Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh hiếm gặp ở trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Phụ huynh đưa trẻ khi khám tại BV Nhi đồng 2

Trung bình mỗi người chỉ có 32 chiếc răng nhưng có một cậu bé sở hữu tới 76 chiếc. Hoặc trường hợp khác chỉ có một quả thận trong khi mỗi người phải có hai quả. Và còn nhiều trẻ mắc các bệnh chưa từng được ghi nhận trong y văn thế giới…
Chớ xem thường khi trẻ đau bụng
Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 vừa tiếp nhận bé gái N.H.K – 3 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM do đau bụng và nôn ói nhiều. Qua khám lâm sàng và làm xét nghiệm, các BS đã quyết định mổ cấp cứu bằng nội soi cho bé. Kết quả cho thấy trong bụng bé có rất nhiều dịch mủ lợn cợn, ruột thừa bình thường không viêm nhưng ngay góc hồi manh tràng có một nang ruột đôi hình cầu kích thước khoảng 2x2cm đã thủng gây tình trạng viêm nhiễm mủ ổ bụng.
ThS.BS Phạm Ngọc Thạch – phẫu thuật viên chính, cho biết: “Nang ruột đôi (rộng hơn là đường tiêu hóa đôi) là một bất thường của hệ tiêu hóa rất hiếm gặp với  tần suất 1/18.000 trẻ sinh sống. Trong đó đoạn ruột có cấu trúc như ruột nhưng phát triển thừa và dính chặt vào một đoạn ruột bình thường của đường tiêu hóa. Niêm mạc của ruột đôi là niêm mạc ruột, nhưng có trường hợp là niêm mạc dạ dày lạc sản nên dễ gây viêm loét và thủng ruột như trường hợp trên. “Vì vậy,  khi trẻ nhỏ than đau bụng, rối loạn tiêu hóa, các bậc cha mẹ nên cho con đi khám để phát hiện bệnh sớm nếu có”, BS. Thạch khuyến cáo.
Trước đó, đầu tháng 11-2012, BS. Thạch cũng đã phẫu thuật thành công cho một trường hợp xoắn dạ dày và xoắn lách là bé trai D.D.T – 2 tuổi, Bình Thuận. Bé T. nhập viện trong tình trạng đau bụng đột ngột và ói liên tục hai ngày, sốt nhẹ và không đi cầu được. Diễn tiến của bé ngày càng xấu khi bụng trướng dần, ói nhiều hơn, bỏ ăn, dạ dày bé có hiện tượng giãn rất to, ứ đọng dịch. BV tuyến trước làm CT Scan ổ bụng, ngực do nghi bé bị thoát vị hoành và chuyển viện cho bé. Tại BV Nhi đồng 2, bé được chụp thêm X-quang thực quản, dạ dày có cản quang vì nghi bị xoắn dạ dày. Kết quả cho thấy thuốc cản quang không qua được dạ dày, biểu hiện tình trạng tắc lưu thông, phù hợp với chẩn đoán xoắn dạ dày. Bé được mổ khẩn cấp sau đó. Khi mổ phát hiện bé không chỉ bị xoắn dạ dày mà lách cũng bị xoắn tím đen và chui lên lồng ngực qua chỗ hở của cơ hoành. Các BS đã tháo xoắn dạ dày đem xuống lại ổ bụng và khâu cố định đề phòng tái xoắn, đồng thời khâu hẹp lỗ thoát vị nơi lách chui lên.
Một quả thận và 76 chiếc răng
Ngày 18-11,  P.H.V – nam, 8 tuổi, ngụ ở Bình Dương đang đi xe đạp thì bị xe máy đụng té. Sau đó, V. thấy đau vùng hông phải, tiểu ra máu nên gia đình đưa vào viện. Tại BV Nhi đồng 2, các BS phát hiện vùng hông phải của em bầm tụ máu, ấn đau, tiểu máu. Sau siêu âm và CT Scan bụng phát hiện em chỉ có một quả thận phải. Quả thận này bị chấn thương độ V (độ cao nhất), nứt làm 3 mảnh, may mắn là cuống mạch máu thận vẫn còn. BS. Thạch cho biết, chấn thương thận chiếm khoảng 4% trong chấn thương ở trẻ em. Tuy nhiên, chấn thương trên một thận độc nhất thì rất hiếm, hầu như y văn chưa có ghi nhận.
Một bệnh nhi khác cũng gây “sốc” cho các BS với một “túi răng” trong miệng. Đó là N.T.U – nam, 7 tuổi, sống tại TP.HCM. Tại Khoa Răng hàm mặt, BV Nhi đồng 1, bé được phát hiện một khối gồ lớn ở hàm trên bên trái. Các BS đã tiến hành chụp X-quang và phát hiện bệnh nhi bị u răng, khối u nằm choán hết đường di chuyển của răng nanh sữa và chắn ngang đường mọc của hai răng vĩnh viễn số 3 và 4. Ngay lập tức khối u (kích thước 3x3x2cm) này được cắt bỏ, bên trong khối u có 54 chiếc răng nhỏ. Số răng này cộng với 22 chiếc răng đã mọc, tổng cộng bé U. có tới 76 chiếc răng…
Bài, ảnh: Kim Anh

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)