Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh học đường còn cao

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) phối hợp với các sở GD-ĐT tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Dự án sức khỏe và dinh dưỡng học đường giai đoạn 2 (2013-2015). Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ bệnh tật học đường còn cao, công tác y tế trường học còn nhiều khó khăn.

Cứ 2 học sinh thì 1 em bị sâu răng

Năm học 2013-2015, dự án thực hiện tại 36 trường tiểu học, THCS tại TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng. Theo đó, học sinh được tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nâng cao kiến thức về vấn đề dinh dưỡng học đường, thực hành các kỹ năng bảo vệ sức khỏe, giữ gìn vệ sinh cá nhân. Và giáo viên, cán bộ y tế trường học được tập huấn công tác y tế trường học.

Đánh giá cuối kỳ dự án, ông Võ Thanh Tùng, cán bộ Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho rằng, qua 2 năm thực hiện cho thấy hành vi học sinh đã có sự thay đổi tích cực. Tỷ lệ học sinh nhận thức về dinh dưỡng, cụ thể các thức ăn nhanh sẽ không tốt cho sức khỏe tăng cao. Các em đã có những lựa chọn món ăn bổ dưỡng, có lợi, chú ý ăn rau, vận động để có một sức khỏe tốt. Nhiều em nắm vững kiến thức về nguyên nhân, phòng chống, chăm sóc răng miệng và cách thực hành rất tốt.

Tuy nhiên, tỷ lệ sâu răng lẽ ra phải giảm nhưng ngược lại còn cao, tập trung vào bậc tiểu học. Cứ 2 học sinh thì 1 em bị sâu, trong đó TP.HCM chiếm 50% năm 2015. Bản thân học sinh đều hiểu rõ cần phải rửa tay với xà bông, khi nào cần rửa tay thì tỷ lệ thực hành rửa tay bằng xà bông, tập trung vào khối THCS đã giảm. Năm 2013 có 68% học sinh thực hành thì năm 2015 chỉ 46%. Điều đáng lo khi 32% học sinh THCS có uống rượu bia.

Các em học sinh Trường Tiểu học Kỳ Đồng (Q.3) đang hưởng ứng chiến dịch rửa tay bằng xà bông do Bộ Y tế phát động

Tham gia hội thảo, TS. Lê Văn Tuấn, Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra không ít lo ngại về sức khỏe học đường của học sinh. Theo ông, hiện nay điều kiện vệ sinh trường học nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, xa chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra dịch. Tỷ lệ học sinh thường xuyên rửa tay với xà phòng mới chỉ đạt khoảng 18%.

Công tác y tế còn nhiều khó khăn

Chăm sóc, giáo dục kỹ năng sống, hình thành những thói quen tốt về sức khỏe, dinh dưỡng học đường là hết sức quan trọng, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, kết quả học tập của học sinh. Trách nhiệm này cần có sự chung tay giữa gia đình, nhà trường, xã hội, đặc biệt trong nhà trường. Tuy nhiên, hiện nay không ít trường học lại gặp khó khăn về kinh phí thực hiện, cơ sở vật chất xuống cấp, trình độ đội ngũ cán bộ y tế chưa đảm bảo. Nói ngay Dự án dinh dưỡng học đường giai đoạn 2 mang đến nhiều lợi ích cho học sinh, giáo viên, cán bộ y tế, nhưng trước khó khăn từ trường học đã gây ảnh hưởng phần nào đến quá trình thực hiện.

Bà Hoàng Thị Tây Ninh, cán bộ Tổ chức Cứu trợ trẻ em chia sẻ, nhiều công trình vệ sinh, khu vực rửa tay xuống cấp mà kinh phí hạn chế, chưa đủ để đảm bảo duy tu, bảo dưỡng. Cán bộ y tế chuyên trách còn kiêm nhiệm nhiều việc, nhiều cán bộ y tế là giáo viên kiêm nhiệm, nhân viên hợp đồng và chương trình chính khóa nặng nề khiến giáo viên không có thời gian dành cho các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

TS. Lê Văn Tuấn cũng thừa nhận, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị liên quan đến công tác y tế trường học còn thiếu, chưa đảm bảo. Hầu hết cán bộ y tế chưa được đào tạo, tập huấn đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ theo quy định. Các em chưa được tư vấn về tâm lý, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, vấn đề nạo thai. Trong vấn đề này, sự quan tâm của chính quyền địa phương rất quan trọng nhưng lại chưa cao.

Trước những khó khăn còn tồn đọng, TS. Lê Văn Tuấn đã đưa ra những giải pháp ngành giáo dục cần thực hiện. Đó là rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác y tế trường học. Cần có sự phối hợp với Bộ Y tế để hoàn thiện, ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn công tác y tế trường học, khám sức khỏe định kỳ cho học sinh và xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ y tế. Đồng thời củng cố, kiện toàn, tập huấn nâng cao cho đội ngũ cán bộ y tế chuyên trách, bố trí cán bộ y tế được đào tạo từ các trường cao đẳng, trung cấp y tế tại mối địa phương để cung cấp cho trường học.

Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Ông Võ Thanh Tùng cho biết: “Các trường học nên trang bị đầy đủ xà bông rửa tay cho học sinh, hiện nay một số trường vẫn chưa có. Đồng thời nâng cao nhận thức cho học sinh về sử dụng thức ăn an toàn, đảm bảo khả năng cung ứng các chất dinh dưỡng, tránh sử dụng các nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc, chứa chất độc hại. Riêng TP.HCM cần tập trung nhiều hơn đến vấn đề chăm sóc răng miệng cho học sinh”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)