Nguyên nhân mắc bệnh tật học đường gia tăng là do chế độ học tập căng thẳng, quá tải, vệ sinh chưa được cải thiện…
Bệnh liên quan đến lứa tuổi là những bệnh thường gặp do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi như bệnh răng miệng, bệnh thấp tim, bệnh suy dinh dưỡng, béo phì, bệnh giun sán…
Bệnh, tật học đường là những bệnh, tật mà học sinh mắc phải có liên quan đến các yếu tố vệ sinh học đường. Các nhà khoa học xếp cận thị, cong vẹo cột sống, rối nhiễu tâm lý vào nhóm bệnh tật này.
Nhóm bệnh học đường tăng cao
Cho đến nay, chưa có số liệu thống kê tình hình bệnh tật của học sinh trên phạm vi toàn quốc. Nhưng qua kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học tiến hành ở các địa phương, tỷ lệ mắc tật cận thị ở học sinh Việt Nam tăng lên ở mức báo động.
Ví dụ như ở Hà Nội, vào năm 1960, tỷ lệ học sinh bị cận thị chỉ là 4%, đến năm 2001 đã tăng lên 29,9%, năm 2009 tăng lên là 30,19%.
Trong thời gian 10 năm (từ năm 1998 đến 2009), tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ ở các bậc học tăng khoảng 2 lần. Cá biệt ở các trường chuyên, lớp chọn tỷ lệ học sinh bị cận thị xấp xỉ 60%.
Tỷ lệ học sinh bị cận thị ở Việt Nam ngày một tăng. Ảnh: TL.
|
Ở các địa phương khác, tỷ lệ học sinh bị cận thị cũng rất cao. Nghiên cứu của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh năm 2006 cho thấy, tỷ lệ mắc tật khúc xạ của học sinh thành phố là 38,8%.
Nghiên cứu của Đại học Y Thái Nguyên năm 2007 trên 8.527 học sinh tại 16 trường học các cấp từ tiểu học đến trung học cho thấy, tỷ lệ mắc tật khúc xạ là 11,52%.
Năm 2008, Bệnh viện Mắt TƯ đã điều tra về tật khúc xạ ở học sinh phổ thông ở 3 tỉnh Hà Tĩnh, Hải Phòng, Đà Nẵng trên tổng số 2.280 học sinh cho thấy, tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở học sinh là 26,4%. Trong đó, tiểu học là 18,67%, trung học cơ sở là 23,47%, trung học phổ thông là 32,68%, tỷ lệ tật khúc xạ ở học sinh thành thị là 26,9%, nông thôn là 14,4%.
Bệnh rối loạn cảm xúc
Tỷ lệ học sinh bị cong, vẹo cột sống luôn ở mức rất cao. Theo nghiên cứu ở Hà Nội, vào thập kỷ 60, tỷ lệ học sinh bị cong vẹo cột sống là 12%, năm 1968 – 1969 là 21 – 24%, những năm 80 là 23%, năm 2001 là 30,8%; điều tra năm 2004 – 2005 là 18,9%, trong đó học sinh tiểu học là 17,2%, học sinh trung học cơ sở là 22,2% và học sinh trung học phổ thông là 18,8%.
(Nguồn: Bộ Y tế)
|
Rối loạn tâm thần xếp hàng thứ 10 trong mô hình bệnh tật ở trẻ em Việt Nam. Một khảo sát năm 1998 – 1999 của BV Nhi TƯ tại 2 phường nội thành Hà Nội cho thấy 10% trẻ có rối loạn cảm xúc và 4,9 – 8,7% các biểu hiện rối loạn tâm thần khác. Năm 2000, trong một điều tra sức khoẻ bệnh tật của trẻ em tại 10 vùng khác nhau đại diện cho toàn quốc thấy, tỷ lệ chung của một số biểu hiện rối loạn tâm thần là 2,24%, trong đó chủ yếu là rối loạn hành vi và rối loạn cảm xúc.
Nguyên nhân làm cho số lượng học sinh mắc bệnh tật học đường gia tăng là do chế độ học tập căng thẳng, quá tải, yếu tố vệ sinh trong học tập chưa thật sự được cải thiện, hoạt động chăm sóc sức khoẻ và dự phòng bệnh tật trong nhà trường vẫn còn nhiều hạn chế.
Do áp lực của chương trình trong các nhà trường và kỳ vọng của gia đình, học sinh phải dành phần lớn thời gian trong ngày cho học tập: Học chính khoá, ngoại khoá ở trường, học thêm ở các địa điểm tổ chức dạy thêm, học và làm bài tập ở nhà.
Thời gian học tập kéo dài kết hợp với những hoạt động vui chơi giải trí ít vận động như xem tivi, chơi trò chơi điện tử, đọc truyện, sách… khiến cho học sinh không còn nhiều thời gian cho nghỉ ngơi, hoạt động rèn luyện thể lực, hoạt động giao tiếp, thư giãn tinh thần. Điều đó đã gây căng thẳng cho hệ thống thị giác, cho hệ cơ xương, hệ thần kinh của trẻ.
Song song với gánh nặng học tập, điều kiện học tập của học sinh ở trường, ở nhà còn có nhiều bất cập. Chiếu sáng không đảm bảo, bàn ghế không phù hợp… càng làm tăng thêm gánh nặng đối với cơ thể non yếu của các em.
Các nhà khoa học thế giới cho rằng, sức khoẻ trẻ em hôm nay phản ánh khuynh hướng sức khoẻ của mỗi dân tộc trong tương lai. Với tình hình bệnh tật học đường như đã nêu ở trên, chúng ta không khó để hình dung sức khoẻ của dân tộc ta trong thời gian tới như thế nào. Vì vậy, phòng chống bệnh tật học đường là một vấn đề cấp bách.
TS. BS. Đặng Anh Ngọc
(Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường – Bộ Y tế)
Gia Đinh
Bình luận (0)