Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Bệnh nghề nghiệp – Thiếu danh mục, thủ tục rườm rà

Tạp Chí Giáo Dục

Do môi trường lao động, sản xuất không đảm bảo, thiếu các thiết bị bảo hộ nên người lao động bị bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, việc quản lý bệnh nghề nghiệp ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức khiến cho người lao động thiệt thòi.

Số người mắc bệnh tăng

Sau nhiều năm làm công tác trên tàu hỏa, do làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn, dần dần anh T. (quận 3) mắc bệnh lãng tai và nói to. Mỗi lần nói chuyện với ai, anh nói rất to và người khác cũng phải đáp lại thật lớn thì anh mới nghe được! Đi khám chuyên khoa, bác sĩ xác định anh đang mắc bệnh giảm thính lực giai đoạn nặng do ảnh hưởng tiếng ồn công nghiệp. “Nói thật về nhà đôi khi mình vẫn còn cảm giác như ở trên tàu, phải nói to mọi người mới nghe. Nằm ngủ ở nhà mà trong tai vẫn cảm giác tiếng tàu chạy. Đi khám bác sĩ cho biết mình bị bệnh nghề nghiệp và cần giám định cụ thể để được hưởng chế độ” – anh T. cho hay.

Môi trường làm việc không đảm bảo, người lao động dễ bị bệnh nghề nghiệp.

Tương tự, sau hơn 20 năm đứng lớp dạy học, gần đây thấy ho nhiều nên chị B. (quận 9) đi khám mới biết mình bị mắc bệnh phổi mãn tính. “Bác sĩ cho biết bệnh của tôi có thể do nhiều năm tiếp xúc với bụi phấn và nên làm thủ tục để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, nhưng thủ tục giám định rườm rà, nghe nói phải đo đạc môi trường gì đó nên mãi đến giờ vẫn chưa làm xong” – Chị B. cho hay.

Riêng với chị N. (Bình Tân) sau 16 năm làm công nhân may mặc, mỗi ngày phải ngồi liên tục từ 10-12 giờ nên giờ đây chị bị thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm 3 đốt sống lưng và 2 đốt sống cổ. Giờ đây, chỉ ngồi một chỗ trên 10 phút là chị chịu không nổi nên phải xin nghỉ việc ở nhà bán tạp hóa. “Tui bị bệnh này bác sĩ bảo là do phải ngồi làm việc một chỗ quá nhiều, không chữa trị kịp thời nên bệnh đã nặng. Bệnh do nghề nghiệp nhưng hiện nay họ nói bệnh này chưa có trong danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ” – chị N. băn khoăn.

Do môi trường làm việc ồn, bụi nên số lao động mắc bệnh nghề nghiệp hiện nay tăng nhanh. Trong đó, bệnh bụi phổi silic chiếm đa số, tiếp đến là bệnh liên quan đến thần kinh, bệnh viêm xoang, mũi họng, thanh quản cấp, bệnh về mắt… Nhiều bệnh nếu không được phát hiện sớm sẽ trở thành mạn tính, khó chữa, chẳng hạn như bệnh bụi phổi do hít phải sợi đay, gai, bông. Theo thống kê đến hết năm 2012, cả nước có gần 30.000 lao động mắc bệnh nghề nghiệp đã được cấp sổ bảo hiểm và mỗi năm tăng thêm khoảng 2.000 người.

Thế nhưng trên thực tế, số người mắc bệnh nghề nghiệp có thể cao hơn rất nhiều, do đa phần các cơ sở sản xuất không khám bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra lực lượng bác sĩ chuyên ngành sức khỏe nghề nghiệp còn quá mỏng, chỉ nhằm phòng ngừa là chính khi chuyển giai đoạn mãn tính là không thể điều trị dứt.

Cần bổ sung danh mục

Mặc dù số người mắc bệnh tăng nhanh nhưng việc quản lý bệnh nghề nghiệp ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức. Việc nghiên cứu, bổ sung các loại bệnh nghề nghiệp mới vào danh mục các bệnh nghề nghiệp ở nước ta vẫn còn chậm. Điều này gây khó khăn cho người lao động trong việc hưởng các chế độ chính sách liên quan đến bệnh nghề nghiệp. Mặc dù đã được bổ sung nhiều lần nhưng đến nay nước ta mới có 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm.

Trong lúc đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ban hành danh mục gồm 54 nhóm bệnh nghề nghiệp, ở Pháp có 88 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, Trung Quốc có 102 bệnh nghề nghiệp… Nhiều bệnh về cơ, xương, khớp nhưng vẫn chưa được bổ sung vào danh mục …

Bên cạnh đó, người lao động muốn hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp như sau: người sử dụng lao động tổ chức khám bệnh định kỳ, nếu phát hiện lao động mắc bệnh nghề nghiệp thì đưa ra hội đồng giám định y khoa để giám định. Tuy nhiên, để tránh tốn kém chi phí và mất thời gian làm thủ tục, nhiều doanh nghiệp đã không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Chưa hết, các thủ tục, chế độ giám định và cấp sổ bệnh nghề nghiệp hiện rất phức tạp. Theo đó, để xác định bệnh nghề nghiệp phải có kết quả đo các chỉ số về môi trường lao động. Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, quy định hồ sơ hưởng bệnh nghề nghiệp phải có biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại và chỉ có giá trị trong 24 tháng kể từ ngày biên bản được ký.

Tuy nhiên, bệnh nghề nghiệp chỉ phát sinh khi người lao động làm việc trong môi trường độc hại trong thời gian dài, tiếp xúc nhiều và thường xuyên với các chất độc hại như khí, độ ồn, nồng độ bụi… Nếu lấy kết quả đo đạc môi trường trong 24 tháng cuối cùng đủ tiêu chuẩn cho phép để không giải quyết bệnh nghề nghiệp cho người lao động là không hợp lý.

Đề nghị cho phép lấy kết quả đo đạc môi trường của các năm trước, trong khoảng thời gian từ lúc người lao động bắt đầu làm việc cho đến khi mắc bệnh nghề nghiệp nếu có biên bản đo đạc môi trường hai năm liên tiếp không đạt thì được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.

Hồ Thu (SGGP)

Bình luận (0)