Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh giời leo ở người cao tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh giời leo hay còn gọi bệnh Zona là bệnh ngoài da, thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng khi gặp ở người cao tuổi nếu điều trị không tốt sẽ có nguy cơ gây đau dây thần kinh sau khi đã khỏi bệnh một thời gian.
 Ảnh minh họa.
Tác nhân gây bệnh
Có hai loại bệnh ngoài da mà căn nguyên gây nên bệnh do một loài virus gây ra đó là bệnh giời leo (bệnh Zona) và bệnh thủy đậu. Virus gây nên 2 bệnh này là loại virus Varicella zoster. Niêm mạc đường hô hấp, màng tiếp hợp mắt là nơi mà virus Varicella zoster xâm nhập vào cơ thể. Virus vào hệ tuần hoàn gây nhiễm trùng huyết rồi khu trú ở một số nội tạng như: gan, lách… Từ các cơ quan này, virus đi đến da và phát triển nhân lên trong vòng khoảng 2 tuần lễ (thời kỳ nung bệnh) thì xuất hiện các mụn nước (Thủy đậu). Các mụn nước này không điều trị gì cũng tự khỏi trong vòng 2 tuần. Nhưng điều bất lợi là virus này sẽ đi vào hệ thần kinh và khu trú ở hạch thần kinh giao cảm trong suốt quá trình sống của cơ thể. Khi nào cơ thể có sức đề kháng giảm sút vì một lý do nào đó thì virus Zoster lại trỗi dậy và gây bệnh giời leo (bệnh Zona). Hầu hết người bị bệnh giời leo có tiền sử bị bệnh thủy đậu hoặc đã từng bị bệnh giời leo trước đó.
Hậu quả của bệnh
Bệnh thường gây ra ở một nửa cùng bên của cơ thể không vượt qua đường giữa, ví dụ như 1/2 mặt, 1/2 lưng… Một số trường hợp đặc biệt có thể có ở 2 bên do bệnh tái phát, có nghĩa là lần trước bị bên phải lần này bị bên trái nhưng tái phát thêm bên phải hoặc do cấu tạo giải phẫu của đường nối thần kinh từ bên này chạy sang bên kia. Bệnh giời leo lúc khởi phát rất đau, rát như bị bỏng nơi vùng da sắp xuất hiện dấu hiệu của bệnh giời leo. Sau vài ngày tại vị trí đau, rát sẽ xuất hiện mụn nước to nhỏ khác nhau (đường kính mụn nước khoảng từ 1-2mm) mọc thành từng đám trên nền da sưng tấy, đỏ. Mụn nước lúc đầu là dịch trong, sau đó là đục như nước vo gạo và lan rộng ra xung quanh có khi thành từng vệt dài, ngoằn nghoèo, nhưng không vượt sang bên kia thân thể. Các mụn nước tồn tại vài ba ngày rồi khô, đóng vảy và khỏi. Trong trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn thì các mụn nước này tồn tại lâu hơn và có thể có mủ, phải dùng đến kháng sinh để điều trị. Khi khỏi thường không có sẹo hoặc có sẹo nông, khi có bội nhiễm vi khuẩn sẹo sẽ sâu hơn.
Sau khi khỏi, người bệnh có thể còn đau nhẹ vài ngày. Tuy vậy, ở người cao tuổi do sức đề kháng suy giảm, cho nên sau khi mắc bệnh giời leo tuy vùng da ở nơi bị giời leo đã khỏi nhưng dây thần kinh giao cảm vẫn viêm nên vẫn gây đau nhức từng cơn. Đau nhức thần kinh giao cảm do bệnh giời leo ở người cao tuổi có thể tồn tại khoảng từ 1-6 tháng, đôi khi kéo dài 2-3 năm hoặc lâu hơn. Cơn đau thần kinh giao cảm sau giời leo có tính chất là đau, rát có khi âm ỉ nhưng có khi dữ dội từng cơn. Có người bệnh khi đau kèm theo giật, cứ khoảng 20-30 phút lại có cơn đau kèm giật. Cơn giật kéo dài khoảng vài ba phút, có khi lâu hơn làm cho bệnh nhân mệt mỏi, ngủ không yên, mất ngủ. Đôi khi sờ vào hoặc vận động thì đau lại tăng lên. Đau dây thần kinh sau giời leo ở người cao tuổi còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng chủ yếu vào lứa tuổi: tuổi càng cao thì thời gian đau càng kéo dài. Bên cạnh đó còn tùy thuộc vào vị trí thần kinh giao cảm bị viêm, đau nhiều nhất là vùng mặt nơi có thần kinh tam thoa. Tại mặt nếu bị bệnh giời leo thường gây nguy hiểm hơn như tê liệt mặt, liệt dây thần kinh gây méo mặt, méo miệng, viêm giác mạc, kết mạc mắt và nguy hiểm hơn là có thể gây mù lòa.
Khi bị bệnh giời leo nên làm gì?
Cần đi khám bệnh ở khoa da liễu càng sớm càng tốt không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và tự mua thuốc điều trị, nhất là giời leo ở gần mắt. Giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh không nên lo lắng hốt hoảng làm bệnh tăng lên. Tuy vậy, cũng không nên chủ quan cho là bệnh giời leo không nguy hiểm nên không cần đi khám, không cần điều trị gì. Đau thần kinh sau giời leo lúc này không thuộc bệnh về da mà thuộc về bệnh của chuyên khoa thần kinh, vì vậy cần đến khám ở các chuyên khoa thần kinh để được điều trị.
Trong khi chưa thể đi khám bệnh được cần giữ gìn cho da sạch sẽ để tránh bội nhiễm vi khuẩn, nên dùng nước muối nhạt (nước muối sinh lý là tốt nhất) để rửa vùng da bị bệnh giời leo.
TS.BS. MAI HƯƠNG (SK&ĐS)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)