BS đang điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ |
BS. Trịnh Tất Thắng, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết: “Do nhiều nguyên nhân, số người mắc bệnh lý tâm thần tại Việt Nam cũng như trên thế giới đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, rất cần thiết phải đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần, đồng thời kiến nghị các ngành liên quan thực hiện triệt để Luật Bảo hiểm y tế cho bệnh nhân tâm thần”.
Điều trị sớm bệnh lý tâm thần
Rối loạn tâm thần là những bất thường của hoạt động tâm lý, với các biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì mất ngủ, ăn kém ngon miệng, giảm hứng thú, giảm giao tiếp, cảm giác uể oải mệt mỏi, không thích hoạt động, giảm khả năng suy nghĩ, trí nhớ, bất an, có một số hành vi không phù hợp. Nặng thì kích động, quá vui hay quá buồn chán, bất động, có ý tưởng chán sống, hành vi hoang tưởng hoặc tự sát, ảo giác… Trong điều trị bệnh lý tâm thần, ngoài thuốc đặc trị, bệnh nhân được hướng dẫn tập vật lý trị liệu, tham gia lao động sản xuất (tại những cơ sở điều trị có điều kiện), tham gia các hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể… Điều dưỡng Phạm Quang Dễ – Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ nói: “Việc bỏ thuốc rất nguy hiểm. Không ít bệnh nhân điều trị ổn định nhưng khi xuất viện, gia đình chủ quan không nhắc nhở uống thuốc, vậy là bệnh tái phát mà thường là nặng hơn, điều trị khó hơn”. Hiện, Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ đang quản lý hơn 2.600 bệnh nhân tâm thần, đến từ Cần Thơ và một số tỉnh trong khu vực. Với những bệnh nhân tuân thủ điều trị, được gia đình quan tâm chăm sóc, đa số đạt kết quả tốt. Trên phạm vi cả nước, theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2013, cả nước đã triển khai dự án “Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em” tại 8.866 xã – phường, đạt tỷ lệ 81%. Một trong những yếu tố gây bất lợi trong điều trị là hậu quả từ hình ảnh một số người bệnh tâm thần mãn tính đi lang thang, sống vạ vật, không làm chủ hành vi, khiến nhiều người cho rằng bệnh tâm thần không chữa được vì là bệnh do “trời phạt”(?!). Không ít gia đình đã bỏ mặc khi người thân mắc bệnh. Về quan niệm sai lầm này, ThS.BS.CKII La Đức Cương, Trưởng ban Điều hành dự án “Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em” thuộc Bộ Y tế, nhấn mạnh: “Số bệnh nhân tâm thần mãn tính chỉ chiếm 2% trong tổng số người bị bệnh tâm thần. Nếu bệnh lý tâm thần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đủ thời gian thì tỷ lệ khỏi rất cao”. Nếu không được điều trị kịp thời, đủ thời gian và đúng cách, bệnh lý tâm thần sẽ trở nên rất khó chữa, dễ dẫn đến tàn phế tâm thần để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh, cho gia đình và xã hội.
Còn nhiều khó khăn
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thế giới có khoảng trên 400 triệu người bị rối loạn tâm thần hoặc rối loạn chức năng não mãn tính, chiếm khoảng từ 15-30% dân số, nhưng phần đông chưa được chú ý hoặc được chăm sóc đầy đủ. Và WHO nhận định: “Tầm nhìn đến năm 2020, sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng thứ nhì, sau các bệnh tim mạch”. Theo các công trình nghiên cứu khoa học, Việt Nam có 14,9% dân số có các rối loạn tâm thần, trong đó phổ biến là tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, mất trí, chậm phát triển tâm thần, nghiện rượu, ma túy, rối loạn hành vi thanh thiếu niên. Qua quan sát của các chuyên gia, một số bệnh lý tâm thần đang có chiều hướng tăng, như rối loạn trầm cảm, nghiện (nghiện các chất, nghiện game và internet); rối loạn có liên quan đến stress và dạng cơ thể, rối loạn tự kỷ ở trẻ em…
Trong bối cảnh khó khăn nhiều mặt trên, năm 2014 kinh phí hoạt động của “Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em” giảm gần 70% so với năm 2013 trong khi kế hoạch được giao là phải phát hiện mới 1.860 bệnh nhân tâm thần phân liệt, đưa tổng số bệnh nhân được quản lý và điều trị lên 194.405, tỷ lệ 77,5%. ThS.BS.CKII La Đức Cương – cho biết: “Chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo sở y tế các tỉnh – thành và các bệnh viện tâm thần, tất cả đều thống nhất, đề nghị Bộ Y tế ra thông tư về việc hỗ trợ kinh phí đối ứng từ nguồn ngân sách của tỉnh – thành cho chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần, đồng thời cần có sự quan tâm hơn của Nhà nước và các bộ ngành liên quan, có như vậy dự án này mới hoàn thành những chỉ tiêu của năm 2014”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Bình luận (0)