ngày), lá sen (50g/ngày), sơn trà, hoa cúc, quyết minh tử (mỗi thứ 10g/ngày – sắc uống thay trà), rau muống, bưởi, dưa hấu và nho.
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)