Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh nước ăn chân

Tạp Chí Giáo Dục

Nước ăn chân là cách nói dân gian để chỉ bệnh nấm ở chân. Đây là bệnh da phổ biến trong mùa mưa lũ, mà nguyên nhân chính là do tiếp xúc thường xuyên với nước.
Bệnh này cũng có thể xem là bệnh nghề nghiệp ở những người làm nghề tiếp xúc thường xuyên với nước, môi trường ẩm ướt, mang giày vớ bít kín mà không thay giặt thường xuyên, hoặc bị chứng tăng tiết mồ hôi.
Tác nhân gây bệnh là các vi nấm sợi tơ như Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum, hoặc cả vi nấm men Candida albicans.
Ảnh: Shutterstock.
Bệnh có thể biểu hiện bằng hình thức tróc vảy khô, mụn nước hoặc viêm kẽ. Ở các kẽ ngón, thường là ở các kẽ hẹp như kẽ của các ngón chân giữa, ngón chân áp út, lớp da bên trên bị mủn trắng, có kẽ nứt, bên dưới là một nền da đỏ ướt. Ở lòng bàn chân, gót chân, các cạnh ngoài của bàn chân có thể có mụn nước hoặc mảng da dày màu nâu đỏ, bề mặt phủ vảy nhỏ mịn. Chúng có thể nhỏ, ở vài vùng rải rác trên chân, nhưng cũng có thể tạo một mảng lớn trùm cả bàn chân. Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu. Trong trường hợp bị bội nhiễm, bệnh nhân có thể sốt, nổi hạch bẹn và đau. Lúc bấy giờ bàn chân bị sưng tấy lên và có mủ.
Về điều trị, nếu có mủ, đau nhức sẽ phải dùng thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm, ngâm vùng da bệnh vào dung dịch thuốc tím được pha loãng như màu của nước hoa hồng…
Để phòng ngừa, chúng ta cần giữ cho đôi chân luôn khô ráo. Sau khi đi mưa hoặc tiếp xúc nước bẩn phải rửa chân sạch, lau khô.
Bác sĩ  Võ Thị Bạch Sương (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)