Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh đục thủy tinh thể dễ dẫn đến mù lòa

Tạp Chí Giáo Dục

BS BV Mắt TP.HCM
đang khám cho một bệnh nhân bị ĐTTT. Ảnh: Minh Khôi

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt
Trung ương thì hiện cả nước có khoảng 252 ngàn người mù cả hai mắt do đục thủy
tinh thể (ĐTTT). Mỗi năm có khoảng 170 ngàn trường hợp cần được điều trị do căn
bệnh này. Có thể nói, ĐTTT là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở nước ta. 
Bệnh không chỉ của người già
Con cái đi làm cả ngày nên bà
Tư – 65 tuổi (P.4, Q.3, TP.HCM) đảm nhận việc nấu nướng cho mấy đứa cháu ăn sau
khi chúng đi học về. Dạo gần đây, việc cơm nước này thường xuyên bị trục trặc,
hôm thì thức ăn quá mặn, bữa lại quá lạt, giờ ăn cũng không còn chính xác nữa.
Nguyên nhân là bà Tư nhìn kém, mắt mờ, có lúc nhìn một thành hai. Tình trạng
trên ngày càng nghiêm trọng, cuối cùng bà phải tới Bệnh viện Mắt TP.HCM để
khám. Tại đây, bác sĩ nhanh chóng xác nhận bà bị bệnh ĐTTT. Ngay sau đó, bà được
chỉ định phẫu thuật, hiện mắt của bà đã nhìn rõ hơn. Tuy nhiên, không phải ai
cũng may mắn như bà Tư. Có nhiều người do phát hiện bệnh trễ nên gặp nhiều khó
khăn trong phẫu thuật. Và hậu quả là bị mù… Như trường hợp của ông Nam – 70 tuổi
(đường Nguyễn Thị Thập, Q.7, TP.HCM). Hai năm trước mắt ông bắt đầu có dấu hiệu
nhìn kém, hay bị quáng gà… Sở thích của ông mỗi buổi sáng là đọc báo nhưng việc
đọc báo của ông ngày càng khó khăn hơn. Trước đây, một trang báo ông chỉ đọc
loáng cái là xong, nhưng nay cứ loay hoay mãi. Tệ hơn, ông cũng không nhìn rõ mặt
con cháu, chỉ nhận ra khi nghe họ nói. Thấy vậy, mấy người con của ông đưa ông
tới bệnh viện khám. Kết quả là ông bị ĐTTT nặng, không còn khả năng phục hồi thị
lực như trước đây…
Theo BS. CKII. Trần Thị
Phương Thu, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM thì: “Nguyên nhân chính của bệnh ĐTTT
là liên quan đến tuổi già, trên 80% người mắc bệnh ĐTTT là người có độ tuổi
trên 50. Ngoài ra, còn liên quan đến một số bệnh như tiểu đường, cao huyết áp,
cận thị, chấn thương…”.
Nói như vậy không phải là người
trẻ không bị ĐTTT. Đơn cử là trường hợp của chị Thu Huệ – 35 tuổi (P.Tân Định,
Q.1, TP.HCM). Thấy mắt nhìn mờ và luôn có một quầng đen khi nhìn, chị đã đi
khám tại Bệnh viện Đa khoa Q.1. Sau khám, bác sĩ cho biết hai mắt của chị nhuốm
ĐTTT. BS. Lê Thị Hoa Thắm, người trực tiếp khám cho chị nói: “Tạm thời chỉ cần
nhỏ mắt bằng thuốc Kary Uni, ngày nhỏ 3 lần, mỗi lần 2 giọt. Ba tháng sau tái
khám”. Hiện tại, chị Thu Huệ vẫn đang điều trị bằng thuốc này và thấy mắt đã cải
thiện hơn…
Điều trị ĐTTT
Theo BS. CKII. Phương Thu,
TTT là chiếc đĩa trong suốt nằm ở phía bên trong mắt, nó tập trung các tia sáng
đi vào võng mạc để tạo thành hình ảnh sắc nét rõ ràng. TTT có chức năng như một
thấu kính hội tụ công suất 20D nằm sau mống mắt và tham gia vào quá trình điều
tiết của mắt. Bệnh ĐTTT là hiện tượng đục mờ TTT. Sự đục mờ này ngăn không cho
tia sáng lọt qua, kết quả là võng mạc không thu được hình ảnh và thị lực bệnh
nhân suy giảm dẫn đến mù lòa.
Về điều trị có hai cách: nội
khoa và phẫu thuật. Tuy nhiên, nội khoa chỉ dành cho những trường hợp nhuốm
ĐTTT như trường hợp của chị Thu Huệ nói trên. Còn những trường hợp nặng hơn thì
phải phẫu thuật lấy nhân mắt bị đục ra và thay thế bằng TTT nhân tạo.
“Phẫu thuật bệnh ĐTTT có tỷ lệ
thành công cao với hơn 90%, bệnh nhân khôi phục tốt thị lực của mình với những
kỹ thuật tiên tiến hiện nay như phaco.Phần lớn các ca phẫu thuật ĐTTT
được thực hiện trong ngày mà không cần nhập viện. Bệnh ĐTTT là nguyên nhân phổ
biến gây thị lực kém ở người cao tuổi. Nó là dạng mù có thể chữa được. Điều
quan trọng là người dân phải đi kiểm tra mắt thường xuyên vì phát hiện sớm có
thể ngăn ngừa bị mù vĩnh viễn”, BS. CKII. Phương Thu khuyến cáo.
Kim Anh
 

 

Bình luận (0)