Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh liên cầu lợn: Nguy cơ tử vong cao

Tạp Chí Giáo Dục

Những khuyến cáo của BS để tránh bệnh liên cầu lợn
BS. Bùi Trọng Hợp – Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Trưng Vương, TP.HCM) cho biết, liên cầu lợn (hay còn gọi là liên cầu heo) là căn bệnh nhiễm trùng xảy ra chủ yếu ở động vật như heo, chó, mèo… có thể lây sang người bằng con đường tiếp xúc trực tiếp và ăn uống thiếu vệ sinh. 
Khi nào bị mắc chứng liên cầu lợn?
Theo BS. Hợp thì bệnh nhân bị bệnh liên cầu lợn sẽ có biểu hiện sốt cao trên 380, mệt mỏi. Kèm theo đó là triệu chứng nhức đầu và rét run. Bệnh liên cầu lợn cũng làm cho người bệnh buồn ói, chóng mặt, rối loạn ý thức và dẫn đến hôn mê. Rõ nhất là hiện tượng xuất huyết dưới da có thể nhìn thấy được. Những triệu chứng đó xuất hiện với người có tiền sử tiếp xúc với heo, thực phẩm chưa nấu kỹ từ heo thì phải nghĩ ngay đến bệnh liên cầu lợn.
Về nguyên nhân, bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis là một liên cầu có hình ô van hay bầu dục gây ra chủ yếu ở heo nhưng dễ dàng lây sang người khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp với loại động vật này. Những người giết mổ heo, tiếp xúc với thịt heo và các cơ quan nội tạng của heo có mang vi khuẩn thì cũng dễ bị nhiễm  bệnh. Đặc biệt, nếu ăn thịt heo chưa nấu chín, các món tái hay tiết canh heo, nem chua lại càng có nguy cơ cao về nhiễm bệnh. Ngay cả việc đơn giản nhất là khi dọn chất bài tiết từ heo như phân nước tiểu, chất độn chuồng như rơm cỏ, thức ăn nước uống trong chuồng mà không có đồ bảo hộ thì sẽ bị vi khuẩn liên cầu lợn tấn công. Bệnh truyền nhiễm này có thể xảy ra hầu hết với các loại động vật máu nóng trong đó có heo, chó, mèo, ngựa, dê… Khi heo bị dịch heo tai xanh thì sức đề kháng giảm mạnh tạo điều kiện cho virus tấn công vào cơ thể và sau đó gây bệnh. Virus đã bị nhiễm trùng máu sẽ nhanh chóng xâm nhập vào các bộ phận khác như thịt, tiết, lòng, xương, da; từ đó nguy cơ gây bệnh sang người sẽ tăng cao. Theo kết quả điều tra có 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn là do dùng món khoái khẩu tiết canh lợn mà không qua khâu nấu nướng. Chỉ 16 giờ sau khi ăn tiết canh là sẽ mắc bệnh. Ngay cả những món ăn khác như bộ đồ lòng, dồi trường, huyết heo nếu nấu không chín cũng là môi trường để vi khuẩn liên cầu lợn trú ngụ. Vi khuẩn liên cầu lợn cũng sống dai trong các món ăn “độc” như nem chua, chạo, gỏi sống chờ cơ hội tấn công sang người. Ngoài đường ăn uống, vi khuẩn liên cầu lợn còn lây qua đường tiếp xúc, chăm sóc và giết mổ.
Cần phát hiện và điều trị sớm
Người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở 2 thể: Thể viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Khi bị nhiễm trùng huyết, bệnh nhân ở thể quá cấp tính với triệu chứng sốt cao, xuất huyết và hoại tử toàn thân. Từ suy tuần hoàn, suy thận, suy gan bệnh nhân tử vong rất nhanh. Có thêm triệu chứng nhức đầu kèm sốt cao, nôn mửa là bệnh nhân ở thể viêm màng não. Nếu điều trị không kịp thời sẽ dẫn đến hôn mê, mất trí nhớ và liệt toàn thân. Thể thứ 3 là kết hợp cả 2 thể trên làm cho bệnh nhân bị sốc và tử vong nhanh.
Khi có bệnh liên cầu khuẩn lợn như các triệu chứng đã nêu, cần phải được phát hiện kịp thời mới hạn chế được tử vong do biến chứng.
BS.CKI Nguyễn Thị Thục – Trưởng phòng Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế dự phòng Q.10, TP.HCM khuyến cáo, muốn phòng chống bệnh, chúng ta không nên giết mổ heo bệnh, luôn mang dụng cụ bảo hộ để bảo vệ vết thương có trầy xước. Nơi giết mổ phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với người chăn nuôi, khi có heo bệnh chết phải báo dịch cho các cơ quan chức năng. Không giết mổ, không vứt xác heo chết xuống kênh rạch. Thường xuyên dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử khuẩn. Người tiêu dùng không mua bán heo bệnh, không nên mua thịt có màu đỏ khác thường. Giữ khu chế biến thực phẩm sạch sẽ, rửa tay trước và sau khi chế biến. Dụng cụ chế biến thịt sống –  chín như dao thớt để riêng. Đặc biệt không ăn tiết canh, thịt các loại heo, vịt, dê, chó và nội tạng heo khi chưa chín kỹ mặc dù nhiều người coi đây là những món “khoái khẩu” trong các dịp liên hoan. Luôn đeo găng tay khi tiếp xúc với động vật và sản phẩm của các loại gia súc, gia cầm. Có như vậy mới đẩy lùi được vi khuẩn liên cầu lợn.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Tử vong vì ăn tiết canh lợn
Mới đây, bệnh nhân Lê Đình H. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hương Trà (Huế) với các triệu chứng sốt cao, người run cầm cập. Sau khi điều trị khoảng 3 giờ đồng hồ thì bệnh nhân có triệu chứng choáng, xuất hiện vết tím tái trên da… nên đã được chuyển lên Bệnh viện TW Huế để điều trị. Khi nhập viện, bệnh nhân đã suy hô hấp, trụy tim mạch, ngưng tim, ngưng thở và tử vong nên được gia đình đưa về nhà để tổ chức mai táng. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này dương tính với liên cầu khuẩn lợn. Trước đó bệnh nhân Trần Văn Anh (39 tuổi ở Ninh Bình) bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh đã tử vong sau 3 ngày nhập viện điều trị. 
Trước khi nhập viện một ngày, anh Anh có ăn tiết canh lợn ngoài chợ. Đến khi thấy tình trạng sức khỏe ngày càng nguy kịch mới nhập viện thì đã quá muộn. Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh viện này tiếp nhận trên 10 ca bệnh liên quan đến liên cầu khuẩn lợn. 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)