Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh mau quên của tuổi teen

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Góc học tập thông thoáng, nhiều dưỡng khí sẽ giúp các bạn tuổi teen tránh được bệnh mau quên (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: K.N
Nhiều em tuổi teen hay than phiền về bệnh mau quên trong việc học tập. Học đâu quên đó, vì thế mà học không khá được, thi không chắc chắn làm bài tốt. Nhiều em đã dùng thuốc kích thích, thuốc “giúp trí nhớ” để hy vọng khá hơn, nhưng chẳng đi đến đâu.
Điều kiện để nhớ và nhớ lâu
Mau quên không phải là kém thông minh. Trái lại, đôi khi mau quên là đức tính cần thiết để thuộc bài hơn, nhất là những bài học đòi hỏi sự suy nghĩ, óc phê phán, óc sáng tạo để có thể thấu triệt ý nghĩa sâu xa. Có nhiều em thực sự thông minh nhưng trí nhớ kém. Thầy giảng chưa xong đã hiểu, nghe nói một phần đã đoán ra toàn thể, nhưng lại mau quên những điều đáng nhớ. Ngược lại, có em nhớ rất dai nhưng lại kém thông minh.
Trí nhớ một phần do bẩm sinh, một phần khác là do ta luyện tập mà có. Các em thường than phiền là trí nhớ kém, thực ra chưa chắc là trí nhớ các em đó kém. Có khi nào, các em ngạc nhiên thấy bài học thì ta không nhớ mà bài hát… thì ta thuộc rất mau và nhớ rất dai không?
Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thì: “Điều kiện để nhớ và nhớ lâu là các em phải có sự thích thú về môn học cũng như phải có sự kích thích mạnh của đối tượng (tức là gây thành xúc động nơi em). Sự lặp đi lặp lại nhiều lần, sự minh mẫn của trí tuệ và sự khỏe mạnh của cơ thể đặc biệt là của các giác quan sẽ giúp các em nhớ lâu. Chúng ta biết rằng trí nhớ có thể luyện tập được chỉ cần có ý chí, có nghị lực và có phương pháp. Đôi khi trí nhớ kém vì các em bắt trí nhớ làm việc quá nhiều, đuối sức, không chứa nổi nữa, lúc đó em phải biết quên, học cách quên để nhớ nhiều hơn”.
Có thuốc nào uống để thông minh và nhớ lâu?
Không có thuốc nào giúp trí nhớ cả. Có em đi xa hơn, uống cả các loại thuốc kích thích thần kinh để học… Các loại này uống vào cũng gây cho các em ảo tưởng thông minh, minh mẫn hơn lên một chút nhưng thực sự thì tai hại vô cùng vì chúng làm cho trí nhớ các em suy sụp thêm, cơ thể kiệt quệ thêm, ngoài ra nó còn gây ra những biến chứng tai hại khôn lường nếu có những bệnh như cao huyết áp, đau thận hay đau tim.
Cũng theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thì giấc ngủ là một liều thuốc bổ và rất cần thiết cho trí nhớ. Một giấc ngủ trưa khoảng nửa giờ đem lại lợi ích bằng 3 giờ ngủ đêm. Như vậy, ngủ trưa rất có lợi cho sức khỏe và trí nhớ. Các em ngủ đầy giấc thì học bài sẽ mau thuộc hơn. Các em có để ý buổi sáng khi mới thức dậy, học bài bao giờ cũng mau thuộc hơn không. Là vì sau giấc ngủ, cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, trí óc minh mẫn hơn lên, dễ thu nhận những sự kiện mới. Phải có nghị lực và phương pháp học. Người có trí nhớ dai thì học một lần thuộc, còn ta trí nhớ kém nhưng học mười lần cũng thuộc, cũng nhớ như người khác. Điều cần thiết là các em phải biết tập trung tư tưởng, biết chú ý và giữ gìn cho thân thể luôn luôn khỏe mạnh. Phải biết biến bài học nhàm chán trở thành thích thú hơn thì các em sẽ dễ nhớ hơn. Không có cách nào nhớ lâu bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi ngày bằng cách nghe máy phát âm “rỉ rả” bên tai suốt ngày, bằng cách ghi vào sổ tay lúc nào rỗi rảnh lấy ra đọc, bằng cách ghi chép công thức khó nhớ vào sổ để có dịp thì đọc lại, hay đố vui để học với bạn bè. Bạn đố mà ta bí thì ức lắm nên về nhà xem lại đoạn đó, thế là thuộc ngay và nhớ mãi.
PHẠM NĂNG HIỀN
(giáo viên Trường THCS Nguyễn Du – TP.Phan Thiết)

Để giúp có trí nhớ tốt, các em cần sống trong bầu không khí trong sạch, ăn uống đầy đủ chất như đường, trứng, thịt, cá, trái cây có các chất sinh tố A, C, D và muối. Một điều cũng rất cần thiết là nghỉ ngơi đầy đủ và có phương pháp học sao cho thảnh thơi mà hiệu quả.

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)