Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh loãng xương: “Dịch bệnh âm thầm” đang lan rộng

Tạp Chí Giáo Dục

Tập thể dục hạn chế chứng LX (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: L.D.L

Loãng xương là căn bệnh thường gặp ở những người có độ tuổi trên 50. Đặc biệt, tỉ lệ người mắc căn bệnh này càng tăng cao ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Hiện nay, loãng xương (LX) đang được xem là một “bệnh dịch âm thầm” ngày càng lan rộng khắp thế giới, trở thành gánh nặng cho y tế cộng đồng. LX được xếp tương đương với tai biến mạch vành (nhồi máu cơ tim) trong bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ và tai biến mạch máu não (đột quỵ) trong bệnh cao huyết áp.
Diễn tiến thầm lặng
LX là chứng bệnh làm cho xương bị yếu, giòn và dễ bị gãy hơn bình thường. Chỉ cần một va chạm nhẹ hoặc ngã cũng có thể làm xương bị gãy nặng. Bệnh LX diễn biến từ từ và thầm lặng nên thường không gây triệu chứng gì. Chỉ đến khi LX nặng, xương bị gãy hoặc bị xẹp mới có biểu hiện. Gãy xương do LX thường gặp nhất ở cổ tay, đốt sống và cổ xương đùi, làm cho người bệnh đau đớn, mất khả năng vận động, mất khả năng sinh hoạt tối thiểu.
Biểu hiện lâm sàng của LX là đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài (đặc biệt xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút (vọp bẻ) các cơ; đau thực sự cột sống, đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế. Có thể đau mãn tính hoặc cấp tính sau chấn thương. Bệnh này ngày ngày cứ lấy dần canxi trong ngân hàng dự trữ xương của cơ thể con người. Khi có dấu hiệu lâm sàng, thường là lúc đã có biến chứng, cơ thể đã bị mất tới 30% khối lượng xương. Bệnh LX sẽ trở nên nặng nề hơn, nếu người bệnh có thêm một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây: Kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, đặc biệt là còi xương, suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu protid, thiếu canxi hoặc tỷ lệ canxi /phospho trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D… Ít hoạt động thể lực; sinh đẻ nhiều lần, nuôi con bằng sữa mẹ mà không ăn uống đủ chất đặc biệt là protid và canxi để bù đắp lại; bị các bệnh mãn tính đường tiêu hóa (dạ dày, ruột…) làm hạn chế hấp thu canxi, vitamin D, protid; có thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá… làm tăng thải canxi qua đường thận và giảm hấp thu canxi ở đường tiêu hóa.
Phòng ngừa tốt hơn điều trị
Cần cung cấp đầy đủ canxi cho cơ thể qua chế độ ăn uống, vận động. Nhu cầu về canxi ở trẻ dưới 12 tuổi là 800-1.000mg/ngày, trên 12 tuổi và người lớn cần 1.200mg/ngày, phụ nữ có thai và đang cho con bú cần 1.500mg/ngày. Các thực phẩm giàu canxi là sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại cá, tôm, cua, ốc, đậu tương, rau cải, lòng đỏ trứng… Ngoài ra cần bổ sung nguồn vitamin D (trong sữa, trứng, nấm tươi, cá hồi, lươn, trai, sò…) để cơ thể hấp thụ được canxi. Phụ nữ mang thai nên ăn thức ăn đa dạng, bảo đảm đủ canxi và chất đạm giúp hình thành xương cho thai nhi trong suốt quá trình phát triển. Nên vận động điều độ, phù hợp lứa tuổi, tạo sự dẻo dai cho cơ thể. Tập thể dục vừa sức như đi bộ đạp xe, bơi… giúp cho xương được rắn chắc, giúp tăng mật độ xương, hạn chế chứng LX. Điều trị có thể làm ngừng tiến triển của LX nhưng không hồi phục được những tổn hại trước đó. Do đó việc phòng ngừa vẫn tốt hơn chữa trị. Mục đích của điều trị là ngăn ngừa cho tế bào xương không bị mất thêm, tránh cho xương bị gãy; làm giảm sự mất xương bao gồm tăng canxi qua chế độ ăn và thuốc uống, bổ sung vitamin D hoặc fluorid tác động lên sự chuyển hóa của xương. Phụ nữ mãn kinh có thể phòng ngừa hoặc làm ngừng sự phát triển của LX bằng điều trị oestrogen thay thế.
TS.BS Lê Anh Thư
(BV Chợ Rẫy – TP.HCM)

Bình luận (0)