Sự kiện giáo dụcTin tức

Bệnh nhi ung thư trở lại trường

Tạp Chí Giáo Dục

“Cô ơi, chú ơi! Con đã được trở lại trường” – thật nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn nghẹn ngào niềm vui của bệnh nhi ung thư gửi đến các bác sĩ và những người tình nguyện khi các cháu, các em trở lại trường học.
Lúc rảnh rỗi, Trần Hoàng Thiện (10 tuổi, Tiền Giang) được cha dạy cách đi xe đạp để tự đến trường – Ảnh: XUÂN DỊU
Bốn năm gắn bó tại các bệnh viện, chương trình "Ước mơ của Thúy"(báo Tuổi Trẻ khởi xướng) đã ghi nhận khá nhiều bệnh nhi qua được giai đoạn điều trị duy trì, chỉ tái khám định kỳ 1-6 tháng/lần. Đó là tín hiệu vô cùng tươi sáng trong điều trị bệnh ung thư.
Ngôi nhà vui vẻ
Ngày đầu tiên được qua điều trị duy trì, trở về nhà bệnh nhi Lê Thị Việt Trinh (học sinh lớp 8, điều trị tại phòng 6, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) đã dùng phấn viết lên vách: “Ngôi nhà vui vẻ”. Cậu em út của Trinh viết tiếp câu: “Ngôi nhà thần tiên”. Trinh bày tỏ: “Từ nay em được ở nhà, quây quần ăn cơm vui vẻ với gia đình mỗi ngày”. Đó là ngôi nhà mới của gia đình Trinh ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được che tạm bợ bởi những tấm bạt cũ rách. Căn nhà tươm tất trước đó đã được thế chấp 60 triệu đồng để làm kinh phí điều trị cho em.
Thầy thuốc cũng vui
Ở khoa ung bướu Bệnh viện Nhi trung ương, tiến sĩ Bùi Ngọc Lan ước tính có hơn 100 bệnh nhi qua giai đoạn duy trì. Bác sĩ Phù Chí Dũng – trưởng khoa huyết học trẻ em 1 Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM – nhẩm tính khoa có 50-60 ca chỉ tái khám định kỳ. Bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy – trưởng khoa nhi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – chia sẻ tuy chưa có con số thống kê chính xác, nhưng số ca điều trị qua duy trì đã tăng đều hằng năm…
“Những ca được qua duy trì, khỏi bệnh người thầy thuốc cũng vui, hạnh phúc hệt như người thân của bé vậy. Ung thư nếu được chẩn đoán phát hiện sớm, điều trị tích cực, khả năng khỏi bệnh sẽ rất cao. Sau điều trị, nếu được cộng đồng phụ thêm một tay, các bệnh nhi hoàn cảnh khó khăn sẽ có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng”, các bác sĩ chia sẻ.
Hành trình chiến đấu với bệnh ung thư của Trinh lần lượt trải qua bốn lần phẫu thuật và bảy đợt hóa trị. Ba phải nghỉ làm theo con vào bệnh viện, mẹ nhặt ve chai mỗi ngày không đủ tiền lo cho hai em còn lại. Tiền lãi cứ tăng dần, đến đầu năm 2010 căn nhà bị xiết mất.
Ba Trinh cho biết giờ vẫn còn nợ hơn 80 triệu đồng. Hôm chúng tôi đến thăm, ba chị em Trinh vẫn còn nợ học phí ở trường. Mở nắp thùng gạo, đáy thùng trống trơn không còn một hạt… “Ngày mai sẽ mượn đỡ gạo hàng xóm” – mẹ Trinh bậm môi. Theo lịch hẹn, tháng 4-2011 Trinh phải trở lại bệnh viện tái khám ba tháng/lần, nhưng đã đến tháng 11 rồi gia đình vẫn chưa có tiền đưa Trinh đi.
Căn nhà nhỏ của gia đình bệnh nhi Nguyễn Đức Trung (14 tuổi, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) có lẽ chỉ chiếc xe máy cà tàng là có giá trị nhất. Những phên gỗ đóng quanh nhà đã bị mục ruỗng khiến ngôi nhà toang hoác. Dẫu trong cảnh nghèo khó, nhưng hơn một năm qua cả nhà đã trở lại không khí sum vầy, đầm ấm và niềm tin tươi sáng vì Trung được chuyển sang điều trị duy trì.
Mẹ Trung rớt nước mắt: “Hai vợ chồng không dám nghĩ có ngày cháu khỏi bệnh, được trở lại trường như hôm nay”. Mỗi tháng Trung phải vào lại TP.HCM tái khám, chi phí gần 3 triệu đồng cho đi lại, làm các xét nghiệm… so với đồng lương giáo viên của ba mẹ Trung đang là quá sức. Trên mỗi chặng đường xa, người mẹ chỉ dám mua một vé ăn theo xe cho con, còn mình ăn đỡ mì gói hay nhịn đói qua bữa.
Từng xấp hóa đơn tiền thuốc cứ tăng dần, có tháng đến gần 9-10 triệu đồng. Gia đình bệnh nhi Trần Hoàng Thiện (10 tuổi, ở Tiền Giang) phải cậy thêm nhà nội bán hết ruộng đất để phụ chi phí điều trị hơn 180 triệu đồng. Dù đang sống hết sức khốn khó, cả nhà Thiện không giấu được niềm vui trong nước mắt ngày em được chuyển sang điều trị duy trì: “Đói, no gì cũng sẽ ráng cho Thiện đến trường”. Còn Thiện ao ước: “Giá con có chiếc xe đạp, con tự đi học để cha không phải đưa đón, cha có nhiều thời gian đi làm kiếm tiền trả nợ”.
Niềm vui nhân đôi
Từ tỉnh Vĩnh Phúc, bệnh nhi Hoàng Thị Hiền – học sinh lớp 7G Trường THCS Liên Bảo, điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương, viết thư chia sẻ: “Em hiểu rằng cuộc sống không bao giờ được trọn vẹn như ta hằng mong ước. Từng ngày em và ba cùng đối diện với những khó khăn, thử thách. Niềm vui nhân đôi khi em được trở về nhà, trở lại ngôi trường thân yêu và học lại lớp 5. Hai năm qua em đã đạt học sinh giỏi, điểm trung bình cao nhất lớp và giải nhì học sinh giỏi cấp trường”.
Những ngày tháng Bùi Thị Thân ở Việt Trì lên Hà Nội chữa bệnh là quãng thời gian kinh hoàng với bố mẹ em khi cuộc chiến giằng co với tử thần cứ tính từng ngày. Có những lần bạch cầu, tiểu cầu của Thân đều thiếu và người cha nghèo chỉ biết ôm con khóc vì trong túi không còn tiền. “Ở quê có ba đứa mắc bệnh ung thư thì hai đứa không qua khỏi. Chỉ cần con gái tiếp tục được sống, cực nhọc bao nhiêu vợ chồng tôi cũng cam lòng” – bố của Thân chia sẻ. Ngày Thân khỏi bệnh, với 2/3 chân trái bỏ lại bệnh viện, người cha lại làm đôi chân hằng ngày đưa con trở lại trường học.
Gián đoạn mất 2-3 năm mới quay trở lại trường, bắt lại nhịp học đối với nhiều bệnh nhi là rất khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng. Bên cạnh đó, định kỳ các em phải trở lại bệnh viện tái khám. Thế nhưng có nhiều bạn đạt được kết quả học tập rất đáng nể. Bạn Bùi Thị Thân luôn đứng nhất, nhì lớp, đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn sinh học năm lớp 8. Còn với Kim Oanh ở Long An, điều trị bệnh ung thư xương tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, vẫn hằng ngày đến lớp với cặp nạng. Oanh mơ ước sau này sẽ trở thành cô giáo dạy văn. Chỉ còn mấy hôm nữa Oanh sẽ tham gia dự thi học sinh giỏi môn văn cấp tỉnh.
Theo TỐ OANH – XUÂN DỊU – ĐOÀN CƯỜNG – THẦN HOÀNG
(TT)

Bình luận (0)