Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh nhiễm não mô cầu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM (T4G) vừa tổ chức hội thảo tư vấn về bệnh do vi khuẩn não mô cầu. Tại đây, BS. Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 – cho biết: “Trẻ càng nhỏ thì nguy cơ mắc bệnh càng cao – gấp 5 lần so với trẻ lớn. Khi trẻ nhỏ bị suy giảm miễn dịch, nhiễm siêu vi hô hấp cấp là các yếu tố thuận lợi cho nhiễm não mô cầu xâm lấn. Vi khuẩn có tên “não mô cầu” nhưng gây bệnh nhiều chỗ ở mũi họng, màng não, khớp và nặng nhất là nhiễm trùng máu…”.
Nguồn lây của vi khuẩn não mô cầu từ mũi họng người bệnh hay người lành mang trùng (tỷ lệ người lành mang trùng rất cao, có thể lên đến 40%) phát tán khi ho, hắt hơi. Người tiếp xúc gần với ca bệnh có nguy cơ mắc bệnh gấp 800 lần so với cộng đồng.
“Hút thuốc lá, kể cả hút thụ động sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh do màng nhầy đường hô hấp bị tổn thương và khói thuốc làm tăng tiết nhầy hô hấp. Người hút thuốc có tỷ lệ người mang trùng cao hơn người bình thường. Trẻ hút thụ động tăng nguy cơ mắc bệnh từ 3-5 lần so với những trẻ khác”, BS. Khanh nhấn mạnh.
Bệnh rất nguy hiểm, tùy vào sức đề kháng của người bệnh mà có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm khớp. Ở trẻ em, bệnh có tỉ lệ tử vong khoảng 50% nếu không được điều trị; điều trị sớm tỉ lệ tử vong vẫn còn 5% đến 10%. 10-15% số trường hợp qua khỏi nhưng vẫn phải chịu biến chứng như tâm thần, điếc, liệt, động kinh.
Vì vậy, phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện nếu nghi ngờ mắc bệnh. Bệnh khởi phát đột ngột với đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng và cổ cứng. Các dấu hiệu khác đi kèm thường là li bì, mê sảng, hôn mê và co giật. Ban xuất huyết nhỏ trên da là dấu hiệu quan trọng, tuy nhiên ở trẻ nhỏ khởi phát bệnh có thể âm ỉ, cổ không cứng mà mềm. Các dấu hiệu khác như vật vã, nôn, ban xuất huyết có thể xuất hiện muộn hoặc không rõ ràng.
Để phòng ngừa, cần phải thông thoáng nhà cửa, tránh để trẻ ở những nơi chật chội, đông người. Khi nhà có người bệnh cần báo ngay cho y tế địa phương, theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân. Những người trong gia đình cần uống thuốc phòng ngừa theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Hiện nay, đã có vaccine phòng bệnh não mô cầu, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng để tránh nguy cơ mắc bệnh gây hậu quả nghiêm trọng…
K.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)