Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bệnh mù màu

Tạp Chí Giáo Dục

Em 19 tuổi, đang học Trường ĐH kiến trúc, hiện em rất khó phân biệt được màu sắc và không thể gọi tên chính xác được màu sắc. Có phải em mắc chứng bệnh mù màu, có nguy hiểm không?                      
Lâm Trúc Phi Long
(Đại học Kiến trúc TP.HCM)
– BS. HOÀNG HUY ĐỨC: Mắt người có thể cảm nhận được ánh sáng có bước sóng từ 400 đến 700 nanomét (1 nano-metre = 1/1.000.000 mm). Ánh sáng trắng trong thiên nhiên là tập hợp nhiều loại ánh sáng với các bước sóng khác nhau lần lượt từ ngắn đến dài như sau: tím, chàm, lam, lục, vàng, cam, đỏ. Sự phân tích màu sắc chủ yếu do các tế bào hình nón đảm nhận, các tế bào hình nón này tập trung ở hố trung tâm của võng mạc mắt.
Mù màu là một bệnh do thần kinh thị giác, não bị tổn thương hoặc do cha mẹ truyền lại mà các tế bào hình nón bị mất khả năng phân biệt các màu sắc. Bệnh mù màu là một bệnh di truyền liên kết với giới tính. Các gen quy định bệnh mù màu nằm trên nhiễm sắc thể giới tính và là gen lặn. Do đó, con trai nhận từ mẹ nhiễm sắc thể X có chứa gen mù màu thì sẽ bị mù màu còn con gái thì phải nhận nhiễm sắc thể X của mẹ và của cha đều có chứa gen mù màu thì mới bị bệnh mù màu.
Mù màu không có hại cho sức khỏe nhưng lại bị hạn chế trong cuộc sống, đặc biệt là việc học hành cũng có thể gây hại cho bản thân và cho người khác nếu bạn không lựa chọn đúng ngành học, nghề nghiệp. Tốt nhất đừng chọn những nghề nghiệp, ngành học yêu cầu khả năng phân biệt được chính xác các màu sắc như lái xe, họa sĩ, kiến trúc… mà bạn đang theo học.

Bình luận (0)