Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh glôcôm: Nguy cơ mù mắt rất cao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

BS Bệnh viện Mắt đang khám cho bệnh nhân glôcôm
Glôcôm (bệnh cườm nước) là một trong những bệnh nguy hiểm về mắt nhưng đôi khi triệu chứng không rõ ràng cho nên bệnh nhân thường phỏng đoán sang một căn bệnh khác ít liên quan về nhãn cầu. Đặc biệt, theo cảnh báo của y khoa, con người càng lớn tuổi càng có nguy cơ mắc căn bệnh này nếu không kịp thời phát hiện và ngăn chặn đúng lúc.
Triệu chứng phát hiện bệnh
Vừa bước qua tuổi 50 lại là cán bộ Nhà nước nên bà Phạm Thị Huệ – ngụ đường Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM vẫn còn là một người khỏe mạnh và ít bệnh tật. Tuy nhiên, gần một năm nay bà Huệ hay bị chứng nhức đầu và đôi khi khó chịu trong mắt.
Ngày 14-3 vừa qua, khi nghe tin Bệnh viện Mắt TP.HCM có tổ chức buổi khám tầm soát mắt cùng với tư vấn và phát thuốc miễn phí cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm nhân Tuần lễ glôcôm thế giới tại Việt Nam, bà đã đến bệnh viện này tìm cho ra nguyên nhân các triệu chứng khổ sở trên. Khi được ê-kíp y BS ở đây tầm soát nhãn thị, bà mới biết mình đang có nguy cơ của bệnh glôcôm góc đóng nguyên phát. Ngoài khám nhãn lực bằng kính sinh hiển vi, các bàn khám ở đây còn dùng đèn soi đáy mắt và làm các xét nghiệm khác để phát hiện chính xác triệu chứng glôcôm. 
Ông Nguyễn Huy Bảy – ngụ ở đường Sư Vạn Hạnh, Q.10 đã được các BS Bệnh viện Mắt TP.HCM chẩn đoán mắc bệnh glôcôm. Ông Bảy chia sẻ: “Lúc đầu tôi cứ nghĩ do tuổi già mắt càng ngày càng yếu hơn nên nhìn cái gì cũng không rõ. Thế nhưng tại bàn khám miễn phí của Bệnh viện Mắt, BS đã cho biết đó cũng là một biểu hiện của căn bệnh glôcôm mà những người cao tuổi thường mắc phải”. 
BS.CKII Trịnh Bạch Tuyết – Trưởng khoa Glôcôm Bệnh viện Mắt TP.HCM cảnh báo: “Có nhiều nguy cơ gây ra bệnh glôcôm nhưng rõ nhất là dựa vào tiền sử gia đình và các căn bệnh mãn tính liên quan”. Theo BS. Tuyết, nếu trong gia đình có nhiều người mắc bệnh glôcôm thì tính di truyền rất cao ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Ngoài ra, các bệnh nhân trên 40 tuổi đi kèm cao huyết áp, tiểu đường cũng có nguy cơ glôcôm hơn những đối tượng khác, nhất là người trẻ. Trước đây có nhiều lần bị bụi vướng vào mắt và bóng rơi vào mắt nên ông Bảy đã bị sang chấn nhãn thị. Đây cũng là nguyên nhân mà theo BS. Tuyết dẫn đến bệnh glôcôm khi tuổi đã về già.
Nên tầm soát sớm
BS. Tuyết cho hay, xét về đặc điểm lâm sàng, glôcôm là căn bệnh vừa có triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể. Nếu triệu chứng cơ năng là đau đầu, xốn mắt có khi mắc ói thì triệu chứng thực thể của glôcôm góc đóng nguyên phát lại là nhãn áp cao, đóng góc khi soi góc, phù gai thị dẫn đến mất phản xạ ánh sáng. Còn triệu chứng cơ năng glôcôm góc mở nguyên phát thì tiến triển chậm, không đau đớn nên khó phát hiện nhưng dễ mù hai mắt. Tổn hại gai thị, nhãn áp tăng và dao động liên tục là triệu chứng thực thể của glôcôm góc mở nguyên phát. Ngoài hai loại trên glôcôm còn có loại nhãn áp bình thường và glôcôm thứ phát. Những triệu chứng này, các bệnh nhân glôcôm như bà Huệ hay ông Bảy đều mắc phải mà nhiều khi không hay biết, ảnh hưởng rất lớn đến “cửa sổ tâm hồn”. Chính vì thế, BS. Tuyết khuyến cáo là bằng mọi cách phải phát hiện sớm căn bệnh này, không nên để chậm trễ trong điều kiện có thể. Tuy nhiên, thực tế nhiều người do bận rộn công việc và lại quá chủ quan nên bỏ qua công việc khám sức khỏe định kỳ trong đó có cả đôi mắt. Nhờ phát hiện sớm nên không ít bệnh nhân đã điều trị kịp thời để lấy lại được nguồn sáng quý giá từ đôi mắt. Nhưng cũng có người vì thiếu hiểu biết mà đã đánh mất cơ hội điều trị của mình để dẫn đến mù lòa một cách oan uổng. Theo BS. Tuyết, đặc trị căn bệnh này ngoài thuốc lade còn có phương pháp phẫu thuật là tối ưu. Chính vì thế, bà Huệ và ông Bảy đã nằm trong danh sách các bệnh nhân được theo dõi đặc biệt, nếu thấy cần thiết thì sẽ phẫu thuật glôcôm trong thời gian sau này. Sau khi mổ phải được theo dõi định kỳ tùy theo mức độ nặng nhẹ mà kéo dài 3, 6 hoặc có khi tới 12 tháng. Nếu bệnh nặng thì dễ dẫn đến mù mắt khó hồi phục ở giai đoạn muộn, lúc đó việc phẫu thuật cũng không còn nhiều tác dụng như trước.
Bài, ảnh: Quang Phan
BS. Phan Thị Minh Nguyệt – Bệnh viện TP.Vinh cho biết: “Trong dân gian bệnh glôcôm được gọi là thiên đầu thống với triệu chứng là đau dữ dội nửa đầu kèm theo chảy nước mắt liên tục, có khi còn ói mửa khó chịu. Khi bệnh nặng thì phải cấp cứu ngay vì khẩn thiết như chữa cháy nếu không đôi mắt sẽ vĩnh viễn mù lòa, nhất là đối với bệnh nhân còn trẻ tuổi có nguy cơ cao như cận thị nặng hoặc viễn thị có giác mạc nhỏ. Vì thế cần có sự tầm soát thường xuyên ít nhất là 3 tháng một lần để phát hiện bệnh kịp thời”. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)