Bệnh Alzheimer’s được xác định là bệnh lý thoái hóa thần kinh, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng sa sút trí tuệ (chiếm 60%). Trong vòng 10 năm trở lại đây, số người mắc bệnh Alzheimer’s đang có dấu hiệu gia tăng trong cộng đồng.
BS Nguyễn Thị Phương Nga đang khám cho bệnh nhân bị sa sút trí tuệ do Alzheimer’s. Ảnh: H.T
Tại Phòng khám (PK) Sa sút trí tuệ, BV Thống Nhất TP.HCM, chị T.T.T (Q.Gò Vấp), cho biết, từ cuối năm 2018, phát hiện mẹ chồng (55 tuổi) mắc chứng hay quên – đi chợ quên mua đồ ăn, quên thực phẩm ở chợ, quên khóa bình gas, kho cá nhưng đi làm việc khác nên nồi cá cháy đen… Thời gian đầu tưởng bà nhiều việc nên quên là chuyện bình thường nhưng càng ngày càng nghiêm trọng nên chị T. đưa mẹ chồng đi khám. Kết quả, bà bị Alzheimer’s…
Cũng tại BV Thống Nhất, ông P.V.N (50 tuổi, Q.Bình Thạnh), kể, ông được thông báo dự một cuộc họp nhưng đến ngày họp thì ông không đi. Khi cuộc họp kết thúc, một người bạn đến nhà hỏi thăm. Lúc đó dù cố gắng thế nào ông vẫn không thể nhớ mình được thông báo về cuộc họp từ lúc nào. Gần đây, con cái cũng hay than phiền ông quên kéo cắt cây ở vườn, quên đồ bẩn ở trong tủ quần áo. Lo sợ bị bệnh nên ông đã đi khám…
BS.CKII Nguyễn Thị Phương Nga – Trưởng khoa Nội thần kinh BV Thống Nhất TP.HCM, Ủy viên Ban Chấp hành hội Alzheimer’s và Sa sút trí tuệ Việt Nam – cho biết, bệnh Alzheimer’s được xác định là bệnh lý thoái hóa thần kinh, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng sa sút trí tuệ (chiếm 60%). Trong vòng 10 năm trở lại đây, số người mắc bệnh Alzheimer’s đang có dấu hiệu gia tăng trong cộng đồng. Ở nước ngoài, bệnh nhân sa sút trí tuệ chiếm từ 6-7%, tại Việt Nam – Viện Lão khoa quốc gia đã nghiên cứu và công bố tỷ lệ người dân sa sút trí tuệ khoảng 6,7%.
“Trong 10 năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân khám và điều trị sa sút trí tuệ rất nhiều, một trong những nguyên nhân là nhận thức của người dân bắt đầu được nâng cao. Trước đây nhiều người có tâm lý chủ quan rằng người lớn tuổi bị suy giảm trí nhớ là chuyện bình thường, không điều trị”, BS Nga thông tin.
Nguyên nhân dẫn đến Alzheimer’s là do quá trình thoái hóa bệnh lý trong não tạo thành những lắng đọng, sự lắng đọng ở một số vị trí gây chết tế bào thần kinh, gây teo não phụ cấp về trí nhớ và một số chức năng nhận thức khác. Khi bệnh tiến triển, thoái hóa sẽ lan ra cả não bộ. Những yếu tố nguy cơ như tuổi cao (từ 60 tuổi trở đi). Bệnh nhân thường được người thân đưa đến BS trong biểu hiện như suy giảm về trí nhớ, quên những chuyện xảy ra gần đây trong khi những chuyện về xa xưa nhớ rất kỹ. Ví dụ không nhớ bữa sáng, hoặc không nhớ những cuộc hẹn, hỏi tới hỏi lui cùng một nội dung, bà nội trợ đi chợ quên mua đồ hoặc quên đồ ở chợ, khả năng tính toán suy giảm, khả năng nói chuyện, duy trì từ ngữ bị hạn chế, thường đi lạc hoặc môi trường quen thuộc trở nên lạ lẫm, khả năng quản lý công việc điều hành bị ảnh hưởng… Bệnh nhân cần được khám kỹ về lâm sàng, bệnh sử gia đình để xác định nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ. Đối với những trường hợp xác định Alzheimer’s, đến nay không điều trị khỏi hoàn toàn mà điều trị kéo dài thời gian bệnh nhân duy trì nhận thức, hoạt động sống, sinh hoạt và giao tiếp xã hội thường ngày. Những bệnh nhân Alzheimer’s nếu được phát hiện, khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, quá trình điều trị sẽ tốt hơn so với người phát hiện ở giai đoạn trung bình hoặc nặng. Bệnh nhân sa sút trí tuệ giai đoạn nặng thời gian sống không còn dài, do tình trạng suy kiệt, viêm phổi (2 nguyên nhân tử vong lớn nhất). Ở giai đoạn nặng, người bệnh không nhận biết xung quanh, giảm toàn bộ hoạt động cơ thể; nhiều bệnh nhân không chịu ăn, không nhận biết được nguy hiểm, bị suy giảm miễn dịch… Thống kê tại BV Thống Nhất, trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, bên cạnh đó có khoảng 30 bệnh nhân than phiền về những biểu hiện quên, suy giảm trí nhớ, trong đó có nhiều người trong độ tuổi 40, 50 tuổi. Ở những đối tượng trẻ tuổi, nguyên nhân sa sút trí tuệ được xác định do áp lực công việc quá lớn, tâm lý lo âu, căng thẳng.
Hoài Thương
Bình luận (0)