Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh luôn có cảm giác mình mắc bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Luôn có cảm giác mình mắc bệnh, mặc dù các xét nghiệm đều âm tính – đó là chứng bệnh rối loạn dạng cơ thể.

Ảnh: Shutterstock

Chị H.A (nữ, 40 tuổi, hiện là giáo viên ở TP Biên Hòa, Đồng Nai). Chị đến khám với biểu hiện đau ngực, khó thở kéo dài hơn 2 năm, thỉnh thoảng có những đợt ho kéo dài khoảng 1-2 tháng, mỗi năm diễn ra 4-5 lần. Chị đã điều trị tại một số nơi (với nhiều phiếu khám bệnh và xét nghiệm cận lâm sàng, tất cả đều âm tính). Tuy nhiên, chị không có cảm giác hết bệnh, mà đau ngực và khó thở ngày càng nặng. Chị cho biết mình gặp khó khăn về tâm lý trong gần 5 năm nay, kể từ khi sinh cháu thứ hai. Thời gian đó, áp lực công việc, cộng với sinh đẻ làm chị bị stress. Chị được chẩn đoán mắc chứng rối loạn cơ thể hóa, một bệnh lý cơ thể chủ yếu do căn nguyên tâm lý.
Đặc điểm của bệnh này là bệnh nhân luôn bận tâm và đau khổ vì các triệu chứng cơ thể của mình, dù thầy thuốc đã giải thích về nguyên nhân tâm lý của người bệnh. Người bệnh luôn cho rằng mình có bệnh cần phải khám và điều trị. Họ có thể có các biểu hiện đau ở các vị trí khác nhau như: đau đầu, đau bụng, đau ngực, đau lưng, đau khớp, và một số rối loạn chức năng (như rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục…). Các rối loạn trên thường kéo dài ít nhất 2 năm mà không tìm thấy bất cứ một giải thích thỏa đáng nào.
Rối loạn dạng cơ thể hay gặp ở nữ, tỷ lệ mắc bệnh trong suốt cuộc đời ở phụ nữ là 0,2 – 2%, ở nam giới là 0,2%. Người ta cho rằng rối loạn dạng cơ thể là bệnh mạn tính, hay thay đổi và hiếm khi lui bệnh hoàn toàn.
Để chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể cần phân biệt với rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, giả bệnh và tâm thần phân liệt. Cũng có thể rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm là các tổn thương phối hợp với rối loạn dạng cơ thể. Chính vì thế, chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể cần sự tỉ mỉ và chú ý khai thác bệnh sử, triệu chứng một cách cẩn thận. Đây là một bệnh lý tâm thần, hoàn toàn các xét nghiệm thực thể đều âm tính. Việc điều trị rối loạn dạng cơ thể thường ưu tiên với các liệu pháp tâm lý.
Lê Minh Công (BV Tâm thần T.Ư 2)
Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)